“Tiêu chuẩn kép” của cha mẹ có thể hủy hoại con cái
- Mộc Lan
- •
Mỗi đứa trẻ là một thiên thần, một cá thể độc lập đến với thế giới này thông qua cha mẹ của mình, chỉ khi lớn lên trong sự giáo dục bình đẳng và tôn trọng của cha mẹ, trẻ mới có thể có được cuộc sống chủ động, an yên và hạnh phúc.
Buổi tối, khi đang mua thức ăn ở chợ, tôi nghe thấy hai bố con nhà nọ nói chuyện với nhau:
“Con hứa với bố chạy 10 vòng sân chơi, sao chạy chưa đủ mà con đã nói với bố là xong rồi? Con như thế là không trung thực và giữ chữ tín!”
Sau khi nghe lời phê bình của bố, cậu bé đã thành thật xin lỗi và hứa rằng lần sau sẽ không làm như vậy nữa. Ông bố mỉm cười hài lòng và tiếp tục chọn món ăn.
Sau khi trả tiền xong, ông bố quay người đi được vài mét thì phát hiện còn dư một túi bò viên. Tuy nhiên, thay vì nhanh chóng quay lại trả tiền, ông bố lại ra vẻ hả hê nói với con trai: “Thế là bố lượm được món hời rồi.” Hơn nữa, ông bố còn bảo con đi nhanh một chút nếu không sẽ bị ông chủ phát hiện đuổi theo đòi tiền.
Người cha bảo con trai mình phải trung thực và giữ chữ tín, trong khi bản thân lại làm ngược lại. Hẳn là trong cuộc sống chúng ta vẫn thường gặp “các bậc cha mẹ tiêu chuẩn kép” kiểu này.
Quả thực, tiêu chuẩn kép rất phổ biến trong giáo dục gia đình, chỉ là các bậc cha mẹ chúng ta không sẵn lòng thừa nhận điều đó.
Ví dụ, cha mẹ dặn con phải đi ngủ sớm và chăm chỉ tập thể dục, nhưng thẻ tập gym của cha mẹ đã đăng ký ngót nghét cả năm rồi cũng chỉ mới đụng đến vài lần.
Một ví dụ khác là phụ huynh luôn yêu cầu con cái nghiêm túc trong giờ học, nhưng cha mẹ lại vẫn thích chơi điện thoại di động trong giờ làm.
Bạn nói xem, một đứa trẻ lớn lên trong một môi trường giáo dục như vậy thì cảm giác sẽ như thế nào? Hẳn là trẻ sẽ rất thất vọng!
Hơn nữa, cha mẹ “tiêu chuẩn kép” có thể nuôi lớn những đứa trẻ “tiêu chuẩn kép”, lời nói và hành động không có sự nhất quán.
Từ chối cách hành xử “tiêu chuẩn kép” để trẻ được lớn lên một cách lành mạnh
Điều này khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện ngụ ngôn về chú khỉ Măng-ki và chiếc đồng hồ.
Một ngày nọ Măng-ki nhặt được một chiếc đồng hồ giúp nó biết thời gian chính xác. Vì vậy mà Măng-ki có thể lên kế hoạch cho công việc và thời gian nghỉ ngơi của bầy khỉ. Lợi thế này khiến nó nghiễm nhiên trở thành vua khỉ.
Sau đó, Măng-ki tiếp tục nhặt được chiếc đồng hồ thứ 2 và thứ 3, nhưng chỉ số thời gian của mỗi chiếc đồng hồ khác nhau, do đó nó không thể nắm được thời gian chính xác, lịch trình của bầy khỉ bị hỗn loạn. Cuối cùng, vị trí vua khỉ cũng bị hủy bỏ.
Đây chính là “hiệu ứng đồng hồ”, một người đeo nhiều chiếc đồng hồ với thời gian khác nhau, người đó không thể biết được thời gian chính xác.
Khi tiêu chuẩn mà cha mẹ đặt ra cho con cái giống như hiệu ứng đồng hồ này thì lúc đó họ đã trở thành kiểu cha mẹ “tiêu chuẩn kép” và chuẩn mực cho các hành vi của con trẻ trở nên hỗn loạn.
Cô bạn học của tôi kể chuyện rằng bố mẹ cô ấy làm việc trong quân đội và mọi việc của cô đều do họ định đoạt. Một lần cô vội vội vàng vàng chạy vào nhà mà không kịp cởi giày, vừa mới cất lời chào mẹ xong thì ngay lập tức nhận ngay lời chỉ trích vì tội làm bẩn sàn nhà. Sau lời phê bình, mẹ cô từ trong bếp lên sân thượng tưới hoa. Xong xuôi các việc, bà đi xuống phòng khách với đôi dép từ trên sân thượng, đất từ chậu hoa và nước tưới trộn với nhau chấm đầy cả một khu vực phòng khách.
Tương tự như vậy đã không ít lần cảnh “tiêu chuẩn kép” này diễn ra, nhưng cô không dám phản bác mà chỉ biết ấm ức im lặng, cũng không muốn mở miệng nói chuyện với mẹ mấy ngày liền.
Thực tế cho thấy, “tiêu chuẩn kép” của cha mẹ có tác động rất lớn đến con cái, trẻ dễ sinh ra uỷ khuất, mất lòng tin vào cha mẹ, lâu dần sẽ nảy sinh tâm lý nổi loạn, thậm chí đối đầu quyết liệt với cha mẹ bằng những hành vi gay gắt, cực đoan.
Điều này cũng sẽ dẫn đến một vòng luẩn quẩn, trẻ học từ hành vi “tiêu chuẩn kép” của cha mẹ và trở thành những người “tiêu chuẩn kép” giống như cha mẹ họ, đến cuối cùng khó đạt được mục tiêu của mình. Đều này cũng khiến người khác không muốn giao lưu và chơi cùng trẻ.
Hơn nữa, “tiêu chuẩn kép” của cha mẹ cũng khiến việc dạy dỗ trẻ trở nên mất hiệu quả, mà lý do là vì họ chưa tạo được sự tin tưởng và tôn trọng từ con cái.
Trong giáo dục, các bậc cha mẹ cần ghi nhớ ý nghĩa của “hiệu ứng đồng hồ” và từ chối cách hành xử “tiêu chuẩn kép” đối với con cái để trẻ được lớn lên một cách lành mạnh.
Để từ chối “tiêu chuẩn kép”, cha mẹ nên làm gì?
Sự phát triển toàn diện của một người phụ thuộc vào sự đối xử của cha mẹ đối với họ lúc còn nhỏ và cách đứa trẻ học hỏi từ tấm gương của cha mẹ trong mối quan hệ với người khác cũng như đối với môi trường xã hội.
Vì vậy, để không trì hoãn sự phát triển của trẻ, cha mẹ nên học cách từ chối các “tiêu chuẩn kép”. Dưới đây là 3 gợi ý dành cho bạn:
1. Buông bỏ đặc quyền của vị thế cha mẹ.
Mỗi khi bố mẹ thực hiện những hành vi chuẩn mực kép thực chất là đang yêu cầu con với vị thế “ta là bố mẹ của con” và “ta sinh ra con” thì con phải nghe lời.
Nhà tâm lý học người Đức Helga Girtler từng nói với các bậc cha mẹ: “Nếu bạn từ bỏ đặc quyền và cảm giác ưu việt của mình, bạn càng có cơ hội được con cái tin tưởng và tôn trọng.”
Đừng nên nghĩ rằng con cái còn nhỏ thì có thể áp đặt ý muốn của chúng ta lên trẻ, dù sao trẻ cũng là con người, có suy nghĩ của riêng mình. Trẻ muốn cha mẹ là người bạn thân thiết của mình chứ không chỉ ở vị thế là người lớn, lại càng không muốn bị giáo huấn giáo những điều cứng nhắc.
Con người bất luận ở độ tuổi nào đều mong muốn được bình đẳng về suy nghĩ và cảm xúc trong các mối quan hệ. Nếu muốn giáo dục phát huy vai trò lớn nhất, cha mẹ đừng ngại buông xuống cái “tôi” đối với con trẻ, lấy tâm thái bình đẳng để giao tiếp, từ đó có được sự tin tưởng và tôn trọng của trẻ.
2. Muốn yêu cầu con làm gì, cha mẹ cần làm gương trước
Một video về cách giáo dục con của một người mẹ đã để lại ấn tượng sâu sắc cho tôi.
Tại khu vực truyền dịch của bệnh viện, có hai mẹ con nhà nọ được truyền dịch cùng lúc, người mẹ là giáo viên đang nghiêm túc sửa bài kiểm tra, còn cậu con trai đang cẩn thận làm bài tập.Trước khi yêu cầu con trai chăm chỉ học hành, bà mẹ dù đang ốm đau cũng không chậm trễ công việc của mình.
Dưới tấm gương của người mẹ, cậu con trai không hề bị ảnh hưởng trước cơn bạo bệnh, cậu vẫn cố gắng hoàn thành bài tập một cách nghiêm túc.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con trẻ, đồng thời cũng là người mà trẻ ngưỡng mộ nhất, vì vậy trong lòng con trẻ hình ảnh cha mẹ rất cao lớn, thậm chí cho rằng mọi hành động của cha mẹ đều đúng mực.
Mọi lời nói và hành động của cha mẹ đều được con trẻ quan sát và thu vào tầm mắt, vì vậy cha mẹ yêu cầu con cái làm gì, chúng ta trước tiên hãy làm tốt điều đó.
3. Thiết lập một tiêu chuẩn bình đẳng cho cả cha mẹ và con cái
Trong lớp học trực tuyến năm ngoái, giáo viên chủ nhiệm của cháu trai tôi hỏi các học sinh rằng những người trong nhà mỗi ngày dậy lúc mấy giờ. Ấn tượng sâu sắc nhất là một bạn trong lớp hằng ngày đều dậy lúc 6h30, sau khi ngủ dậy đều cùng bố đi chạy bộ.
Bạn cứ thử tưởng tượng, nếu bố mẹ ngủ đến 8, 9 giờ nhưng lại yêu cầu con đi chạy bộ lúc 6h30, liệu có khả thi?
Đối xử với “bản thân” và “con cái” với các tiêu chuẩn khác nhau sẽ khiến cha mẹ ngày càng mất uy tín. Hoặc con cái sẽ chỉ biết bắt chước hành vi của cha mẹ mà không tự hình thành cho mình một giá trị, chuẩn mực và hành vi trong cuộc sống.
Vì vậy, cha mẹ nên thiết lập cùng một tiêu chuẩn cho cả bản thân và con trẻ, không nên đặt nguyên tắc này cho con nhưng bản thân lại có nguyên tắc khác.
Đối xử bình đẳng và tôn trọng hơn để con trẻ lớn lên hạnh phúc
Cuối tuần trước, khi đi mua dâu tự hái ở vườn, tôi thấy một bà mẹ nhắc nhở con gái: “Dâu chưa rửa, chưa cân lên để trả tiền thì con đừng ăn nhé.”
Cô gái nhỏ thèm thuồng nhìn từng trái dâu vừa hái nằm gọn trong giỏ nhưng vẫn ngoan ngoãn nghe lời.
Tuy nhiên, ngay khi quay sang bên người bạn đi cùng, người mẹ liền cho một quả dâu đỏ mọng vào miệng và vui vẻ nói: “Ăn thử xem có ngọt hay không, nếu ngọt thì hái thêm mang về nhà.”
Người mẹ “trở quẻ” ngay trước mọi người khiến đứa con gái nhỏ hụt hẫng, cuối cùng khóc lóc ấm ức, làm cho buổi đi chơi lỡ dở.
Cha mẹ có thể là người dẫn đường, thắp lên ánh sáng soi đường cho con trẻ khi chúng đứng trước ngã ba của cuộc đời. Vì vậy, cha mẹ không thể liên tục đặt “tiêu chuẩn kép”, càng không thể luôn muốn làm chủ cuộc đời con cái.
Mỗi đứa trẻ là một thiên thần, một cá thể độc lập đến với thế giới này thông qua cha mẹ của mình, chỉ khi trẻ lớn lên trong sự giáo dục bình đẳng và tôn trọng của cha mẹ, trẻ mới có một cuộc đời tự chủ, an yên và hạnh phúc.
Cũng chỉ khi con trẻ được bạn hoàn toàn tôn trọng, trong tương lai, trẻ mới có thể đem lại sự tôn trọng này cho những người xung quanh, bao gồm cha mẹ của chúng.
Từ khóa Dạy con tiêu chuẩn kép hiệu ứng đồng hồ