Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ trình đề xuất lên thẩm phán vào thứ Tư (20/11), khuyến nghị Google bán trình duyệt Chrome, chia sẻ dữ liệu và kết quả tìm kiếm với các đối thủ cạnh tranh, thực hiện các biện pháp khác để chấm dứt tình trạng độc quyền trong tìm kiếm trên Internet. Google thậm chí có thể bị buộc phải bán hệ điều hành điện thoại thông minh Android của mình.

Google Chrome
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome của mình. (Ảnh: Shutterstock)

Các biện pháp do Bộ Tư pháp đề xuất sẽ kéo dài tới 10 năm, được thi hành bởi một ủy ban do tòa án chỉ định, để điều chỉnh những gì thẩm phán phụ trách vụ án coi là độc quyền bất hợp pháp trong tìm kiếm và quảng cáo liên quan ở Mỹ.

Trường hợp mang tính bước ngoặt này có thể định hình lại cách người dùng có được thông tin. Có tới 90% tìm kiếm ở Mỹ được Google xử lý.

Các luật sư của Bộ Tư pháp Mỹ lập luận trong hồ sơ rằng việc bán Chrome “sẽ chấm dứt vĩnh viễn quyền kiểm soát của Google đối với điểm truy cập tìm kiếm quan trọng này, đồng thời cho phép các công cụ tìm kiếm của đối thủ có quyền truy cập vào trình duyệt là cổng vào Internet cho nhiều người dùng.”

Chấm dứt thỏa thuận độc quyền

Các đề xuất từ ​​Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan thực thi chống độc quyền của tiểu bang bao gồm việc chấm dứt các thỏa thuận độc quyền giữa Google và Apple cũng như các nhà cung cấp thiết bị khác. Google trả cho các công ty này hàng tỷ đô la mỗi năm để biến công cụ tìm kiếm của mình thành tùy chọn mặc định trên các máy tính bảng và điện thoại thông minh này.

Google gọi những đề xuất này của Bộ Tư pháp là gây sốc trong một tuyên bố hôm thứ Năm (ngày 21/11).

Ông Kent Walker, giám đốc pháp lý của Alphabet (công ty mẹ của Google) cho biết: “Cách làm của Bộ Tư pháp sẽ dẫn đến sự can dự thái quá chưa từng có của Chính phủ, điều này sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng, nhà phát triển và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ. Hơn nữa trong khi nước Mỹ cần phát huy địa vị lãnh đạo về kinh tế và công nghệ toàn cầu nhất, thì điều này sẽ gây nguy hiểm đến địa vị của nước Mỹ.”

Thẩm phán Amit Mehta tuyên bố rằng tòa án Washington, D.C. sẽ bắt đầu các phiên điều trần liên quan vào tháng Tư năm sau và hy vọng sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trước Ngày Lao động (1/9). Vị thẩm phán đã ra phán quyết vào tháng Tám năm nay rằng Google là công ty độc quyền.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền vào năm tới, những người ra quyết định của Bộ Tư pháp tiếp quản vụ việc có thể sẽ không quá cứng rắn. Nếu ông Trump thay thế ông Jonathan Kanter, trợ lý tổng chưởng lý được ông Biden bổ nhiệm để giám sát bộ phận chống độc quyền, Bộ Tư pháp có thể nới lỏng việc cố gắng chia tách Google.

Ông Trump gần đây bày tỏ lo ngại rằng việc phân tách có thể phá hủy Google, nhưng không nêu chi tiết về các hình phạt thay thế mà ông có thể xem xét. Ông nói vào tháng trước: “Nếu chúng ta không phân tách, thì hãy đảm bảo rằng nó sẽ công bằng hơn”.

Cựu Dân biểu Đảng Cộng hòa Matt Gaetz, người được ông đề cử làm bộ trưởng tư pháp tiếp theo của Mỹ, trước đây đã kêu gọi phân tách các công ty công nghệ lớn. ​​Tuy nhiên, hôm thứ Năm (21/11), ông Matt Gaetz đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui khỏi vị trí ứng cử viên của ông Trump cho chức công tố viên hàng đầu nước Mỹ này.

Nếu thẩm phán chấp nhận khuyến nghị của Chính phủ, Google sẽ buộc phải bán trình duyệt Chrome 16 tuổi của mình trong vòng 6 tháng kể từ phán quyết cuối cùng. Nhưng công ty chắc chắn sẽ kháng cáo bất kỳ hình phạt nào có thể kéo dài cuộc chiến pháp lý đã diễn ra hơn 4 năm.

Ủy ban công nghệ

Đề xuất trên phạm vi rộng của Bộ Tư pháp bao gồm cấm Google tái gia nhập thị trường trình duyệt trong 5 năm, đồng thời yêu cầu nếu các biện pháp khắc phục khác không khôi phục được tính cạnh tranh, thì Google sẽ bị buộc phải bán hệ điều hành điện thoại thông minh Android.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng yêu cầu cấm Google mua lại hoặc đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm, các sản phẩm trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ quảng cáo có liên quan.

Đề xuất này cũng yêu cầu Google không được ký hợp đồng với các nhà xuất bản để có được độc quyền đối với nội dung của họ.

Sau khi đề xuất được thông qua, thẩm phán sẽ chỉ định một ủy ban công nghệ gồm 5 thành viên để thực hiện các quy định dựa trên đề xuất của công tố viên. Ủy ban, do Google trả tiền, sẽ có quyền yêu cầu quyền truy cập vào tài liệu, phỏng vấn nhân viên và nghiên cứu mã phần mềm.

Chrome và Android

Google Chrome là trình duyệt web được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và là xương sống trong hoạt động kinh doanh của Google, cung cấp cho Google thông tin người dùng để giúp Google phân phối quảng cáo hiệu quả và sinh lợi hơn.

Các công tố viên cho biết, Google đã sử dụng Chrome và Android để người dùng ưu tiên sử dụng công cụ tìm kiếm của chính họ, gây tổn hại cho các đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, Google cho biết việc buộc hãng phải tách khỏi Chrome và Android sẽ gây tổn hại cho các công ty phát triển sản phẩm của riêng họ dựa trên các nền tảng đó. Vì cả Chrome và Android đều là nguồn mở và miễn phí.

Đề xuất này sẽ cấm Google yêu cầu các sản phẩm tìm kiếm hoặc trí tuệ nhân tạo của mình phải được đưa vào các thiết bị chạy Android.

Đề xuất cho biết Google có thể chọn bán phần mềm. Nhưng bất kỳ người mua tiềm năng nào cũng phải được sự chấp thuận của Bộ Tư pháp Mỹ và các cơ quan thực thi chống độc quyền của tiểu bang.

Google sẽ có cơ hội trình bày đề xuất của mình vào tháng 12.

Chia sẻ dữ liệu

Theo đề xuất, Google sẽ bán quyền truy cập vào kết quả tìm kiếm của Google cho các đối thủ với chi phí mang tính tượng trưng và chia sẻ miễn phí dữ liệu họ thu thập từ người dùng với các đối thủ. Do lo ngại về quyền riêng tư, Google sẽ bị cấm thu thập bất kỳ dữ liệu người dùng nào không thể chia sẻ.

Các công tố viên đã chế định các đề xuất này sau cuộc trò chuyện với các công ty cạnh tranh với Google, chẳng hạn như công cụ tìm kiếm DuckDuckGo.

Người phát ngôn của DuckDuckGo cho biết: “Chúng tôi nghĩ đây là một vấn đề rất quan trọng giúp hạ thấp rào cản cạnh tranh”.

DuckDuckGo cáo buộc Google cố gắng trốn tránh các quy tắc chia sẻ dữ liệu do Liên minh Châu Âu yêu cầu. Google cho biết họ sẽ không làm suy yếu lòng tin của người dùng bằng cách cung cấp dữ liệu nhạy cảm cho đối thủ cạnh tranh.