Theo đuổi sự hoàn hảo trong nuôi dạy con không chỉ gây áp lực lên các bậc phụ huynh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của trẻ. Các chuyên gia cảnh báo, việc kỳ vọng quá mức vào sự hoàn hảo có thể dẫn đến tổn thương về tự trọng, cảm giác ngột ngạt ở trẻ, và những hệ lụy tiêu cực trong hành vi lẫn tư duy. Trong khi đó, phụ huynh thường cảm thấy mệt mỏi, thất vọng và áp lực trước chính những mục tiêu mà mình đặt ra.

tre lo lang
Áp lực từ việc theo đuổi sự “hoàn hảo” không chỉ khiến các bậc cha mẹ kiệt sức mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của con cái. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

Áp lực từ việc theo đuổi sự “hoàn hảo” không chỉ khiến các bậc cha mẹ kiệt sức mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của con cái.

Nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao vào cách nuôi dạy con cũng như yêu cầu những gì con cần phải đạt được, dẫn đến tình trạng kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong khi đó, trẻ lại có xu hướng bộc lộ hành vi tiêu cực hơn và đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý. Giáo sư Bernadette Melnyk và Kate Gawlik từ Đại học Bang Ohio – Mỹ đã phân tích vấn đề này trong một báo cáo công bố ngày 8 tháng 5. Báo cáo đã khảo sát mẫu để đánh giá mức độ kiệt sức của phụ huynh tại Mỹ và cách tình trạng này tác động đến phong cách nuôi dạy của họ.

Áp lực làm cha mẹ hoàn hảo và hậu quả lên trẻ em

57% cha mẹ cảm thấy kiệt sức: Nghiên cứu cho thấy mức độ kiệt sức của các bậc phụ huynh có mối liên hệ chặt chẽ với các yếu tố như kỳ vọng cá nhân, cách họ nhìn nhận bản thân trong vai trò làm cha mẹ, thời gian dành cho con cái, chất lượng mối quan hệ với bạn đời, cũng như thái độ đối với công việc nhà. Những áp lực này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tâm lý của cha mẹ.

Tác động của mạng xã hội: Bà Kate Gawlik, một bà mẹ có 4 con, đã bắt đầu nghiên cứu này dựa trên chính kinh nghiệm cá nhân trong việc đối mặt với áp lực và sự kiệt sức. Bà nhấn mạnh rằng mạng xã hội góp phần tạo ra “kỳ vọng quá cao về vai trò làm cha mẹ”. Trên các nền tảng này, hình ảnh gia đình hoàn hảo thường xuyên xuất hiện, từ đó khiến phụ huynh cảm thấy bản thân bị đánh giá hoặc chưa đủ tốt. Những so sánh này thường dẫn đến việc đặt ra các tiêu chuẩn không thực tế, làm gia tăng áp lực và cảm giác kiệt sức trong cuộc sống hàng ngày.

Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của gia đình

Giáo sư Melnyk giải thích: Khi cha mẹ rơi vào trạng thái kiệt sức, họ dễ đối mặt với tình trạng trầm cảm, lo âu và áp lực nặng nề. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cha mẹ mà còn gây tác động tiêu cực đến con cái, khiến trẻ dễ biểu hiện các hành vi tiêu cực và giảm sút mức độ hạnh phúc về mặt cảm xúc.

Báo cáo nhấn mạnh rằng việc theo đuổi sự hoàn hảo một cách không cần thiết không chỉ khiến cha mẹ kiệt quệ mà còn để lại những tác động lâu dài đến sức khỏe tinh thần và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Nhà phân tích tâm lý José Ramón Ubieto khẳng định: “Có một người cha luôn theo đuổi sự hoàn hảo là điều tồi tệ nhất mà một đứa trẻ có thể gặp phải. Điều này gần như chắc chắn sẽ dẫn đến rối loạn tâm lý, bởi bạn không bao giờ có thể đạt tới kỳ vọng của ông ấy, dẫn đến những vấn đề về lòng tự trọng và nhiều khó khăn khác trong cuộc sống.”

Chuyên gia nghiên cứu về năng lực cảm xúc và phương pháp khoa học trong giáo dục cảm xúc là bà Cristina Gutiérrez cũng đồng tình với quan điểm trên. Bà nhận định: “Là một đứa trẻ được nuôi dạy trong môi trường cha mẹ theo đuổi sự hoàn hảo sẽ luôn cảm thấy ngột ngạt. Tương tự, việc cố gắng trở thành một người cha mẹ hoàn hảo cũng khiến chính các bậc phụ huynh đối mặt với áp lực lớn, lo âu, thất vọng và cả cảm giác tội lỗi, bởi điều này là không thể đạt được”.

Day con giup do vo tu 01
(Ảnh minh hoạ: Shutterstock)

‘Hội chứng gia đình hoàn hảo’

Bà Cristina Gutiérrez cho biết, trong hơn một thập kỷ qua, bà đã nghiên cứu về hiện tượng mà bà gọi là “Hội chứng gia đình hoàn hảo” — một trạng thái mà các bậc cha mẹ luôn khao khát có một ngôi nhà hoàn hảo, vóc dáng hoàn hảo, nụ cười hoàn hảo, và những đứa trẻ hoàn hảo. Mỗi năm, hàng chục nghìn học sinh, với con số khoảng 38.900 trẻ vào năm ngoái đã tham gia các trại hè và lớp học do bà tổ chức.

Bà Gutiérrez nói: “Ngày nay, trẻ em được xem như một dự án cá nhân, nơi cha mẹ đặt mục tiêu đạt điểm tuyệt đối trong việc nuôi dạy con. Họ không ngừng tìm kiếm những cuốn sách giáo dục tốt nhất, lựa chọn những câu chuyện phát triển hoàn hảo và gửi con đến các trường học xuất sắc nhất. Giáo viên và huấn luyện viên của con cũng phải đạt tiêu chuẩn hoàn hảo… Tất cả giống như việc xây dựng những tòa lâu đài cát. Cha mẹ khao khát trở thành những bậc cha mẹ hoàn hảo, nhưng toàn bộ áp lực và trách nhiệm của kế hoạch này lại đè nặng lên vai đứa trẻ. Trong khi đó, điều trẻ thực sự mong muốn chỉ là khiến cha mẹ cảm thấy tự hào”.

Câu chuyện của Oscar

Bà Gutiérrez kể về một cậu bé tên Oscar 10 tuổi, từng chia sẻ tại trại hè rằng niềm hạnh phúc của bố mẹ phụ thuộc hoàn toàn vào cậu. Gutiérrez nói: “Trong nhiều năm, Oscar nhận ra rằng mỗi khi cậu ghi bàn hoặc đạt được thành tích tốt, bố mẹ cậu đều rất vui. Từ đó, cậu rút ra kết luận rằng hạnh phúc của bố mẹ phụ thuộc vào những gì mình làm”.

Bà Gutiérrez giải thích rằng điều này đã đặt lên vai trẻ em một gánh nặng lớn. Nhiều trẻ khi bước vào tuổi dậy thì không thể đối mặt được, dẫn đến việc từ bỏ những môn thể thao hay việc học mà chúng yêu thích, thậm chí có các hành vi hủy hoại, phá vỡ ‘ngôi nhà bằng bài’ (ý nói sự mong manh) và ‘kế hoạch hoàn hảo’ của cha mẹ. Bà cũng cho biết, những bậc phụ huynh này không hiểu tại sao đứa trẻ mà họ đã dốc lòng nuôi dạy lại không còn như mong đợi.

Ông Ubieto nhận xét rằng các bậc cha mẹ thời nay thường có đặc điểm tin tưởng quá nhiều vào tác động của khoa học trong việc nuôi dạy con cái, đồng thời cho rằng tất cả đều phụ thuộc vào quan điểm của chính họ. Ông giải thích: “Họ tin rằng họ có ảnh hưởng quyết định đến con cái, vì thế họ cảm thấy mình có quyền đánh giá rất cao. Nếu một đứa trẻ 5 tuổi không thích đọc sách, họ sẽ nghĩ rằng có vấn đề ở đâu đó hoặc rằng đứa trẻ có một dạng rối loạn nào đó”.