Nhiều cha mẹ không nhận ra rằng những lời nói hằng ngày, dù vô tình hay có chủ ý đều tác động sâu sắc đến tâm lý và não bộ của trẻ. Lời nói tiêu cực có thể khiến trẻ thu mình, thiếu tự tin và dần hình thành lối suy nghĩ tiêu cực. Ngược lại, lời nói tích cực và đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển tư duy độc lập, cảm xúc ổn định và khả năng thích nghi tốt hơn.

Gia dinh image
Nhận biết ảnh hưởng tiêu cực từ lời nói và cách giao tiếp giúp trẻ phát triển tốt. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Bài viết dưới đây sẽ giúp cha mẹ nhận diện những ảnh hưởng tiêu cực thường gặp và cách điều chỉnh lời nói để nuôi dưỡng một đứa trẻ tự tin, kiên cường.

3 kiểu lời nói cha mẹ nên tránh nếu không muốn con mất tự tin và kém phát triển

  1. “Con thật ngu ngốc!”

Nhiều cha mẹ khi thấy con mắc lỗi hoặc làm không tốt việc gì thường dùng những lời nói tiêu cực như “Làm gì cũng không xong”, “Thật ngu ngốc”, “Ngu như bò!”… Trong mắt người lớn, những lời này nhằm thúc đẩy trẻ cố gắng hơn. Tuy nhiên, thực tế những lời đánh giá tiêu cực này lại khiến trẻ vô thức tiếp nhận và hình thành suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Ví dụ, khi cha mẹ nói trẻ “rất ngu ngốc” sau khi mắc lỗi, trẻ sẽ tin điều đó là thật. Nhờ cơ chế bắt chước và đồng cảm của các neuron gương trong não, trẻ có thể dần thể hiện những đặc điểm tương ứng với lời nói đó, dẫn đến việc trẻ thực sự trở nên kém tự tin và thiếu khả năng.

  1. “Nếu con không nghe lời, cảnh sát sẽ bắt con đấy!”

Trẻ nhỏ thường có lúc không nghe lời hoặc khóc lóc, và nhiều cha mẹ dùng cách “đe dọa” để ngăn trẻ như: “Nếu không nghe lời, cảnh sát sẽ bắt con”, “Sói sẽ đến bắt con nếu con khóc”…

Mặc dù cách này đôi khi có hiệu quả tức thời, nhưng nếu sử dụng thường xuyên, vùng hạch hạnh nhân – trung tâm cảm xúc trong não trẻ – sẽ trở nên nhạy cảm hơn, khiến trẻ dễ bị lo âu và sợ hãi.

Trẻ trong trạng thái này có thể phát triển thành người dễ làm vừa lòng người khác để tránh bị đe dọa, hoặc ngược lại là trở nên phản kháng, không nghe lời như một cách tự bảo vệ bản thân. Những phản ứng này đều không lành mạnh và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm lý của trẻ.

  1. “Con nói nhiều quá, mau làm đi!”

Khi trẻ bắt đầu phát triển tư duy độc lập, trẻ sẽ có nhiều ý kiến và thắc mắc riêng. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm, những ý kiến đó có thể chưa hoàn chỉnh.

Nhiều cha mẹ thường ngắt lời trẻ hoặc bảo trẻ “mau làm đi”, “đừng lắm lời”… Những câu mệnh lệnh này nếu lặp lại nhiều sẽ ức chế vùng vỏ não trước trán – nơi chịu trách nhiệm suy nghĩ và điều chỉnh cảm xúc của trẻ.

Kết quả là trẻ dễ trở nên thiếu chính kiến, phụ thuộc vào người khác, và kém tự tin trong việc đưa ra quyết định.

Vậy cha mẹ nên nói gì với con để giúp trẻ phát triển tốt hơn? Thay vì dùng những lời nói tiêu cực hay mệnh lệnh cứng nhắc, cha mẹ có thể lựa chọn những câu nói khích lệ, tạo động lực và phát huy tư duy tích cực của trẻ.

3 kiểu lời nói cha mẹ nên thường xuyên nói với con để giúp con ngày càng xuất sắc hơn

Nếu bạn thường xuyên sử dụng những câu nói dưới đây với con, xin chúc mừng, rất có thể con bạn sẽ phát triển ưu tú hơn. Nếu trước đây bạn chưa từng nói, từ nay hãy bắt đầu thử áp dụng, có thể con sẽ khiến bạn bất ngờ.

  1. “Việc này con tự quyết định”

Nhiều phụ huynh tôn trọng con cái bằng cách trao quyền quyết định cho con trong những vấn đề liên quan đến con. Ví dụ, cuối tuần con muốn làm bài tập lúc nào thì con quyết định.

Tuy nhiên, trao quyền quyết định không có nghĩa là cha mẹ bỏ mặc con sai lầm mà là để con có cơ hội tự lựa chọn. Nếu con quyết định đúng, cha mẹ nên tôn trọng và ủng hộ. Nếu con sai, cha mẹ cần hướng dẫn để con tự nhận ra lỗi và điều chỉnh quyết định.

Khi được trao quyền, vùng vỏ não trước trán – trung tâm quyết định của não bộ – cùng hệ thống động cơ trong thể vân sẽ được kích hoạt tích cực hơn. Điều này giúp con phát triển tư duy độc lập và khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn.

  1. “Chúng ta cùng suy nghĩ xem nên làm thế nào.

Khi lớn lên, con không tránh khỏi gặp khó khăn hoặc thất bại dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như khóc hoặc giận dữ.

Lúc này, nếu cha mẹ nói: “Chúng ta cùng suy nghĩ xem nên làm thế nào”, câu nói này sẽ giúp con giảm bớt cảm xúc tiêu cực và chuyển hướng sự tập trung sang việc tìm cách giải quyết vấn đề.

Về mặt khoa học, câu nói này kích hoạt hệ thống rìa não và vùng vỏ não trước trán phối hợp hoạt động giúp con kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Trẻ được hỗ trợ như vậy thường có chỉ số cảm xúc (EQ) cao, rất có lợi cho tương lai.

  1. “Con đã cố gắng rất nhiều, thật tuyệt vời”

Khen ngợi đúng cách sẽ khiến trẻ cảm thấy hạnh phúc và tích cực hơn. Khi nghe lời khen, não trẻ tiết ra dopamine – một chất giúp tạo cảm giác vui vẻ và hạnh phúc.

Nhờ đó, trẻ sẽ liên kết niềm vui với sự nỗ lực của bản thân, trở nên tự tin, kiên trì và dũng cảm đối mặt với thử thách.

Nói đơn giản, khả năng chịu đựng thất bại (AQ) của trẻ sẽ được nâng cao, giúp trẻ không trốn tránh khi gặp khó khăn mà chủ động tìm cách vượt qua để thành công.

Kết luận

Mỗi câu nói của cha mẹ đều tác động đến những vùng khác nhau trong não trẻ. Những lời nói tiêu cực có thể khiến trẻ trở nên trầm cảm hoặc hành xử cực đoan.

Ngược lại, khi cha mẹ sử dụng lời nói đúng cách, trẻ sẽ được kích thích phát triển “ba chỉ số thông minh” quan trọng: IQ (trí tuệ), EQ (trí tuệ cảm xúc) và AQ (khả năng chịu đựng và vượt qua thử thách). Điều này giúp trẻ có động lực nội tại mạnh mẽ và phát triển vượt trội.

Vì vậy, cha mẹ cần thật sự cẩn trọng trong lời nói và hành động. Đừng để những thói quen xấu làm tổn hại đến con mà hãy xây dựng thói quen giao tiếp tích cực, giúp con trở thành phiên bản xuất sắc nhất của chính mình.

Trúc Nhi biên dịch
Theo Aboluowang