Phong cách lãnh đạo với lòng biết ơn thúc đẩy hiệu quả kinh doanh
- Mộc Lan
- •
Lòng biết ơn thường được coi là thuộc cảm xúc cá nhân hơn là liên quan đến công việc. Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã học được rằng cách một nhà lãnh đạo tạo ra cảm nhận cho nhân viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc của họ. Tất cả chúng ta đều biết rằng mọi người không bao giờ quên bạn đã khiến họ cảm thấy thế nào. Tôi muốn chia sẻ 4 lợi ích của “phong cách lãnh đạo với lòng biết ơn”, cách nó tác động đến doanh nghiệp và cách nó có thể được áp dụng vào thực tiễn công việc hiện tại và trong tương lai.
Bài viết trên Mạng doanh nhân (Entrepreneur) của tác giả Michelle Van Slyke – Phó chủ tịch cấp cao phụ trách tiếp thị và bán hàng, Cửa hàng UPS (The UPS Store).
1. Đánh giá cao và hiệu suất có mối tương quan trực tiếp
Các nhà lãnh đạo nên dành thời gian để ghi nhận công việc và thành tích của nhóm. Trong 18 tháng qua, nhiều nhân viên đã làm việc chăm chỉ hơn bao giờ hết trong khi cố gắng cân bằng giữa các hoàn cảnh và tình huống khó khăn. Tất cả chúng ta đều đã từng có những khoảnh khắc chào hỏi gia đình của một nhân viên qua Zoom hoặc cố gắng làm yên tiếng chó sủa trong một cuộc họp quan trọng. Là lãnh đạo, bạn hãy dành thời gian để nói lời biết ơn và sự đánh giá cao đối với nhân viên khi họ tiếp tục cống hiến cho doanh nghiệp của bạn.
Được đánh giá cao vì những đóng góp của mình sẽ giúp nhân viên càng duy trì tốt hơn tinh thần làm việc hiệu quả của họ. Sự công nhận thúc đẩy tinh thần và động lực của nhân viên, giúp nhân viên có hiệu suất cao tiếp tục thành công. Hãy nhớ lại khi một người giám sát, người quản lý hoặc đồng nghiệp khen ngợi công việc của bạn. Ngay lúc đó, bạn cảm thấy công sức và thời gian mà mình đã bỏ ra thật xứng đáng, phải vậy không? Hầu hết mọi người sẽ cảm thấy như vậy.
Mặc dù chia sẻ sự cảm kích có vẻ như là một điều nhỏ nhặt nhưng nó có thể tạo ra sự khác biệt đối với nhân viên sau khi họ hoàn thành thành công một dự án hoặc tìm ra hướng đi giữa một mớ hỗn độn. Đó là lý do tại sao tôi nhấn mạnh vào việc cảm ơn nhóm của mình và cho họ biết tôi đánh giá cao công việc khó khăn của họ cũng như sự cống hiến và đóng góp của họ trong việc đạt được kết quả. Tôi đã thấy sự tích cực tăng lên và hiệu suất cao hơn nhờ thực hành điều này.
2. Thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp và tạo ra trải nghiệm khách hàng tích cực
Tôi đã tận mắt chứng kiến “phong cách lãnh đạo với lòng biết ơn” có thể tác động lan tỏa đến văn hóa công ty và khiến nhân viên hoàn thành công việc tốt hơn như thế nào. Khi nhân viên hạnh phúc hơn, mọi người đều tạo ra bầu không khí tự hào và trở thành một phần của văn hóa đó, điều này cuối cùng chuyển sang khách hàng hoặc tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Thực tế là, bạn sẽ có nhiều khả năng có được trải nghiệm thú vị khi tiếp xúc với những người yêu công việc. Nếu bạn là một khách hàng, trải nghiệm thú vị này xác định liệu bạn sẽ quay lại với doanh nghiệp đó hoặc sẽ giới thiệu sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp đó cho người khác hay không.
Tại Cửa hàng UPS, chúng tôi nuôi dưỡng văn hóa lấy dịch vụ làm chủ đạo. Chúng tôi đào tạo đội ngũ của mình để trở thành điểm nhấn trong ngày của khách hàng và là nơi diễn ra những giao dịch dễ chịu nhất của họ. Tôi đã nói chuyện với nhiều nhà bán lẻ của chúng tôi về cách một số khách hàng của họ đã mua sắm với chúng tôi trong nhiều thập kỷ hoặc sẽ không ngại vất vả để đến với cửa hàng, đó là bởi vì chúng tôi khiến họ cảm thấy đây như là một gia đình. Đó là nền văn hóa mạnh mẽ của chúng tôi, giúp chúng tôi xây dựng những mối quan hệ quan trọng này.
3. Các mối quan hệ nghề nghiệp sâu sắc hơn thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về các cơ hội kinh doanh.
Dành thời gian để thực sự hiểu điểm mạnh và niềm đam mê của một thành viên trong nhóm sẽ mang lại cho bạn cơ hội tìm thấy vai trò phù hợp với thế mạnh của họ và từ đó giúp họ tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp của bạn phát triển. Tại nơi làm việc, việc xây dựng mối quan hệ của bạn còn cần mở rộng từ nhân viên đến khách hàng và nhà cung cấp. Thông thường, các đối tác nhà cung cấp này thực sự là những phần mở rộng của các nhóm nội bộ và đóng một vai trò quan trọng trong khả năng đạt được các mục tiêu của công ty.
Bước đầu tiên để làm sâu sắc thêm các mối quan hệ là đối xử tốt, hỗ trợ và thực sự quan tâm đến họ. Có được những mối quan hệ bền chặt này và thể hiện sự đánh giá cao đối với họ cũng dẫn đến sự hợp tác tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội học hỏi lẫn nhau và thành công chung tuyệt vời hơn. Là một nhà lãnh đạo, nếu bạn quan tâm nhân viên của mình, thành công của bạn sẽ theo sau.
4. Các nhà lãnh đạo theo “phong cách biết ơn” thường quan tâm đến nhân viên của họ và có cái nhìn tổng thể hơn về doanh nghiệp.
Cuối cùng, chìa khóa của “phong cách lãnh đạo với lòng biết ơn” là ghi nhận vai trò của nhân viên đối với sự thành công của doanh nghiệp bạn. Ở vai trò lãnh đạo, bạn rất dễ bị cuốn vào một lối suy nghĩ bị cô lập. Việc xem xét và lắng nghe quan điểm cũng như ý tưởng của nhân viên sẽ cung cấp cho bạn một bức tranh đầy đủ hơn về nhu cầu của doanh nghiệp.
Tại Cửa hàng UPS, chúng tôi thường xuyên trao đổi với các chủ cửa hàng bán lẻ về những gì đang diễn ra trong cửa hàng của họ và hỏi điều gì hữu ích nhất đối với hệ thống cửa hàng của chúng tôi. Trong thời kỳ đại dịch, sự giao tiếp này cho phép chúng tôi hiểu rõ hơn về nhu cầu kinh doanh. Từ đó, biến thời kỳ khó khăn này của doanh nghiệp thành một thời kỳ phát triển đáng kinh ngạc.
Mặc dù không cần phải nói rằng các nhà lãnh đạo nên hành động bằng trái tim của họ, nhưng đôi khi điều này có thể dễ dàng bị bỏ qua khi đối mặt với những thách thức trong việc điều hành một doanh nghiệp. Tôi khuyến khích bạn dành thời gian để hiểu những lợi ích của phong cách “lãnh đạo với lòng biết ơn” để đạt được kết quả.
Theo Entrepreneur dành riêng cho việc thúc đẩy các nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa trên thế giới tạo ra sự khác biệt thông qua các ý tưởng, doanh nghiệp và quan điểm đổi mới.
Mộc Lan
Xem thêm:
Từ khóa doanh nhân doanh nghiệp Biết ơn phong cách lãnh đạo hiệu quả doanh nghiệp