Tại sao có người rất dễ nổi giận? Hãy xem các chuyên gia nói gì
- Lâm Mộc
- •
Bạn có thể có những người thân hoặc bạn bè rất dễ nổi nóng, sẵn sàng phát hỏa chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt. Những người này dường như có xu hướng dễ cáu kỉnh, điều này có thể bắt nguồn từ các yếu tố tâm lý, sinh lý hoặc môi trường. Hãy cùng xem các chuyên gia giải thích thế nào về hiện tượng này.
Nhà trị liệu tâm lý và tác giả người Mỹ, Kaytee Gillis, đã có bài viết trên Psychology Today về lý do vì sao một số người rất dễ giận dữ hoặc thất vọng. Cô lấy ví dụ về một bệnh nhân của mình tên là Edie.
Edie nổi tiếng là người nóng nảy và thiếu kiên nhẫn. Bạn bè và gia đình cô luôn cho rằng cô rất dễ nổi cáu. Những phiền toái nhỏ trong công việc—chẳng hạn như việc ai đó chậm trả lời email hoặc đang sử dụng máy photocopy đúng lúc cô cần—cũng có thể khiến cô khó chịu. Ở nhà, cô có thể tức giận với chồng chỉ vì tranh cãi xem ai nên rửa bát.
Trong buổi gặp gỡ đầu tiên với Gillis, Edie nói: “Tôi nghĩ mình luôn như thế. Từ nhỏ mẹ tôi đã nói rằng tôi lúc nào cũng cáu kỉnh”.
Gillis cho biết, hầu hết mọi người đều từng trải qua những giai đoạn dễ cáu hơn bình thường, chẳng hạn như khi tranh cãi với bạn đời. Tuy nhiên, những người như Edie lại dễ nổi giận hơn hẳn so với người khác. Chắc hẳn nhiều người cũng từng gặp những người như vậy.
Mặc dù sự cáu kỉnh có thể do tâm lý, sinh lý hoặc môi trường tác động, nhưng Gillis nhận thấy rằng những người dễ nổi nóng thường phải đối mặt với vấn đề sức khỏe tâm lý hoặc những vấn đề sức khỏe khác.
Dưới đây là một số nguyên nhân chính khiến một số người dễ nóng giận hơn những người khác:
Căng thẳng không kiểm soát hoặc trải nghiệm sang chấn – Căng thẳng kéo dài có thể làm giảm khả năng chịu đựng thất bại của con người, khiến họ dễ nổi giận hơn. Trong điều kiện lý tưởng, căng thẳng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, chẳng hạn như đối phó với sự thay đổi trong công việc hoặc các vấn đề quan hệ. Nhưng nếu ai đó phải chịu áp lực liên tục, điều này có thể dẫn đến tình trạng dễ cáu kỉnh.
Gillis cho biết nhiều bệnh nhân của cô đã xuất hiện dấu hiệu dễ nổi nóng sau khi trải qua căng thẳng không thể kiểm soát hoặc sang chấn, chẳng hạn như môi trường làm việc tiêu cực hoặc bạo lực gia đình, và họ đã tìm đến cô để được giúp đỡ.
Khi một người bị kiệt quệ về tinh thần hoặc thể chất, khả năng kiểm soát cảm xúc của họ cũng sẽ suy giảm. Khi đã trong trạng thái cáu kỉnh, họ sẽ dễ dàng nhìn thấy những điều khiến mình khó chịu hơn và thổi phồng mọi chuyện, tạo ra hiệu ứng “lăn cầu tuyết”, khiến sự việc ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Tình trạng sức khỏe tâm lý – Dễ nổi nóng có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc rối loạn lưỡng cực, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi hoặc những người lần đầu gặp phải vấn đề tâm lý.
Nghiên cứu cho thấy lo âu và kiểu gắn kết né tránh (tránh đặt niềm tin vào người khác) có liên quan đến việc gia tăng cảm giác cáu kỉnh và chán nản.
Đây là lý do khi một người tìm đến điều trị vì dễ nổi nóng, điều quan trọng là phải xác định xem họ có đang gặp phải triệu chứng hoặc mối lo ngại nào về sức khỏe tâm lý hay không.
Tình trạng sức khỏe thể chất – Một số vấn đề y tế hoặc sức khỏe thể chất, chẳng hạn như có cơn đau mãn tính, rối loạn tiêu hóa hoặc các vấn đề về giấc ngủ chưa được chẩn đoán, cũng có thể khiến con người trở nên dễ cáu hơn. Khi cơ thể bạn cảm thấy khó chịu hoặc mệt mỏi, rất khó để giữ bình tĩnh.
Tương tự, những tình trạng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất hoặc não bộ, cũng như sự mất cân bằng nội tiết tố, có thể dẫn đến thay đổi cảm xúc. Chẳng hạn, các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, dopamine và norepinephrine đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng, và sự mất cân bằng của những chất này có thể khiến một người dễ nổi nóng hơn.
Nếu bạn gặp phải tình trạng này, bạn nên làm gì?
Gillis khuyên rằng lùi lại một bước và cố gắng tách biệt sự kiện cụ thể khiến bạn bực bội với mức độ khó chịu tổng thể của bạn có thể sẽ có ích. Điều này có nghĩa là bạn cần dành một chút thời gian để tự suy ngẫm. Hiểu được cách cảm xúc ảnh hưởng đến sự phán đoán như thế nào, có thể giúp bạn nhìn nhận một cách rõ ràng hơn và có sự thấu hiểu với phản ứng của mình.
Ngoài ra, việc nhận thức được khi nào cần tìm kiếm sự trợ giúp cũng rất quan trọng. Nếu gần đây bạn cảm thấy dễ nổi nóng nhưng không biết lý do tại sao, hãy dành thời gian để tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của điều đó có thể có ích.
Mặt khác, nếu bạn đã biết nguyên nhân gây ra căng thẳng cho mình (chẳng hạn như mối quan hệ không tốt), việc có người khác giúp đỡ có thể xác thực những nguyên nhân đó và giúp bạn hiểu rõ hơn cũng như được hỗ trợ nhiều hơn.
Nếu bạn đang phải vật lộn với chứng cáu kỉnh hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến chứng này, hãy tìm sự hỗ trợ từ một nhà trị liệu có thể giúp bạn.
Từ khóa người rất dễ nổi giận
