Trẻ em Việt Nam có thực sự giảm áp lực học tập khi được học ở các trường tư?
- Minh Huyền
- •
Ở Việt Nam, nhiều vị phụ huynh vẫn bị ảnh hưởng bởi một nền giáo dục chuộng thành tích và không thể hoàn toàn bước ra khỏi tư duy cũ kỹ của mình, nhưng họ vẫn chọn trường tư với mong muốn các con được giảm áp lực học tập. Liệu lựa chọn đó có thực sự giúp con cái của họ giảm gánh nặng học hành hay không?
Trong chục năm trở lại đây ở Việt Nam, các trường phổ thông tư thục mọc lên như nấm với rất nhiều quảng cáo hấp dẫn: Các con được phát triển toàn diện, được phát huy năng lực cá nhân, được hưởng thụ cơ sở vật chất tối ưu, được học ngoại ngữ với giáo viên bản ngữ…, những điều này đã đánh vào tâm lý lo lắng của các ông bố bà mẹ đã từng được trải qua giai đoạn học đường đầy áp lực và chuộng thành tích. Và tất nhiên, việc cho con vào các trường tư giờ đây đã trở thành xu hướng. Nhưng liệu nó có giải thoát cho thế hệ các con khỏi những áp lực học đường không đáng có và bệnh thành tích hay không?
Cách đây 3 năm, chị Mi ở Hà Nội có con vào lớp 1. Khi chọn trường cho con, chị đã phải rất tỉnh táo viết ra những mong muốn về một môi trường học tập của con theo thứ tự ưu tiên là mức độ quan trọng đối với con. Và sau khi tổng kết lại, chị đã chọn được một trường tư cho con khi thấy triết lý giáo dục của nhà trường phù hợp với triết lý giáo dục của gia đình. Đó đúng là một môi trường đã giảm được rất nhiều áp lực học tập và thành tích lên các con. Các thầy cô quan tâm đến từng khả năng nhỏ của các con. Hiểu được tâm tư tình cảm và khả năng của mỗi con để luôn khích lệ kịp thời. Chị thực sự lấy làm hài lòng.
Chị Mi là một trong các phụ huynh có những quan điểm giống nhà trường về việc giáo dục con cái và phối hợp với nhà trường rất tốt. Nhưng không phải tất cả phụ huynh đều như thế.
Trong những cuộc nói chuyện, nhiều vị phụ huynh vẫn tập trung liệt kê các thành tích của con cái, hoặc tỏ ra chán nản khi con không đạt được thành tích như bạn bè trong các kỳ thi. Khi được hỏi vì sao anh/chị cho cháu vào học trường này thì họ đều trả lời giống nhau rằng: Để các con được phát triển toàn diện và không bị áp lực vì thành tích. Vâng, mặc dù hiểu bệnh thành tích là điều cần tránh và muốn con mình được phát triển toàn diện, nhưng các bậc phụ huynh lại sử dụng thành tích làm thước đo. Những bậc phụ huynh đó vẫn bị ảnh hưởng bởi một nền giáo dục chuộng thành tích và không thể hoàn toàn bước ra khỏi tư duy cũ kỹ của mình.
Mặc dù đã bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học rồi, các vị phụ huynh cũng đồng ý là muốn con mình không bị áp lực rồi, nhưng họ vẫn phải hỏi lại giáo viên rằng con họ đang ở tầm nào của lớp. Hoàn thành là tương đương bao nhiêu điểm và hoàn thành xuất sắc là bao nhiêu điểm? Thậm chí có phụ huynh còn rất bức xúc rằng hình như con tôi từ khi vào học trường này cháu học kém đi. Nhưng đó lại là một cháu bé rất có năng khiếu và tham gia nhiệt tình các hoạt động văn nghệ thể thao, giành được một số huy chương ở cuộc thi Piano. Các môn học cháu đều hoàn thành tốt. Cháu rất hạnh phúc khi được học ở trường vì được khích lệ phát huy các thế mạnh của mình, nhưng điều đó vẫn không làm hài lòng bố mẹ cháu khi cháu vắng bóng ở một số cuộc thi Toán hay tiếng Anh ở cấp thành phố như trước đây khi còn học trường công.
Hóa ra, có rất nhiều vị phụ huynh đã cho con vào trường tư theo phong trào. Bởi giờ đây câu chuyện giảm áp lực học tập chưa bao giờ nóng đến thế. Nhìn xung quanh, số lượng bố mẹ cho con vào trường tư cũng nhiều và cũng nhiều người tỏ ra chê bai trường công. Trong bối cảnh đấy, họ muốn cho con vào trường tư bằng mọi giá nhiều khi như là một sự chứng minh với mọi người rằng, tôi hiểu biết, hợp thời mà không tìm hiểu kỹ xem con mình cần gì? Môi trường giáo dục đấy có phù hợp với con mình hay không? Mình có thật sự có thể đồng hành với nhà trường trong giáo dục con cái hay không? Và cũng không tự hỏi bản thân mình có thể thay đổi để phù hợp với môi trường mình lựa chọn cho con không. Kết quả là khi con đã vào năm học, các vị phụ huynh lại bắt đầu có những bất đồng về quan điểm giáo dục với nhà trường.
Chị Lan Anh ở Hoàng Mai, Hà Nội cho con học trường công gần công ty của mình vì chị biết con sức khỏe không tốt. Chị chọn trường này vì khi con cần chị có thể có mặt nhanh nhất. Con chị học rất giỏi ở tất cả các môn học và được nhà trường chọn vào rất nhiều đội tuyển đi thi để lấy thành tích về cho trường, nhưng chị chỉ xin phép nhà trường cho con chỉ tham gia cuộc thi ở những cuộc thi mà con thực sự muốn tham gia.
Anh Ngọc ở Đống Đa, Hà Nội biết sở trường của con là thể thao, anh chọn một trường tư gần với trung tâm thể thao mà con anh hay tập luyện để tránh cho con phải di chuyển xa giữa hai nơi. Con của anh cũng không học thêm và cũng không vào lớp chọn. Cháu vẫn hoàn thành tốt các bài học ở trường một cách vui vẻ.
Chị Lan Anh và anh Ngọc là những người hiểu con mình cần gì, muốn gì và mình có thể hỗ trợ thế nào cho quá trình học tập và trưởng thành của con. Môi trường áp lực không quá ảnh hưởng đến con họ khi họ biết bảo vệ con khỏi những áp lực không đáng có.
Suy cho cùng, môi trường học với chương trình học phù hợp cũng chưa đủ để giải tỏa áp lực học tập và thành tích cho con trẻ nếu các vị phụ huynh với sự nửa vời của mình về tư duy và nhận thức vẫn tiếp tục đặt các áp lực lên chính con cái mình.
Minh Huyền
Xem thêm:
Từ khóa trẻ em Làm cha mẹ Học tập Giáo dục