Nhà vệ sinh cũng là nơi thể hiện văn hóa đạo đức của một người
- Ngọc Trúc
- •
Nhiều người không nhận ra rằng, nhà vệ sinh – căn phòng chỉ rộng vài chục mét vuông, cũng là nơi có thể thể hiện được văn hóa đạo đức của một người.
Có rất nhiều người sau khi đi vệ sinh đều chê nút xả trong nhà vệ sinh công cộng bẩn, không xả nước được. Nhiều người chê thành bồn cầu bẩn, nhưng lại không chịu tự lót giấy, dù có miếng lót dùng một lần cũng vẫn giẫm lên thành bồn cầu. Hơn nữa còn vứt giấy bừa bãi, khạc nhổ trong phòng vệ sinh, lấy giấy trong nhà vệ sinh công cộng ra dùng riêng….
Có những người lúc bình thường không làm những việc thiếu văn minh như vứt rác bừa bãi, nhưng lại biến thành “một người khác” khi đi vào nhà vệ sinh. Họ chỉ quan tâm đến sự sạch sẽ của bản thân mà không màng đến cảm nhận của người khác khi nhìn thấy nhà vệ sinh vừa bẩn vừa bừa bộn.
Càng là nơi riêng tư càng khiến người ta bỏ xuống “lớp ngụy trang” văn hóa. Trong nhà vệ sinh chỉ rộng vài chục m2 không biết đã gặp bao nhiêu người để lộ ra “cái tôi thô thiển” bên trong vẻ ngoài đẹp đẽ, văn hóa đạo đức của con người sẽ hoàn toàn bị lộ khi vào nhà vệ sinh.
Tình huống 1
Sự cẩn thận bên trong của con người, mỗi một chi tiết đều khắc họa văn hóa đạo đức của người đó.
Những nơi công cộng nửa riêng tư như nhà vệ sinh càng có thể thử thách văn hóa đạo đức của một con người.
Tôi từng gặp chuyện sau đây trong nhà vệ sinh công ty:
Người nào đó ở buồng bên cạnh không kiểm soát âm lượng khi nói chuyện điện thoại, giọng điệu cũng cực kỳ thô bạo.
Chuyện là anh ta mua máy tính trên mạng, khi tự lắp máy thì gặp lỗi nên bây giờ đang nổi nóng với nhân viên chăm sóc khách hàng.
“Tôi đâu có nói sách hướng dẫn của các cô có vấn đề, tôi chỉ muốn phía các cô gửi cho tôi một cái máy mới mà có vẻ các cô không chịu nhỉ.”
“Đừng có nói là vấn đề ở tôi, hôm nay tôi chắc chắn sẽ đánh giá kém, cô cứ đợi mà xem!”
Tôi phát khiếp với ngữ khí ngạo mạn của anh ta, ở trong nhà vệ sinh, cách một cánh cửa, không ai nhìn thấy anh ta đang chất vấn thô bạo người khác như thế.
Một lần khác, tôi đi tham quan ở một công ty bên trong một tòa nhà lớn, mỗi tầng đều có nhà vệ sinh công cộng, nhưng lại có khá ít buồng vệ sinh.
Vì nhà vệ sinh đầy rồi, có người đợi sốt ruột nên bắt đầu gõ cửa, chẳng ai trả lời, anh ta bắt đầu chửi bới.
Khi đến đây tôi toàn nhìn thấy người ta mặc âu phục đâu ra đó, chẳng ngờ lại gặp tình huống như thế này. Nhà vệ sinh bẩn, còn lời nói hành vi cũng trở nên không sạch sẽ.
Đa phần mọi người sẽ không để lộ sự bất mãn của mình ở nơi đông người. Nhưng ở trong nhà vệ sinh, vừa an toàn lại riêng tư thì khác.
Tình huống 2
Tôi có một người bạn đưa mẹ đi mua sắm ở trung tâm thương mại khiến bác rất vui.
Trong lúc mua sắm, bác ấy vào nhà vệ sinh thì thấy một bà mẹ trẻ đang rửa tay cho con, cháu bé không với đến bồn rửa nên người mẹ hứng nước vào chai nước suối rửa tay cho con ngay trên sàn nhà vệ sinh. Rửa tay xong cô nọ dắt con đi để lại cả vũng nước trên sàn.
Mẹ của bạn tôi đi vệ sinh xong bước đến bồn rửa tay thì bất cẩn dẫm phải vũng nước nên bị ngã. Lưng của bác ấy vốn không khỏe, sau lần đó đã phải nằm ở nhà suốt nửa tháng.
Trẻ em không hiểu chuyện, người làm mẹ chẳng lẽ không biết mình đã làm gì hay sao? Thật ra cô ấy hoàn toàn có thể bế con lên bồn rửa để cháu bé rửa tay. Hoặc có thể lau sạch nước trên sàn khi con rửa tay xong. Nhưng cô ấy không làm gì cả. Ở một nơi có tính lưu động như nhà vệ sinh mà cô ấy không hề quan tâm gì đến người khác như vậy.
Phẩm chất và “văn hóa” là hai việc khác nhau, có người “có văn hóa” nhưng chẳng có phẩm chất, có người không được học hành đầy đủ mà vẫn rất có phẩm chất.
Khi vào nhà vệ sinh mà làm những việc chỉ có lợi cho bản thân mà không nghĩ đến sự ảnh hưởng đối với người khác, đây là sự ích kỷ.
Con người ta tỏ ra có phẩm chất không khó, nhưng có thể cẩn thận trong từng lời nói hành động mới là phẩm chất thực sự.
Tình huống 3
Cô lao công dọn nhà vệ sinh ở công ty tôi gần đây hay than rằng cứ có người buổi tối tăng ca không chịu tắt đèn nhà vệ sinh sau khi dùng xong khiến cô ấy bị trừ lương. Nhưng trên cửa nhà vệ sinh có viết rõ ràng “Sau 10 giờ tối vui lòng tự tắt đèn”.
Cho đến một ngày tôi vào nhà vệ sinh trong lúc tăng ca bắt gặp anh Lý tăng ca suốt mấy ngày đi vệ sinh xong không tắt đèn. Trong công ty cũng chẳng còn ai khác nên tôi xác định mấy ngày trước anh ấy là người không tắt đèn nhà vệ sinh.
Tắt đèn là một việc hết sức đơn giản, thuận tay chỉ trong một giây là xong. Nhưng anh Lý lại không chịu làm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tiền lương của cô lao công.
Thường ngày anh Lý làm việc rất chăm chỉ, nhưng từ khi phát hiện thấy việc làm này của anh ấy, tôi không thể xem anh là người ưu tú được nữa. Dù có giỏi đến đây cũng không thể bù lại được sự thiếu hụt phẩm chất.
“Những người thượng lưu có phẩm chất sẽ không bao giờ qua loa đối với tài xế, nhân viên nhà tắm hay bất cứ người giao hàng nào”.
Thế giới bên trong nhà vệ sinh rất chân thực, ở đây, mọi người sẽ bỏ xuống dáng vẻ giả tạo, cởi bỏ lớp áo ngụy trang đẹp đẽ để bộc lộ những hành vi văn minh hoặc thô thiển.
Một nơi rất nhỏ như nhà vệ sinh thật là lại chính là tấm gương phản chiếu phẩm chất của một con người.
Theo aboluowang.com
Ngọc Trúc biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa phẩm chất Người có văn hóa Đạo đức