Bạn đã bao giờ gặp tình huống này chưa? Trằn trọc mãi vẫn không thể ngủ được, nhưng khi vô tình giơ tay lên cao quá đầu bạn lại cảm thấy rất dễ chịu và sau đó ngủ một mạch đến sáng. Nếu tư thế này khiến bạn cảm thấy thoải mái, hãy cẩn thận: rất có thể “kiểu hô hấp” của bạn đang gặp vấn đề.

New Project 28 1
Tại sao bạn có thể ngủ suốt đêm nếu giơ tay lên cao trên đầu? (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Tại sao một số người lại có thói quen giơ tay lên đầu khi ngủ? 

Có thể là do kiểu hô hấp bị rối loạn.

Khi ngủ, việc vô thức giơ tay ra sau là do các mô mềm vùng cổ vai bị căng thẳng quá mức, khiến khó vào giấc ngủ. Việc đưa tay lên cao sẽ giúp giảm bớt căng thẳng này.
Mà sự căng cứng, mỏi mệt ở vùng cổ vai rất có thể bắt nguồn từ kiểu hô hấp bị rối loạn.

Thói quen giơ tay khi ngủ liên quan đến hô hấp bù trừ ở vùng cổ vai:

Do thường xuyên sử dụng các cơ vùng cổ vai (thay vì cơ hoành) để tham gia vào quá trình hô hấp, nên những nhóm cơ này trở nên hoạt động quá mức.
Ngay cả khi ngủ, vùng cổ vai vẫn tiếp tục “làm việc” do hô hấp vẫn diễn ra liên tục.

Lúc này, cơ thể cần giơ tay lên cao để giúp máu và dinh dưỡng dồn về khu vực này nhiều hơn, tiếp tục hỗ trợ các cơ vùng cổ vai làm nhiệm vụ bù trừ cho hoạt động hô hấp, dẫn đến việc khi ngủ bạn sẽ vô thức giơ tay lên.

Tuy nhiên, việc duy trì tư thế ngủ với tay giơ cao trong thời gian dài có thể gây hại. 

Mặc dù tư thế giơ tay khi ngủ có thể mang lại cảm giác dễ chịu tạm thời, nhưng nếu duy trì trong thời gian dài nó có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Dưới đây là một số tác hại tiềm ẩn bạn nên lưu ý:

  1. Gây ra tình trạng “vai nhiễm lạnh”

Khi bạn giơ tay lên khi ngủ, vai dễ bị lộ ra ngoài và tiếp xúc với không khí lạnh. Đồng thời, các cơ quanh khớp vai phải chịu lực kéo dài, gây chèn ép khoang dưới mỏm vai. Điều này làm tăng nguy cơ viêm quanh khớp vai, dẫn đến tình trạng vai bị cứng và đau khi cử động.

  1. Ảnh hưởng đến chức năng tim phổi

Tư thế giơ tay cao có thể cản trở hoạt động tự nhiên của cơ hoành và lồng ngực, làm gián đoạn quá trình hô hấp. Hậu quả là bạn có thể cảm thấy tức ngực, thở không sâu và giấc ngủ không thật sự thoải mái. Nếu bạn thường xuyên phải giơ tay hoặc ưỡn ngực để dễ thở, cần cảnh giác với các vấn đề tiềm ẩn liên quan đến tim và phổi.

  1. Gây cản trở lưu thông máu ở chi trên

Duy trì tư thế ngủ không đúng trong thời gian dài có thể làm giảm lưu thông máu đến tay, gây tê bì hoặc lạnh các chi trên. Về lâu dài, tình trạng này có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ, thiếu oxy nuôi dưỡng các dây thần kinh ngoại biên và làm tăng nguy cơ viêm dây thần kinh.

  1. Tăng nguy cơ viêm thực quản do trào ngược axit

Khi bạn giơ tay lên trong lúc ngủ, sự thay đổi tư thế có thể khiến các cơ vùng bụng và ngực bị kéo căng, làm cơ hoành dịch chuyển và vô tình gia tăng áp lực lên khoang bụng. Điều này đặc biệt rõ rệt ở những người ăn no trước khi ngủ, người lớn tuổi hoặc phụ nữ mang thai ở giai đoạn cuối. Áp lực ổ bụng tăng lên có thể đẩy axit dạ dày trào ngược lên thực quản, lâu dài dẫn đến viêm thực quản.

Làm thế nào để kiểm tra và điều chỉnh “kiểu hô hấp”?

Nếu bạn thường xuyên ngủ trong tư thế giơ tay lên cao quá đầu, rất có thể bạn đang gặp vấn đề với kiểu hô hấp của mình. Dưới đây là một số cách kiểm tra và điều chỉnh để cải thiện thói quen hô hấp và tư thế ngủ:

  1. Tự kiểm tra kiểu hô hấp trước gương

Ngồi thẳng trước gương, hít vào và thở ra bằng mũi. Quan sát xem vai và cổ của bạn có nhô lên hoặc hạ xuống rõ rệt khi thở không.

Nếu có, điều đó cho thấy bạn đang sử dụng các cơ phụ (vai – cổ) để thở thay vì cơ hoành, và cần thực hiện các bài tập điều chỉnh hơi thở.

  1. Bài tập điều chỉnh hơi thở

Bạn có thể thực hiện bài tập này khi nằm trên giường hoặc thảm yoga:

– Nằm ngửa, đặt một chiếc gối dưới đầu gối để giảm áp lực lên thắt lưng, giúp cơ thể thư giãn hơn.

– Tập trung vào nhịp thở sâu bằng mũi, cố gắng để bụng phồng lên khi hít vào (thở bằng cơ hoành) thay vì để vai nâng lên.

Phân tích 4 tư thế ngủ phổ biến

Mỗi tư thế ngủ đều có những ưu và nhược điểm riêng. Việc chọn tư thế phù hợp sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể.

– Nằm nghiêng bên phải: Giúp ổn định nhịp tim và hỗ trợ lưu thông máu lên não. Phù hợp với người có vấn đề về tim mạch.

– Nằm nghiêng bên trái: Làm giảm áp lực lên dạ dày và hệ tiêu hóa, đặc biệt có lợi cho phụ nữ mang thai ở giai đoạn giữa và cuối thai kỳ. Tuy nhiên, nếu nằm nghiêng một bên quá lâu có thể dẫn đến mất cân đối khuôn mặt hoặc đau vai.

– Nằm sấp: Là tư thế không được khuyến khích vì có thể chèn ép ngực, gây khó thở và tăng áp lực lên các khớp. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng xấu đến cột sống cổ và lưng.

– Nằm ngửa: Giúp giảm áp lực lên các cơ quan nội tạng và vùng lưng. Tuy nhiên, nhược điểm là lưỡi có thể trượt ra sau và chặn đường thở, làm tăng nguy cơ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ.