Việc đến đúng giờ hay trễ giờ không chỉ là một thói quen mà còn phản ánh những yếu tố tâm lý và hành vi của mỗi người. Giữa những người luôn coi trọng giờ giấc và những người thường xuyên trễ hẹn, có sự khác biệt rõ rệt trong cách họ quản lý thời gian, nhận thức về trách nhiệm và ảnh hưởng của yếu tố văn hóa.

tobe late
Có những người thường xuyên đến muộn, chủ yếu do quản lý thời gian kém. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Vài ngày trước, tôi hẹn gặp một vài người bạn lúc 7 giờ tối tại một quán ăn mới mở, nơi tôi chưa từng đến trước đây. Quán ăn này nằm trong khu vực chúng tôi không thường xuyên lui tới. Tôi không tính toán thời gian cần thiết để đến đó, mà chỉ rời nhà khi đã sẵn sàng. Khi đến nơi, tôi nhận ra một điều mà mình thường xuyên gặp phải lại tiếp tục xảy ra. Tôi nhìn đồng hồ và thấy mình đến đúng 7 giờ, không sớm, cũng không muộn—chỉ vừa đúng giờ. Tuy nhiên, câu chuyện còn thú vị hơn nữa. Gần như cùng lúc, một người bạn của tôi, Irene, cũng đến. Sau khi chào hỏi và ngồi xuống, tôi nói với cô ấy: “Bạn biết không, tôi thật sự không có thói quen đi trễ. Tôi không bao giờ đến sớm, cũng không bao giờ đến muộn, tôi luôn đến đúng giờ”. 

Irene cũng nói: “Tôi cũng có thói quen giống bạn”.

Những người đúng giờ hiếm khi đến muộn

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà vấn đề đi trễ thường xuyên được nhắc đến. Nhiều người có thói quen đến muộn, nhưng ít ai bàn luận về việc luôn đến đúng giờ và những tác động của nó. Liệu việc luôn đến đúng giờ có phổ biến như thói quen đến muộn không? Và liệu nó có thể thay đổi được không?

Người đầu tiên tôi gặp có tác phong giống tôi và Irene là Devorah, giám đốc sáng tạo của một thương hiệu thiết kế thời trang do chính cô sáng lập. Devorah nói: “Ngay cả khi tôi cố gắng đến muộn năm phút, tôi cũng không thể. Tôi luôn đúng giờ; thậm chí khi muốn trễ một chút, cuối cùng tôi vẫn đến sớm và phải chờ người khác. Tôi không hiểu tại sao lại như vậy—có lẽ vì tôi quá ngăn nắp?”

Claudio, giám đốc của một công ty dược phẩm lớn, chia sẻ: “Tôi nghĩ việc đến đúng giờ rất quan trọng để không lãng phí thời gian của bản thân và người khác. Hơn nữa, tôi xuất thân từ một gia đình có nửa dòng máu Đức, nơi hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Có lẽ điều này cũng liên quan đến niềm đam mê bóng rổ của tôi, vì trong môn thể thao này, như trong quân đội, bạn phải đến đúng giờ—nếu không, mọi người phải chờ đợi bạn trước khi bắt đầu buổi tập”, anh giải thích.

Claudio luôn đúng giờ, một phần vì anh tự đặt yêu cầu cao cho bản thân. Anh thậm chí còn lên kế hoạch dự phòng cho những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. “Nếu cuộc hẹn quan trọng, tôi sẽ xuất phát sớm hơn 10 phút, phòng khi gặp sự cố như tàu điện ngầm ngừng hoạt động hoặc những tình huống ngoài ý muốn khác”, anh nói.

Các yếu tố dẫn đến việc đến muộn

Voi vang
Những người theo ‘chế độ đa hướng’ thường hay trễ giờ. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Ngược lại, có rất nhiều người như Carla, một nhà sản xuất làm việc tại một phòng thu âm. “Đến muộn là thói quen của tôi từ bé; có lẽ tôi thừa hưởng điều này từ mẹ. Đôi khi, tôi tự hỏi liệu đây là bẩm sinh hay do học được. Tôi luôn đến muộn vì không biết cách ước lượng thời gian cho các hoạt động hàng ngày. Tôi thường nghĩ mọi việc sẽ nhanh hơn thực tế. Ví dụ, nếu tôi có cuộc hẹn lúc 7 giờ tối, tôi sẽ tự nhủ: ‘Mình sẽ tắm lúc 6 giờ 15 rồi ra ngoài.’ Nhưng thường thì đến 6 giờ 30 tôi mới bắt đầu tắm và vẫn tin rằng mình sẽ kịp”, Carla vừa đùa vừa nghiêm túc nói.

Chuyên gia tâm lý lâm sàng Sandra Ferreira cho biết: “Nguyên nhân tâm lý phổ biến nhất khiến người ta đến muộn thường liên quan đến vấn đề tự điều chỉnh ở mức độ nhận thức, cảm xúc và hành vi, thiếu tôn trọng thời gian của người khác, thiếu cảm giác trách nhiệm, thiếu động lực, dễ bị phân tâm, và kỹ năng quản lý thời gian kém”. Ngược lại, những người luôn đúng giờ như Claudio thường rất coi trọng phẩm chất này, có kỹ năng lập kế hoạch tốt và khả năng tự thúc đẩy bản thân.

Ferreira cũng cho rằng còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến thói quen đúng giờ. “Yếu tố văn hóa đóng vai trò quan trọng. Ở một số quốc gia, lịch trình của mọi người linh hoạt hơn rất nhiều, trong khi ở những nơi khác, việc đến muộn bị coi là thiếu tôn trọng nghiêm trọng. Ví dụ, tại Nhật Bản, tốt nhất là nên đến sớm hơn giờ hẹn”, Ferreira cho biết.

Carmen chia sẻ: “Tôi đến từ Granada, một thị trấn ở Andalusia, nơi việc đến muộn là chuyện rất bình thường. Trước khi có điện thoại, nếu bạn có hẹn, việc đối phương đến muộn nửa tiếng là hoàn toàn bình thường. Nếu bạn đợi ở nhà, họ đến muộn một giờ cũng không có gì lạ. Tôi thường xuyên đến muộn, nhưng không phải là người quá tệ – tôi có một người bạn có thể đến muộn vài giờ mà không hề giải thích lý do”.

Ferreira cho biết, ảnh hưởng từ gia đình và ảnh hưởng của công nghệ cũng là những yếu tố quan trọng. Ngày nay, việc thông báo sẽ đến muộn trở nên dễ dàng, điều này khiến chúng ta bớt cảm thấy tội lỗi vì đã thông báo trước. “Hiểu được nguyên nhân khiến ai đó không đúng giờ có thể giúp chúng ta thiết lập các chiến lược cải thiện khi cần thiết”, Ferreira giải thích.

Ảnh hưởng đến nhận thức bản thân

Carmen buồn bã chia sẻ: “Tôi cảm thấy xấu hổ vì việc đến muộn. Tôi rất hiểu việc đến muộn là tồi tệ như thế nào và luôn phải xin lỗi người khác. Mọi người nghĩ tôi không chú tâm, không quan tâm đến bất kỳ điều gì, nhưng sự thật không phải vậy. Tôi thường tự hỏi: ‘Lại đến muộn rồi! Tại sao tôi lại như thế? Tôi thật là người tồi tệ!”

Ferreira cho biết: “Việc đến đúng giờ hay không đúng giờ thường có ảnh hưởng lớn đến lòng tự trọng và nhận thức về bản thân. Thông thường, việc đúng giờ mang lại cảm giác kiểm soát và hiệu quả. Khi thực hiện cam kết và đến đúng giờ, mọi người thường cảm thấy tự tin và chắc chắn hơn về bản thân”. Claudio đã xác nhận điều này. Anh chia sẻ: “Việc đến đúng giờ khiến tôi cảm thấy rất tốt. Đối với tôi, đó là một đức tính và không gây ra bất kỳ phiền toái nào”.

Carla thừa nhận: “Việc đến muộn khiến tôi cảm thấy tội lỗi, lo lắng và thất vọng. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, và thói quen luôn đến muộn đã tác động đến mọi mặt trong cuộc sống. Ví dụ, dù là người thích giao tiếp, tôi cảm thấy vấn đề đến muộn đã khiến tôi rơi vào một vòng xoáy phức tạp trong cuộc sống”.

Theo thuật ngữ của nhà nhân chủng học Edward Hall trong tác phẩm ‘Ngôn ngữ im lặng’, Carla là một ví dụ điển hình của người thuộc “chế độ thời gian đa hướng”. Những người này thường làm nhiều việc cùng lúc, không theo một thứ tự cố định, và dễ dàng chấp nhận sự gián đoạn hay thay đổi kế hoạch. Mối quan hệ cá nhân đối với họ rất quan trọng, đôi khi còn được ưu tiên hơn công việc hay các cam kết đã đặt ra. Họ thường không phân biệt rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Các nền văn hóa ở Mỹ Latinh, Địa Trung Hải, các quốc gia Ả Rập, châu Phi và Nam Á thường nghiêng về chế độ thời gian này.

Ngược lại là những người thuộc “chế độ thời gian đơn hướng” là những người thường thích làm một việc tại một thời điểm, tuân thủ một trật tự có tổ chức trong các hoạt động hàng ngày. Họ rất coi trọng việc đúng giờ, tuân thủ lịch trình và hạn chót, và đặt trọng tâm vào các cam kết cũng như chương trình đã định sẵn. Họ thường lên kế hoạch chi tiết cho từng công việc trong ngày, đảm bảo mỗi nhiệm vụ được hoàn thành một cách trọn vẹn mà không bị gián đoạn. Trong công việc và cuộc sống cá nhân, họ ưu tiên hiệu quả và năng suất, tập trung hoàn thành từng nhiệm vụ trước khi chuyển sang nhiệm vụ tiếp theo. Họ cũng đề cao sự riêng tư và trật tự, tránh sự xáo trộn, và phân biệt rõ ràng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Các nền văn hóa ở Mỹ, Đức và Nhật Bản là ví dụ tiêu biểu của mô hình thời gian này.

Làm sao để không trễ hẹn?

Việc trễ hẹn không chỉ gây phiền toái cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng tránh được tình trạng này bằng cách thay đổi một số thói quen và cải thiện khả năng quản lý thời gian. 

Tính toán quãng đường đi lại

Đừng chỉ đưa ra ước tính mơ hồ về thời gian; hãy tính toán toàn bộ thời gian di chuyển, bao gồm đi bộ, quá cảnh, chờ đợi và tìm kiếm địa điểm. Điều này giúp bạn chủ động hơn trong việc xác định giờ xuất phát.

Chuẩn bị trước

Hãy chuẩn bị sẵn trang phục, túi xách và vật dụng cần thiết trước. Việc này giúp bạn tránh tình trạng lục đục tìm đồ đạc vào phút cuối, giảm thiểu nguy cơ chậm trễ.

Tránh “ngủ quên”

Đã bao giờ bạn thức dậy muộn vì ngủ quên? Để tránh điều này, hãy thức dậy ngay khi chuông báo thức reo. Đừng cho phép bản thân ngủ thêm vài phút, vì giấc ngủ thêm có thể làm bạn trễ. Đảm bảo ngủ đủ giấc vào đêm hôm trước.

Lên kế hoạch đủ thời gian cho các nhiệm vụ trước


Sự chậm trễ thường do hiệu ứng domino, khi nhiệm vụ trước đó kéo dài làm ảnh hưởng đến công việc tiếp theo. Hãy thực tế khi phân bổ thời gian, dùng thời gian trước đó làm chuẩn mực để lập kế hoạch.

Đặt báo thức và lời nhắc

Khi bạn bận rộn, có thể bạn sẽ mất dấu thời gian. Hãy sử dụng báo thức để đảm bảo mình luôn đúng giờ. Khi báo thức reo, hãy rời đi ngay mà không trì hoãn.

Đừng kéo dài công việc khi đã đến lúc phải rời đi


Nếu cuộc hẹn hoặc công việc trước đó không thể hoàn thành đúng hạn, hãy dừng lại và lập kế hoạch theo dõi. Xác định rõ bạn sẽ kết thúc ở đâu và tiếp tục sau vào lúc khác.

Giữ chìa khóa và vật dụng cần thiết ở một nơi cố định

Mỗi ngày, hãy để chìa khóa và những vật dụng cần thiết tại cùng một chỗ. Khi bạn quay về nhà, hãy để chúng ở đó để dễ dàng lấy vào sáng hôm sau khi chuẩn bị ra ngoài.

Có kế hoạch dự phòng

Hãy chuẩn bị phương án dự phòng nếu bạn có thể đến muộn do sự cố bất ngờ. Kế hoạch này có thể là dùng phương tiện giao thông nhanh hơn nhưng rẻ hơn (ví dụ như taxi), hoặc chọn phương tiện thay thế.

Hãy đến sớm


Đây là cách hiệu quả nhất. Đôi khi, nỗ lực đến đúng giờ có thể khiến bạn bị trễ do những yếu tố không lường trước. Đến sớm sẽ giảm thiểu nguy cơ này và giúp bạn dễ dàng hơn trong việc quản lý thời gian.

Thông báo ngay khi bạn biết mình sẽ đến muộn

Nếu bạn biết chắc chắn mình sẽ đến muộn hoặc khả năng đến muộn là cao, hãy liên hệ với người hẹn trước. Việc này giúp người đó có thời gian điều chỉnh kế hoạch của họ, thay vì phải chờ đợi hoặc lãng phí thời gian vào phút cuối.