Thoát khỏi 12 năm trầm cảm nặng nhờ một cuốn sách
- Lisa Bian và Yu Xin
- •
Bà Kathy Ma đã phải vật lộn với chứng trầm cảm hơn một thập niên cho đến khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công.
“Trong khoảng thời gian đó, không một ngày trôi qua tốt đẹp. Mỗi khi bệnh tái phát, tôi lại có ý nghĩ tự tử, và bố mẹ tôi không còn cách nào khác là dùng dây thừng trói tôi lại. … Mỗi lần tôi phát bệnh và mất kiểm soát, tôi sẽ vô cùng hối hận khi tỉnh lại. Tiếp theo đó là một đợt tái diễn khác với nhiều sự hối tiếc hơn. … Sự dằn vặt này kéo dài suốt 12 năm,” bà Kathy Ma, một người Mỹ gốc Hoa đã sống ở San Francisco hơn 30 năm, nhớ lại 12 năm dài bị dày vò bởi chứng trầm cảm nặng.
Bà Ma là một người phụ nữ tận tụy. Không lâu sau khi cùng cha mẹ di cư sang Mỹ ở tuổi 23, bà nhất quyết quay trở lại Trung Quốc để kết hôn với bạn trai đã quen trong 4 năm, bất chấp sự phản đối của bố mẹ. Tuy nhiên, bà không ngờ rằng trong suốt một năm người chồng chờ đợi xin visa Mỹ, anh lại không chung thủy. Khi bà mang thai được 5 tháng, người chồng đòi ly hôn.
Sau khi ly hôn, bà rất đau lòng và oán hận chồng cũ, thậm chí còn tính đến việc bỏ đứa bé. Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo phá thai ở giai đoạn này sẽ rất nguy hiểm. Một mục sư cũng khuyên bà rằng là một tín đồ Cơ đốc, bà không nên phá thai.
Cuối cùng, bà quyết định giữ lại đứa bé. Lúc đó bà 28 tuổi và mặc dù sinh thường nhưng bà lại bị băng huyết sau sinh nghiêm trọng.
Băng huyết sau sinh: Trải nghiệm cận kề cái chết
Vào thời điểm đó, các y tá đã cố gắng truyền máu nhưng không thể tìm thấy tĩnh mạch ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể bà. Dần dần, bà bắt đầu mất thính giác. Bà mô tả: “Âm thanh [xung quanh] dần bé lại và cuối cùng, tôi không thể nghe thấy gì cả.”
“Lúc đó, tôi cảm thấy mình từ từ nâng người lên và ngồi dậy. Tuy nhiên, khi nhìn lại và thấy cơ thể mình vẫn còn nằm trên giường bệnh, tôi nghĩ mình không thể chết được – tôi vừa mới sinh con và không thể bỏ con lại được. Với quyết tâm đó, tôi từ từ nằm xuống, nhập lại vào cơ thể và lại bắt đầu nghe thấy tiếng người nói chuyện. Cuối cùng tôi cũng tỉnh dậy”, bà nhớ lại.
Khi tỉnh dậy, bà thấy cả gia đình đang quây quần bên giường bệnh. Sau khi bà bất tỉnh, các bác sĩ đã thông báo cho gia đình về tình trạng nguy kịch của bà và họ đã đến để nói lời từ biệt cuối cùng.
Con cầu xin mẹ chấm dứt nỗi đau khổ của cả hai
Sau khi trở về từ bờ vực của cái chết, tâm trí bà như rơi xuống vực thẳm. Bà nói: “Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy đứa con mới sinh của mình, những ký ức đau buồn về cuộc ly hôn lại ùa về. Tôi ngày càng trở nên khó kiểm soát cảm xúc và chứng trầm cảm ngày càng trầm trọng hơn”.
Bà kể lại: “Trong thời gian đó, tôi nổi cơn điên, la hét và dọa dùng dao tự sát hoặc nhảy ra khỏi cửa sổ. Đôi khi, bố mẹ tôi không thể kiểm soát tôi và phải gọi anh trai tôi đến để kiềm chế tôi. Sau những lần bùng phát như vậy, tôi thường xuyên bất tỉnh.”
Vì việc nhìn thấy đứa con sẽ khơi dậy những ký ức đau buồn, bà Ma thường trút nỗi bực bội lên con bằng cách la hét, đánh đập và ném đồ đạc. Con trai bà sợ đến mức im lặng hoặc khóc.
Mãi đến lúc 5 tuổi, cậu bé mới bắt đầu biết nói. Cậu bé không cười hay giao tiếp với người khác và ngay từ khi bắt đầu đi học mẫu giáo, cậu bé đã tránh chơi với những đứa trẻ khác và rất thu mình.
Con trai bà thậm chí còn nói với bà rằng: “Mẹ ơi, con không muốn sống nữa. Xin hãy cho con kết thúc cuộc đời cùng mẹ.” Bà Ma biết mình là nguyên nhân khiến cậu đau khổ và cảm thấy vô cùng tội lỗi nhưng bà phải vật lộn để kiềm chế hành động của mình.
Vài tháng sau khi bà trải nghiệm cận kề cái chết, mẹ bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 4, điều này khiến bà càng suy sụp hơn.
“Lúc đó, tôi thường xuyên nghĩ đến cái chết nhưng lại quá sợ hãi để trải qua nó. Nếu tôi thực sự chết, điều gì sẽ xảy ra với con trai tôi? Sự đau khổ này cứ lặp đi lặp lại. … Vào mỗi đợt bệnh, tôi sẽ phát điên, và khi tỉnh lại, tôi sẽ tràn ngập hối hận. Sau đó, điều đó lại xảy ra, sự điên cuồng và hối tiếc tạo thành vòng luẩn quẩn tiếp diễn trong 12 năm”, bà nói.
Trong thời gian này, mặc dù bà Ma không đến bệnh viện nhưng đã được trị liệu tâm lý từ một nhà tâm lý học mà bà gặp ở nhà thờ. Tuy nhiên, nó không có tác dụng đáng kể. “Liệu pháp tâm lý có thể khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn một chút vào lúc này, nhưng ngay sau đó, chứng trầm cảm sẽ quay trở lại. Tôi có cảm giác như có thứ gì đó liên tục đè nặng lên ngực khiến tôi khó thở”.
Tìm thấy sự bình yên qua một cuốn sách
Bước ngoặt xảy đến với bà là khi biết đến Pháp Luân Công. Tuân theo nguyên lý Chân, Thiện và Nhẫn, Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, bao gồm 5 bài công pháp, trong đó có cả thiền định.
Một đồng nghiệp cũ đã giới thiệu Pháp Luân Công cho bà Ma ngay từ năm 1995. Năm 1997, người đồng nghiệp đó đã mời chú của bà Ma đến dự một hội nghị chia sẻ kinh nghiệm Pháp Luân Công ở San Francisco, và người chú đã cố gắng thuyết phục bà đi cùng ông. Vì vậy, bà đã có cơ hội nghe bài giảng của Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Công
Vào buổi tối sau hội nghị, khi đang tắm, bà Ma rất ngạc nhiên khi thấy khối u dưới nách phải có từ hơn chục năm nay đã biến mất. Bình thường, u nang không đau nhưng sẽ sưng lên và rất đau khi bị viêm, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng viết bằng tay phải của bà.
Mặc dù vậy, bà đã không bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công ngay lập tức.
Vào thời điểm đó, Pháp Luân Công rất phổ biến ở Trung Quốc, thu hút hàng chục triệu người theo học. Cha và chú của bà đều bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Cha bà, người vốn bị chứng đau nửa đầu nghiêm trọng, đã khỏi bệnh sau khi bắt đầu tu luyện.
Vào tháng 4/1999, bà Ma chở người cha đến một nhóm học Pháp Luân Công. Ban đầu bà đợi trên xe nhưng một lúc lâu sau bà mới vào trong tìm cha. Được sự khuyến khích của đồng nghiệp, bà đã lấy một cuốn “Chuyển Pháp Luân” và tham gia buổi học, tình cờ đọc được chương về được và mất.
Bà nói: “Tôi không biết tại sao, nhưng khi xem, tôi thấy dội lên cảm giác muốn khóc dữ dội và không cầm được nước mắt”.
Sau khi trở về nhà, bà bắt đầu đọc cuốn sách và đọc một mạch cho đến tận bình minh. Bà cho biết mình không cảm thấy mệt mỏi mà thay vào đó là rất sảng khoái.
Khi ánh nắng ban mai rọi chiếu qua cửa sổ, tâm trí bà trở nên trong trẻo và tĩnh lặng, thoát khỏi sự lo lắng, bồn chồn thường ngày.
“Cuốn sách này thực sự mang lại cho tôi cảm giác bình yên. Đó là điều mà tôi đã không trải qua trong một thời gian dài!”, bà nói.
Từ đó trở đi, bà dành hết tâm huyết để đọc “Chuyển Pháp Luân” cũng như các sách Pháp Luân Công khác và bắt đầu luyện công. Việc thực hành bao gồm việc tập trung vào âm nhạc thiền trong khi thực hiện các động tác kéo giãn nhẹ nhàng và chậm rãi cũng như ngồi yên lặng với mắt nhắm trong thời gian dài.
Một sự khởi đầu mới: Vượt qua chứng trầm cảm tái phát
Căn bệnh trầm cảm của bà đã sớm bắt đầu thuyên giảm. Các cơn trầm cảm hồi đầu xảy ra hàng tuần, nhưng sau đó giảm dần, đầu tiên là một lần một tháng và sau đó là vài tháng một lần. Sau khoảng một năm, các triệu chứng đã dừng hẳn.
“Bất cứ khi nào tôi cảm thấy tự ti, chán nản hoặc tâm trạng đi xuống, tôi sẽ đọc ‘Chuyển Pháp Luân’ và cuốn sách sẽ mang lại cho tôi sự bình yên”, bà Ma nói.
Bà Ma nhớ rất rõ trải nghiệm “được hồi sinh từ cõi chết” trong cơn trầm cảm cuối cùng của mình.
Năm 2000, bà Ma mất bình tĩnh sau khi con trai bà vô tình va vào bà, khiến bà ngất xỉu. Trước đây, mỗi khi bà ngất xỉu, bố mẹ bà sẽ ấn vào huyệt Nhân Trung (nằm ở giữa môi trên và lỗ mũi), cách này thường giúp bà tỉnh lại. Tuy nhiên, lần này, nó không có tác dụng.
Trong trạng thái tuyệt vọng, bố mẹ bà đột nhiên nhớ đến các video dạy Pháp Luân Công mà bà thường xem và quyết định bật một video cho bà xem. “Một ý nghĩ chợt đến với tôi,” bà nhớ lại. “‘Tôi không thể tự tử; Sư phụ tôi nói rằng tự tử là sát sinh và là một tội lỗi,’ và rồi tôi tỉnh lại.”
Khi bà Ma tỉnh lại, bà cảm thấy như thể không có chuyện gì xảy ra; bà bình tâm lại và trở nên điềm tĩnh, hoàn toàn trái ngược với sự tuyệt vọng và tiêu trầm thường thấy sau mỗi khi bà trải qua những cơn trầm cảm trước đó. Ngày hôm sau, bà đã tham dự một cuộc phỏng vấn xin việc và được nhận vào làm.
Kể từ sự cố đó, chứng trầm cảm của bà Ma đã không tái phát trong 24 năm. Trong thời gian này, bà điều hành một công ty, làm việc trong lĩnh vực tiếp thị và kế toán, sống một cuộc sống bình thường và năng động. Tất nhiên, bà cũng tiếp tục tập luyện Pháp Luân Công một cách chăm chỉ.
Việc tập Pháp Luân Công đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong tính cách của bà Ma.
“Tính khí của tôi đã cải thiện rất nhiều, tôi đã trở nên vui vẻ và nói nhiều hơn. Khả năng phục hồi cảm xúc của tôi cũng tăng lên, và tôi cảm thấy mạnh mẽ hơn nhiều”, bà nhận xét.
Sự thay đổi của bà Ma cũng ảnh hưởng tích cực đến con trai bà. “Con trai tôi đã cùng tôi tập Pháp Luân Công, và giống như tôi, cháu bắt đầu cười thường xuyên hơn”, bà nói.
Hiện tại, con trai của bà Ma là một chàng trai trẻ khỏe mạnh và tích cực. Họ cùng nhau tham gia một ban nhạc của các học viên Pháp Luân Công, thường xuyên luyện tập nhạc cụ và biểu diễn tại các sự kiện cộng đồng.
“Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ Lý đã mang lại hạnh phúc và bình yên cho gia đình chúng tôi”, bà Ma nói với hai hàng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt.
Nhận xét của bác sĩ tâm thần: Pháp Luân Công cải thiện chứng trầm cảm
Một số người đã chú ý đến sự phục hồi của bà Ma sau chứng trầm cảm. Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan, Tổng giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế phương Bắc và là bác sĩ tâm thần chuyên về y học tích hợp, lưu ý rằng tình trạng của bà Ma là một bệnh tâm thần mãn tính phức tạp. Mặc dù thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống co giật có thể kiểm soát các triệu chứng ở một mức độ nào đó, nhưng chúng đi kèm với nhiều tác dụng phụ và việc đạt được sự phục hồi hoàn toàn là vô cùng khó khăn.
Tiến sĩ Dương tuyên bố rằng sự phục hồi của bà Ma rất khó giải thích theo quan điểm y học. “Nếu chúng ta phải giải thích, chúng ta có thể xem xét 4 khía cạnh của một người: cơ thể vật lý, các quá trình sinh hóa, khí (năng lượng) được mô tả trong Trung y (TCM) và tinh thần, trong thực hành tâm linh người ta gọi là ý thức thực sự.”
Tiến sĩ Dương cho biết các phương pháp điều trị y tế thông thường như thuốc giải quyết tình trạng mất cân bằng sinh hóa, phẫu thuật giải quyết các vấn đề về cấu trúc và châm cứu điều hòa khí. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản của Ma nằm ở cấp độ ý thức, đòi hỏi phải có phương pháp để đánh thức tinh thần của bà. “Những lời dạy của Sư phụ Lý rõ ràng đã thành công trong việc đánh thức linh hồn và ý thức thực sự của bà ấy, đó là lý do tại sao chúng tạo ra những kết quả đáng chú ý như vậy”, ông nói. “Con người vốn phức tạp, và những vấn đề mà chúng tôi, những bác sĩ, có thể giải quyết thường là bề mặt”, ông Dương nói. “Khi gốc rễ của vấn đề nằm ở ý thức và tâm linh, các lựa chọn can thiệp y tế là rất hạn chế”.
Bản thân tiến sĩ Dương tập Pháp Luân Công và đã gặp những bệnh nhân có triệu chứng trầm cảm được cải thiện sau khi tập luyện. Ông chỉ ra rằng Pháp Luân Công khuyến khích các học viên nuôi dưỡng tư duy và hành vi tích cực. Việc tập trung vào các giá trị tích cực này giúp chuyển hướng sự chú ý khỏi các suy nghĩ tiêu cực, do đó làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Pháp Luân Công cũng kết hợp các bài tập thể dục và thiền định, giúp điều hòa tâm trí và cơ thể. Các học viên cũng có thể tham gia các buổi luyện tập nhóm, có thể có lợi trong việc làm giảm cảm giác cô đơn và hỗ trợ về mặt cảm xúc.
Nghiên cứu thiền định giúp thúc đẩy điều hòa cảm xúc
Nghiên cứu đã nêu bật tác dụng của các bài tập tâm-thân, chẳng hạn như thiền chánh niệm và yoga, trong việc cải thiện chứng trầm cảm. Một thử nghiệm lâm sàng được công bố trên Tạp chí Trầm cảm và Lo lắng năm 2022 cho thấy những bệnh nhân trầm cảm tham gia chương trình can thiệp dựa trên chánh niệm đã báo cáo những cải thiện đáng kể hơn về các triệu chứng trầm cảm, sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như mức độ căng thẳng của họ so với những người trong nhóm liệu pháp thông thường. Hơn nữa, những cải thiện này vẫn kéo dài trong 6 tháng sau chương trình can thiệp.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Pháp Luân Công mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể, bao gồm giảm lo lắng và căng thẳng. Pháp môn này đặc biệt có lợi cho những người có tiền sử sang thương.
Theo một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên Tạp chí ‘Brain and Cognition’, những người tập Pháp Luân Công xử lý cảm xúc của họ nhanh hơn, tập trung tốt hơn vào các nhiệm vụ và ít bị phân tâm bởi các kích thích không liên quan hơn những người chưa từng tập Pháp Luân Công. Trong các tình huống phức tạp đòi hỏi sự phối hợp giữa bán cầu não trái và phải, những người tập đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về hiệu suất kiểm tra chỉ sau một tiếng rưỡi tập luyện. Những phát hiện cho thấy rằng tập Pháp Luân Công giúp tăng khả năng điều hòa cảm xúc và tạo điều kiện cho việc sử dụng linh hoạt hơn cả hai bán cầu não.
(Học Pháp Luân Công miễn phí tại trang web hocphapluancong.com)
Từ khóa dưỡng sinh thiền định khí công trầm cảm trầm cảm sau sinh Pháp Luân Công