Nước Mỹ xuất hiện “mưa nhựa”
- Minh Ngọc
- •
Mưa axit đã không còn là điều gì mới lạ, hiện nay nước Mỹ đã xuất hiện… mưa nhựa.
Mưa axit là hiện tượng các chất axit trong không khí rơi xuống lẫn cùng với nước mưa, những chất này một phần là do ô nhiễm môi trường mà con người gây nên. Hiện nay, một cuộc nghiên cứu mới ở Mỹ cho thấy, khu vực phía Tây nước này đã xuất hiện những hạt nhựa siêu nhỏ rơi xuống cùng với nước mưa, được gọi là “mưa nhựa”. Những chất không thể phân hủy trong tự nhiên này cũng sẽ di chuyển trong hệ sinh thái và tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát 11 vùng ven của khu vực phía Tây nước Mỹ gồm Grand Canyon, Great Basin, Công viên quốc gia Joshua Tree, Khu bảo tồn quốc gia Craters of the Moon v.v…
Họ phát hiện thấy mỗi năm có hơn 1.000 tấn hạt nhựa rơi xuống công viên quốc gia hoặc khu bảo tồn phía Tây nước Mỹ, con số này tương đương với 120 triệu đến 300 triệu chai nhựa.
Đa phần các hạt nhựa là những mẩu nhựa tương đối lớn. Do nhựa không bị phân hủy nên chúng tích trữ trong khu vực chôn rác, chúng sẽ di chuyển khắp nơi trong không khí, đất và nước.
Giáo sư Janice Brahney, người đứng đầu cuộc nghiên cứu đến từ ngành khoa học sông ngòi của trường Đại học Utah, gọi tình trạng này là “plastic spiraling” (xoắn ốc nhựa), có những hạt nhựa di chuyển trong hệ sinh thái một khoảng thời gian rất dài.
Giáo sư Janice Brahney nói với tờ USA Today rằng dù họ chỉ khảo sát ở công viên quốc gia và khu bảo tồn ở miền Tây nước Mỹ, nhưng có thể thấy rõ rằng ô nhiễm nhựa không chỉ giới hạn ở những nơi này. “Ô nhiễm nhựa có ở mọi nơi và có tỷ lệ khá cao ở những khu vực đô thị.”
Giáo sư còn cảnh báo rằng cuộc nghiên cứu này đã cho thấy việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa là một nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Mặc dù chúng ta vẫn chưa biết rõ hoàn toàn tác hại của ô nhiễm nhựa đối với cơ thể con người, nhưng các nhà khoa học đã bắt đầu kêu gọi sự chú ý đến các hạt nhựa trong vấn đề y tế cộng đồng. Những hạt nhựa này có thể nhỏ đến mức lọt vào phổi, từ đó gây tổn thương đến các cơ quan nội tạng, thậm chí hen suyễn và ung thư.
Một cuộc nghiên cứu vào năm 2019 chỉ ra rằng trong một căn hộ ở khu vực đô thị của Đan Mạch, mỗi người hít trung bình khoảng 11 hạt nhựa mỗi giờ.
Toàn thế giới đã sản xuất 348 triệu tấn nhựa trong năm 2017 và việc sản xuất nhựa không có dấu hiệu chậm lại.
Theo Epoch Times
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa rác thải nhựa Ô nhiễm môi trường