Trong cuộc sống, tự phản tỉnh không chỉ là nhìn lại những sai lầm, mà còn là cách để chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì sự khiêm tốn và thức tỉnh. Biết sợ sau khi phản tỉnh không phải là lo lắng, mà là thái độ kính trọng đối với chính mình và cuộc sống, nhận thức rõ những thiếu sót, sửa chữa hành vi và không ngừng hoàn thiện bản thân. Chính trong quá trình này, chúng ta không chỉ cải thiện chính mình mà còn tạo ra một tác động tích cực đến những người xung quanh.

Tam niem quyet dinh cuoc doi 00
Tự phản tỉnh không chỉ là nhìn lại những sai lầm, mà còn là cách để chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì sự khiêm tốn và thức tỉnh. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Tự phản tỉnh là hành trình tu dưỡng của mỗi người

Tăng Tử thường nói: “Mỗi ngày ta xét thân ta 3 việc: – Nhận làm thay người ta việc gì, ta có thực tâm làm không? – Cùng với bè bạn giao ước điều gì, ta có thất tín không? – Thầy dạy ta những gì, ta có nghiên cứu học tập không?” Từ xưa đến nay, các bậc hiền triết luôn coi trọng việc tự kiểm điểm trong việc tu dưỡng bản thân và rèn luyện tâm hồn.

Trong cuộc sống hiện thực, chỉ có thông qua tự phản tỉnh, con người mới học được cách kiềm chế bản thân, thận trọng hơn, không ngừng nhìn nhận và sửa chữa những lỗi lầm của mình. Nhờ đó, họ có thể thực sự khắc phục sai lầm, giải quyết vấn đề và tránh để những lỗi nhỏ phát triển thành sai lầm lớn.

Nhiều người khi nhìn lại con đường đã đi qua, tổng kết những được mất trong cuộc đời, thì không khỏi cảm thán rằng chính tinh thần tự phản tỉnh đã giúp họ từ lạc lối trở về chính đạo, từ thiếu sót vươn tới sự hoàn thiện.

Ở một ý nghĩa nhất định, tinh thần tự phản tỉnh chính là tài sản lớn nhất trong cuộc đời, là vũ khí mạnh mẽ giúp con người giảm bớt sai lầm, tự thanh lọc nhân tâm và hoàn thiện bản thân.

Nhà thơ Đỗ Tuân Hạc viết: “Kinh Khê đá hiểm, người thận trọng. Suốt năm chẳng thấy lật thuyền đâu. Chỉ vì nước lặng, không hòn đá. Thỉnh thoảng nghe tin thuyền chìm sâu…”

Trong những thời khắc nguy nan, con người thường tỉnh táo nhắc nhở bản thân, nhận ra những thiếu sót và bổ sung những khiếm khuyết của mình. Nhưng trong những lúc bình thường, con người lại dễ mất cảnh giác, cơ chế tự phản tỉnh trở nên kém hiệu quả, và khi đó, hiểm họa sẽ nối tiếp nhau kéo đến.

Ví dụ, trong cuộc sống hàng ngày, có những người thường quen suy nghĩ và phán đoán sự việc từ góc độ lợi ích cá nhân thay vì tự kiểm điểm xem mình có thiếu sót, khuyết điểm hay sai lầm nào không.

“Lúc bản thân xếp hàng thì không muốn ai chen lấn; nhưng khi chen lấn lại yêu cầu người khác im lặng”. Cách hành xử chỉ biết trách người mà không tự phản tỉnh, chỉ tìm lỗi ở người khác mà không tìm nguyên nhân từ mình, chỉ trích lỗi lầm của người mà không nhận ra vấn đề của bản thân, thường khiến những mâu thuẫn nhỏ leo thang. Đúng như câu: “Mỗi người tự trách mình, trời trong đất yên; mỗi người trách lẫn nhau, trời đất đảo lộn”. Thực tế đã để lại không ít bài học đau xót về vấn đề này.

Sức mạnh của sự tự phản tỉnh, trước hết nằm ở khả năng giúp con người “lập thân”.

Người xưa từng nói: “Dùng tâm trách người để trách mình thì lỗi lầm sẽ ít đi”; “Tự trách mình nặng, trách người nhẹ thì oán sẽ ít đi”; “Mỗi ngày tự xét mình, có lỗi thì sửa, không lỗi thì cố gắng thêm”. Những lời này nhấn mạnh rằng tự phản tỉnh là một phương diện quan trọng để tu dưỡng bản thân và nâng cao phẩm chất.

Sức mạnh của sự tự phản tỉnh – hoàn thiện và hòa hợp

Ngày nay, khi bàn về tự phản tỉnh, chúng ta nhấn mạnh việc kiểm xét những điều nhỏ nhặt và chi tiết trong cuộc sống, nhìn nhận bản thân một cách khách quan, tỉnh táo tìm kiếm những thiếu sót. Ý nghĩa của tự phản tỉnh không chỉ dừng lại ở sự hối lỗi, mà còn ở việc vượt qua chính mình, thúc đẩy nhận thức bản thân, hoàn thiện bản thân, không ngừng đánh thức thiện tâm và lương tri, đồng thời không ngừng nâng cao phẩm cách.

Sức mạnh của tự phản tỉnh còn nằm ở khả năng giúp thấu hiểu và hòa hợp với người khác.

“Ngàn dặm thư nhà chỉ vì tường, nhường ba thước đất có làm sao?” Câu chuyện kinh điển về “Con hẻm sáu thước” ở Đồng Thành là một minh chứng sống động cho đạo lý này. Mọi việc đều bắt đầu từ việc phản tỉnh những thiếu sót của mình và thực hiện hành động sửa đổi, điều đó thường mang lại kết quả bất ngờ.

Khi đối diện một vấn đề, nếu chúng ta trước tiên tự kiểm điểm lỗi lầm của mình, đối phương thường sẽ có phản ứng tích cực. Dù ngay lúc đó không nhận được sự đáp lại, thì việc lấy lòng khoan dung đối đãi cũng có thể khiến nhiều vấn đề được hóa giải trong âm thầm.

Trong xã hội, nếu mỗi cá nhân đều có thể ý thức được việc tự phản tỉnh và phát huy sức mạnh của việc tự xét mình, thì sẽ tạo nên một vòng tuần hoàn tích cực, thúc đẩy con người hướng thiện, trọng phẩm hạnh và đề cao đạo đức.

Những người biết tự phản tỉnh thường giàu sức hút về nhân cách, và những dân tộc biết tự phản tỉnh luôn phồn thịnh bền vững.

chu xu ngo nguoc hai nguoi tro thanh trung than bao quoc mminh chan tuong min
Tranh lụa dệt thời Thanh, Chu Xử đánh Giao Long, bảo tàng Cố Cung Đài Bắc. (miền công cộng).

Câu chuyện của Chu Xử

Câu chuyện về Chu Xử trong Thế Thuyết Tân Ngữ là một ví dụ điển hình về sự thay đổi trong tính cách và tự sửa đổi để trở thành người tốt hơn. Chu Xử sống vào thời kỳ nhà Đông Tấn. Ông ban đầu nổi tiếng với tính cách hung hăng, ngang tàng và hành động bạo lực, khiến cho ông trở thành một trong “ba mối họa” của làng cùng với giao long và hổ dữ – những loài vật hung hiểm.

Lúc bấy giờ, không đâu là không biết đến tiếng ác của ông. Tuy nhiên, một sự kiện quan trọng đã xảy ra, làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Sau khi giết hổ và diệt giao long – những con vật được cho là nguy hiểm và hủy hoại làng mạc, Chu Xử mất tích ba ngày. Người dân trong làng, tưởng rằng ông đã chết trong cuộc chiến đấu với những con vật này, nên đã vui mừng và chúc tụng, xem đó như là một sự giải thoát khỏi “mối họa”.

Khi Chu Xử trở về và nghe được tin tức về sự vui mừng của người dân trong làng vì sự “ra đi” của mình, ông bàng hoàng nhận ra rằng mình không chỉ bị ghét bỏ mà còn bị mọi người xem như một mối đe dọa. Chính trong khoảnh khắc ấy, ông bắt đầu tự phản tỉnh, nhìn lại hành động của mình và nhận ra rằng mình đã đi sai đường.

Quá trình tự kiểm điểm và sửa đổi của Chu Xử bắt đầu từ đó. Ông từ bỏ con đường ngỗ nghịch và sai trái, trở thành một người có đức hạnh, học hỏi văn chương và tư tưởng chính nghĩa. Từ đó, ông trở thành một người tài đức, luôn trung thực trong lời nói và lương thiện trong hành động. Sự thay đổi của ông cũng thể hiện qua câu nói nổi tiếng của mình: “Văn chương sâu sắc, chí hướng chính nghĩa, lời nói luôn trung thực, bản thân luôn tự kiềm chế”.

Lấy tinh thần “Ta mỗi ngày tự xét mình ba lần” để tự kiểm tra ý thức tuân thủ quy tắc, phẩm chất đạo đức và lời nói, hành vi của bản thân, chúng ta sẽ biết kính sợ, nhận thức được bài học, và định rõ phương hướng trong quá trình tự phản tỉnh. Qua đó, chúng ta không ngừng tự rèn giũa và hoàn thiện chính mình.

Trúc Nhi biên dịch
Theo Sound of Hope