Suy ngẫm về những lời dạy vượt thời gian của đại thi hào Shakespeare
- Tatiana Denning
- •
Người thi sĩ đã làm xao xuyến cả thế giới trong nhiều thế kỷ bằng những vầng thơ khiến bao người suy ngẫm về phải trái, đúng sai.
“Thế giới này là một sân khấu,
Và tất cả đàn ông và phụ nữ đơn thuần là những diễn viên,
Ai cũng có lúc lên, lúc xuống cái sân khấu này,
Và một người trong đời diễn rất nhiều vai”.
— William Shakespeare
Mặc dù hiểu biết của tôi về Shakespeare còn thiếu sót lắm, nhưng những điều uyên thâm đằng sau những tác phẩm của ông thì hầu như mọi người đều có thể phát hiện ra. Và tôi tin rằng đến nay, những điều uyên thâm này vẫn áp dụng cũng tốt đẹp như xưa vậy.
Khi tôi còn trẻ, tôi từng nghĩ rằng văn chương Shakespeare là dành cho những ông giáo sư bụng phệ trong hội trường các trường đại học danh giá, những người mê hút tẩu thuốc và lên mặt về lẽ sống. Ngôn ngữ của Shakespeare thì khó hiểu, còn những câu chuyện thì như viết chỉ cho một thời kỳ xa lắc, những con người lạ hoắc.
May mà giáo viên dạy môn Văn hồi trung học của tôi, cô Judith Jack, đã giúp tôi hiểu và dần ngưỡng mộ Shakespeare.
Quan điểm của một giáo viên
Cô Jack là một trong những giáo viên giỏi nhất, cũng như được yêu mến nhất tại trường trung học Elkins, Bang Tây Virginia, Hoa Kỳ. Cô ấy có cách chia đơn giản và giải thích mọi thứ để bạn không chỉ hiểu hơn mà còn khiến bạn muốn tìm hiểu thêm về chính vấn đề đó. Tôi đã nói chuyện với con trai của cô ấy là T.L., cũng là bạn học cùng lớp thời trung học với tôi để hỏi xem liệu mẹ của cậu ấy có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về việc dạy các tác phẩm của Shakespeare hay không. Cô đã vui lòng đồng ý.
Trong độ tuổi 80 và sống tại The Villages của Florida, cô Jack vẫn còn rất minh mẫn. Khi được hỏi về một số tác phẩm yêu thích của Shakespeare, cô ấy đã trích dẫn và nói: “Ngày mai, rồi ngày mai, lại ngày mai, lê lết theo nhịp đời nhỏ mọn…”.
Tôi hỏi cô Jack làm thế nào mà cô lại có thể truyền tải cho học sinh về Shakespeare một cách hiệu quả như vậy, cô bảo: “Kỳ thực khó chứ không dễ đâu”.
“Ngôn ngữ của ông rất khó hiểu”, cô nói. “Tôi có thể để học sinh đọc và tự giải thích rằng chỗ này xảy ra chuyện gì, chỗ kia xảy ra chuyện gì. Nhưng tôi cảm thấy rằng nếu tôi đọc rồi dừng lại để giải thích cho học sinh thì sẽ giúp cho họ dễ hiểu và dễ liên tưởng hơn. Cách diễn đạt mà tôi có thể đưa vào khi đọc Shakespeare đã giúp các học sinh dễ hiểu hơn”.
Thật vậy, cô Jack không chỉ đọc Shakespeare mà cô ấy còn đọc lại nó với niềm say mê đến nỗi giống như đang đứng trên sân khấu độc thoại. Tôi luôn ở trong trạng thái mong đợi để nghe từng chương, từng chương và dự đoán xem những sự kiện hấp dẫn gì sẽ diễn ra tiếp theo.
“Nếu bạn gặp đoạn nào khó hiểu và có ai đó giải thích cho bạn thì nó dễ liên tưởng hơn nhiều”, cô nói.
Cô Jack cũng hiểu rằng trong các tác phẩm của Shakespeare còn bao hàm cả những bài học vượt thời gian.
“Như họ nói, nếu chúng ta không học hỏi từ quá khứ, chúng ta sẽ phải lặp lại quá khứ”, cô nói.
Trường học bắt buộc học thuộc và diễn lại những câu thoại của Shakespeare, một yêu cầu chẳng hề dễ dàng với học sinh. Nhưng sự chăm chỉ sẽ mang đến quả ngọt.
“Tôi hy vọng rằng việc yêu cầu học sinh học thuộc lòng những câu trích dẫn của Shakespeare sẽ giúp học sinh chăm chỉ hơn và thực sự giữ lại được những bài học ý nghĩa.
Khi các học trò của tôi làm như vậy, ngay cả những người kém nhất cũng cảm thấy tự tin vì đã nỗ lực để ghi nhớ được những điều này”, cô Jack nói.
Tôi vẫn còn nhớ nhiều câu thoại từ những năm trước. Và có vẻ như tôi không phải là người duy nhất.
“Thật là buồn cười, bởi vì khi tôi gặp những học sinh cũ, hiện đã ở độ tuổi 40 và 50, họ đã đọc lại cho tôi những trích dẫn từ các tác phẩm của Shakespeare mà họ đã phải học thuộc lòng từ khi còn học lớp tôi”, cô Jack nói. “Mọi người đều gắn bó với Shakespeare và mang theo những kỷ niệm đẹp của lớp trong bước đường đời của mình.”
Có vẻ như những lời uyên thâm của đại thi hào Shakespeare đã để lại ấn tượng sâu sắc cho nhiều người trong chúng ta.
Làm điều đúng đắn
Shakespeare đã để lại nhiều bài học rằng tại sao ta cần làm điều đúng đắn. Những nhân vật đầy khiếm khuyết của ông, những người bị nhấn chìm bởi những dục vọng như tham lam và trả thù, thường có hành vi hoàn toàn trái ngược với những gì là chính nghĩa, tử tế và tốt đẹp.
Hành động của họ như một sự xúc phạm đến ý thức của chúng ta về những điều đúng đắn, về đạo đức. Ông nhắc nhở chúng ta rằng những điều ích kỷ, đen tối ẩn nấp bên trong có thể dễ dàng vượt ra ngoài tầm kiểm soát và dẫn chúng ta đến con đường hủy hoại.
Trong một bài báo trên tờ Deseret News, có tiêu đề “Điều mà Shakespeare vẫn đang dạy chúng ta về cái thiện và cái ác trong 400 năm sau khi ông qua đời”, giáo sư Regina Schwartz của Đại học Northwestern nói, “Nếu bạn xem vở kịch của ông, bạn sẽ bước ra khỏi rạp với một sự trầm ngâm khi buộc phải nghĩ về điều đúng – sai. Một phần là do các nhân vật của ông ấy quá hấp dẫn – họ giống như chúng ta, họ vĩ đại hơn chúng ta và họ yếu đuối hơn chúng ta. Họ vẫy tay với chúng ta và là những lời cảnh báo đối với chúng ta. “
Theo giáo sư Schwartz, cảm hứng của Shakespeare đến từ Kinh thánh, câu chuyện về sự trả thù của Hamlet dựa trên câu chuyện anh em Cain và Abel, trong khi Lady Macbeth thể hiện vai trò của Eva.
Bài báo còn dẫn lời giáo sư người Anh Kristen Poole: “Tác phẩm của Shakespeare là tình thương – thương yêu Chúa, thương yêu hàng xóm của bạn. Chà… nó trông như thế nào? Và lòng trắc ẩn trông như thế nào đối với những người mà bạn không thích? “
Điều thú vị là các tù nhân cũng được hưởng lợi từ học văn chương Shakespeare. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ NPR, giáo sư Linda Bates, tác giả cuốn sách “Shakespeare đã cứu cuộc đời tôi: Mười năm cô đơn cùng với thi nhân”, kết luận rằng việc dạy các tác phẩm Shakespeare cho tù nhân đã giúp họ kiểm soát được hành vi của mình.
“Bạn càng hiểu sâu hơn về các nhân vật của Shakespeare, bạn càng hiểu sâu hơn về tính cách của chính mình”, một tù nhân nói.
Đặc biệt, một tù nhân, Larry Newton cho biết Shakespeare đã cứu sống anh ta theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Shakespeare xuất hiện vào thời điểm anh Newton đang phải vật lộn với chứng trầm cảm nặng và anh nói văn chương Shakespeare đã cho anh một điều gì đó tích cực để tập trung vào trong khi anh đang phải cân nhắc tự vẫn.
Anh nói rằng Shakespeare đã cho anh một cách nhìn mới về cuộc sống.
Giáo sư Bates và tù nhân Newton đã cùng nhau soạn thảo tập sách giáo khoa, tập trung vào 13 vở kịch của Shakespeare. Theo ông Bates, anh Newton đã đưa vào những câu hỏi theo từng ngày, từng phần của mỗi vở kịch để tù nhân có thể suy ngẫm về động cơ của nhân vật và quay trở lại suy xét động cơ, lựa chọn của bản thân mình.
Hãy cẩn thận với suy nghĩ của chúng ta
Shakespeare đã sử dụng những bi kịch để chứng minh tầm quan trọng của suy nghĩ trong chúng ta. Các vở kịch của ông tập trung vào sự phát triển suy nghĩ của các nhân vật mà cuối cùng dẫn đến con đường hủy hoại bản thân.
Shakespeare ít tập trung vào hành động của nhân vật mà ông làm nổi bật suy nghĩ của họ nhiều hơn. Bằng cách theo dõi hành trình của nhân vật qua quá trình suy nghĩ phức tạp, chúng ta không chỉ hiểu họ hơn mà còn có một tấm gương đế soi suy nghĩ của mình vào đó.
Các tác phẩm của Shakespeare cho thấy rằng ta không chỉ là những gì người khác thấy, hay thậm chí cũng không phải là những gì chúng ta nghĩ hoặc nói về bản thân. Thông qua các nhân vật của ông, chúng ta hiểu rằng trước tiên ta phải biết về chính bản thân mình rồi mới có thể thay đổi bản thân mình tốt hơn.
Trích lời của Hamlet:
“Chúng ta biết chúng ta là gì nhưng không biết chúng ta có thể là gì.”
Lựa chọn là của ta
Cô Jack nói: “Chúng ta có khả năng tạo ra tương lai của chính mình. Chúng ta có thể quyết định những gì chúng ta muốn cho tương lai của mình. Hiểu được điều này, học sinh có thêm động lực để đạt được ước mơ”.
Mỗi ngày, chúng ta đều có cơ hội để lựa chọn con đường của mình – để đi theo la bàn đạo đức trong ta hoặc theo con đường sai trái.
Shakespeare lưu ý rằng con người bị hạn chế về kiến thức và hiểu biết về cuộc sống và vũ trụ.
Nếu chúng ta chọn tin rằng chúng ta làm gì không quan trọng hoặc có thể làm theo suy nghĩ sai lầm và đi vào con đường tồi tệ, chúng ta sẽ lãng phí những cơ hội quý giá của cuộc sống. Như Cassius đã nói trong “vở kịch Julius Caesar”:
“Có khi, con người là chủ của số phận của họ. Tội lỗi không phải ở các vì sao, mà là ở bản thân chúng ta, bởi ta yếu hèn “
Nhìn lại bản thân
Các bài học của Shakespeare đặt chúng ta vào một yêu cầu phải quan sát trái tim và tâm trí của chính mình, đào sâu vào những gì có thể bị che giấu, ngay cả với chính chúng ta.
Khi người bạn thân nhất của chúng ta được thăng chức trong công việc, chúng ta có cảm thấy ghen tị như Macbeth không? Khi đứng trước sự lựa chọn giữa việc chen ngang hay chờ đợi, chúng ta sẽ chọn gì? Và khi ai đó làm điều gì sai với chúng ta, chúng ta tìm cách trả thù như Hamlet đã làm, hay chúng ta tha thứ để bảo vệ sự lương thiện của mình?
Suy nghĩ và hành động của chúng ta ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
Khi chúng ta cố gắng kiếm nhiều tiền hơn, sở hữu nhiều thứ hơn, nhiều công nghệ hơn, nhiều danh tiếng hơn – chúng ta làm tăng căng thẳng và lo lắng, dẫn đến nhiều loại bệnh, từ huyết áp cao đến bệnh tim, đến cô đơn và trầm cảm.
Cô Jack nói: “Shakespeare đã viết một số vở hài kịch tuyệt vời khiến chúng ta vui vẻ”. “Nhưng ông cũng muốn nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống không phải trải đầy hoa hồng và nó có thể rất khó khăn. Có những người xấu trên thế giới này và họ thực sự có thể kéo ta xuống nếu ta chịu đi cùng họ ”.
Shakespeare nhấn mạnh đến những cuộc đấu tranh nội tâm vốn sẵn có trong mỗi người, cũng như việc phải luôn cảnh giác và thẩm tra suy nghĩ, động cơ và hành động của chúng ta.
Những tác phẩm của ông cảnh báo về những gì có thể xảy ra khi chúng ta không nhận ra và kiểm soát những cảm xúc có hại như tức giận, ghen tị và tham lam; nhắc nhở chúng ta sử dụng thời gian một cách có ích để hiểu bản thân hơn, loại bỏ sự ích kỷ và củng cố những điều tốt đẹp có ở bên trong mỗi con người.
Từ khóa Shakespeare Suy ngẫm nhân sinh cảm ngộ