Trước khi con người được chuyển sinh có trạng thái ra sao?
- Lâm Mộc
- •
Sau khi con người qua đời, từ lúc bước vào Minh giới (cõi âm) đến trước khi được chuyển sinh, họ sẽ trải qua sự phân định của Minh giới, trong đó thực ra có rất nhiều khác biệt.
Ngày xưa, có một người họ Nhiếp, Khi đi tảo mộ ở sâu trong núi Tây vào mùa đông giá lạnh lúc trở về. Do trời lạnh và ngày ngắn, nên lúc đó cả bầu trời âm u, thời gian đã rất muộn. Vì sợ trên núi có hổ hoành hành, nên ông nhanh chân bước đi, cố gắng nhanh chóng tiến về phía trước.
Đang vội vội vàng vàng trên đường, ông chợt nhìn thấy phía trước có một ngôi miếu đổ nát ở lưng chừng núi, liền ba bước nhập thành hai, gấp gáp chạy vào trong miếu. Lúc này trời đã hoàn toàn tối đen, ông nghe thấy ở góc tường có người nói với ông: “Đây không phải là nơi của người, thí chủ nên mau rời khỏi”. Ông tưởng đó là một nhà sư, vội hỏi: “Sư phụ, vì sao ngài lại ngồi ở nơi tối thế này?” Người kia trả lời: “Phật gia không nói dối, tôi thật sự là một hồn ma treo cổ, đang chờ người thay thế”.
Nghe vậy, Nhiếp Thị cảm thấy vô cùng sợ hãi, người run rẩy. Một lúc sau, khi lấy lại bình tĩnh, ông đáp: “Chết vì hổ chi bằng chết vì ma. Tôi sẽ ở lại qua đêm cùng sư phụ”. Hồn ma nói: “Không đi cũng được. Nhưng âm gian và dương gian là hai thế giới khác nhau, ngài không chịu nổi âm khí xâm nhập, còn tôi không chịu nổi dương khí thiêu đốt, cả hai đều bất an. Tốt hơn là mỗi người chiếm một góc, không đến gần nhau”.
Nhiếp Thị ngồi xuống đất, giữ một khoảng cách xa, rồi hỏi nguyên do vì sao hồn ma phải chờ người thay thế. Hồn ma đáp: “Thần Phật yêu quý sinh mệnh, không muốn con người tự hủy hoại sinh mệnh. Những người trung thần hy sinh vì nghĩa, hay liệt nữ giữ trọn tiết hạnh, tuy chết bất đắc kỳ tử nhưng không khác gì chết già, do đó không cần chờ thay thế.
Những người gặp hoàn cảnh khốn cùng, không còn đường sống, Thần Phật thương xót họ vì tình thế bắt buộc mà cũng cho phép họ chuyển sinh. Tuy nhiên, vẫn phải xem xét hành vi lúc sinh thời của họ, chiếu theo thiện ác mà báo ứng, cũng không cần chờ thay thế.
Nhưng nếu còn chút hy vọng sống mà không cố gắng, hoặc vì oán hận nhỏ mà không chịu đựng được, hoặc làm liên lụy người khác, hoặc phóng túng tà tâm mà treo cổ một cách tùy tiện, thì điều này vi phạm nghiêm trọng Thiên ý khi sinh ra vạn vật. Vì thế, những người này nhất định phải chờ có người thay thế mới được chuyển sinh, điều này như một hình phạt đối với hành vi của họ. Trong thời gian chờ đợi thay thế, họ bị giam cầm và mắc kẹt, có khi kéo dài đến cả trăm năm”.
Nhiếp Thị lại hỏi: “Không phải có người dẫn dụ người khác đến thay thế sao?” Hồn ma trả lời: “Tôi không đành lòng. Khi người treo cổ, nếu chết vì nghĩa khí thì linh hồn sẽ từ đỉnh đầu mà thăng lên, cái chết đến rất nhanh. Nếu chết vì oán hận hoặc ganh ghét, linh hồn sẽ từ tim mà giáng xuống, cái chết rất đau đớn và chậm chạp”.
“Trong những giây phút chưa tắt thở, máu sẽ chảy ngược lại trong các mạch, làn da như muốn nứt toác ra, đau đớn như bị dao cắt từng mảnh. Trong lồng ngực, bụng, ruột gan như bị lửa đốt, đau không chịu nổi. Phải trải qua hơn mười khắc, cơ thể và linh hồn mới tách rời. Nghĩ đến nỗi đau đớn đó, nếu tôi thấy ai chuẩn bị treo cổ, sẽ lập tức ngăn cản và khuyên họ từ bỏ ý định. Trong tình huống đó, ai còn muốn dẫn dụ người khác thay thế đây?”
Nghe xong, Nhiếp Thị nói: “Sư phụ giữ tâm như vậy, chắc chắn sẽ được thăng thiên”. Hồn ma đáp: “Điều đó tôi không dám mong cầu, chỉ nhất tâm niệm Phật, hy vọng được sám hối mà thôi”.
Một lát sau, trời sắp sáng, Nhiếp Thị hỏi tiếp nhưng không có tiếng trả lời. Nhìn kỹ, ông cũng không thấy gì nữa. Sau này, mỗi lần tảo mộ, Nhiếp Thị đều mang theo thức ăn và vàng mã để cúng tế hồn ma. Lúc ấy, thường có một cơn gió xoáy quẩn quanh. Một năm nọ, không còn thấy gió xoáy nữa, ông đoán rằng hồn ma đã nhờ một thiện niệm mà được giải thoát khỏi kiếp ma.
Lâm Mộc biên dịch
Theo Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa chuyển sinh trạng thái