Truyện dân gian Ấn Độ – Phần III: Không gì có thể khuất phục được ý chí kiên cường
- Ngọc Chi
- •
Qua nhiều thế hệ, kể chuyện là một trong những cách hiệu quả và hấp dẫn nhất để dạy trẻ em những thói quen tốt và các khái niệm đạo đức. Điều này đặc biệt đúng ở Ấn Độ, nơi những câu chuyện truyền thống đã được lưu truyền hàng nghìn năm để truyền đạt và bảo tồn các giá trị cho thế hệ trẻ.
Hai câu chuyện hôm nay cho chúng ta thấy sức mạnh của lòng quyết tâm và sống vì người khác có thể biến việc bất khả thi thành có thể. Câu chuyện đầu tiên nằm trong tuyển tập Chuyện kể Jataka – một tuyển tập truyện dân gian Ấn Độ minh họa những phẩm hạnh tốt đẹp của Phật Thích Ca Mâu Ni trong các kiếp trước của Ngài. Câu chuyện ngắn thứ hai được lấy từ Hitopadesha, một trong những cuốn sách tiếng Phạn được đọc nhiều nhất ở Ấn Độ chứa đựng những câu chuyện đầy màu sắc dành cho trẻ em với những bài học ý nghĩa.
Con đường cát
Ngày xửa ngày xưa, có một thương gia tài năng ở một ngôi làng xa xôi. Ước mơ của ông là đi đến thị trấn để bán những món đồ quý giá của mình và thu được nhiều lợi nhuận. Sau vài năm ấp ủ, cuối cùng ông đã quyết tâm thực hiện mơ ước của mình và chiêu mộ thêm một nhóm trai làng tài năng để cùng thực hiện mục đích. Trên hành trình, họ sẽ phải vượt qua một sa mạc rộng lớn.
Cả nhóm chuẩn bị đầy đủ nước, củi, gạo cho chuyến đi sống còn. Với những xe hàng chất đầy, họ khởi hành từ sớm tinh mơ, tin tưởng rằng sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ đảm bảo cho họ một chuyến hành trình an toàn và thành công.
Khi mặt trời mọc, cát sa mạc trở nên quá nóng để dẫm lên. Nhận thấy rằng việc di chuyển vào ban ngày là không thể, lữ đoàn đã thay đổi kế hoạch của họ. Họ sẽ ăn uống và nghỉ ngơi vào ban ngày và lên đường vào ban đêm, khi mặt trăng mang theo làn gió trong lành thổi mát bãi cát.
Những người đàn ông đốt lửa từ sáng sớm để nấu cơm. Họ trải một tấm bạt lớn lên những xe bò để nghỉ ngơi. Trước khi mặt trời lặn, họ lặp lại bữa ăn đơn giản và tiếp tục cuộc hành trình. Trong vài ngày, họ tiến lên theo cách này, theo chỉ dẫn của hoa tiêu – người có thể đọc các vì sao.
Một buổi sáng, người dẫn đường nói với đoàn người mệt mỏi rằng họ chỉ còn một đêm nữa là đến thành phố. Đêm đó, với sự tự tin về thành công của mình, người lái buôn bảo mọi người bỏ hết củi và nước đi, vì họ sẽ không phải qua đêm trong sa mạc nữa.
Sau khi cho đàn bò đi về hướng thành phố và chắc ăn rằng cuộc hành trình sẽ sớm kết thúc, người hoa tiêu cho phép mình ngủ qua đêm vì ánh nắng gay gắt ban ngày khiến anh ta không thể nghỉ ngơi được đầy đủ. Đoàn người tiếp tục đi, dồn hết sức lực trong nỗ lực cuối cùng.
Gần sáng, người hoa tiêu chợt tỉnh giấc và nhận thấy mình vẫn ở chỗ cũ của ngày hôm trước. Quá bối rối, anh yêu cầu cả đoàn dừng lại và nói: “Chắc hẳn lũ bò đã đi vòng lại khi tôi đang ngủ. Chúng ta vẫn còn cách thị trấn một đêm nữa.”
Họ không còn nước cho bò và không có củi để nấu cơm. Những người đàn ông im lặng và một số bắt đầu lo lắng rằng họ sẽ không thể sống sót ra khỏi sa mạc.
Người thương gia vô cùng lo lắng cho người của mình. Rốt cuộc, họ đã mạo hiểm mạng sống để giúp ông đạt được ước mơ, và bây giờ họ có thể sẽ không còn cơ hội để thực hiện ước mơ của chính họ. Quyết tâm cứu sống họ, ông bắt đầu tìm kiếm nước.
Đi bộ được một lúc, người lái buôn tìm được một ít cỏ và thầm nghĩ: “Ở đây có cây cỏ, ắt phải có nước bên dưới”. Ông yêu cầu người của mình mang thuổng và búa đến để đào đất.
Trải qua bao nỗ lực gian khổ, họ đã đào một cái hố rất sâu mà vẫn chỉ thấy đá rắn. Thất vọng, người lái buôn trèo xuống hố, ông áp tai vào tảng đá và nghe thấy tiếng nước chảy. Ông lập tức trèo ra khỏi hố với hy vọng mới, vì phá vỡ tảng đá là chìa khóa để họ sống sót.
Vị thương gia nói với người có năng lực nhất của mình: “Chúng ta không được bỏ cuộc. Chúng ta phải xuống và thử xem.” Nghĩ đến những người đồng đội của mình, chàng trai trẻ đã đập vào tảng đá không biết bao nhiêu lần cho đến khi nó vỡ ra. Nước chảy ra với tốc độ nhanh đến nỗi chàng trai gần như không thể trèo ra khỏi hố.
Dòng nước giúp làm dịu cơn khát của đoàn người và lũ bò. Họ lấy thêm mấy thanh gỗ từ xe bò để nhóm lửa nấu cơm. Với cơ thể được bổ sung năng lượng – và người hoa tiêu đã hoàn toàn tỉnh táo – họ tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Khi đến thị trấn, họ đã bán tất cả hàng hóa. Họ trở về làng, không chỉ có được của cải mà còn học được một bài học lớn về sự kiên trì.
Đàn khỉ và chiếc chuông
Nhiều năm trước, ở một ngôi làng nọ, có một tên trộm có sở thích đặc biệt với những đồ vật sáng bóng. Một hôm, khi đi ngang qua một ngôi đền, hắn nhìn thấy có một chiếc chuông sáng chói và đã đột nhập vào ngôi đền đêm đó để lấy trộm.
Sau khi lấy được chiếc chuông, hắn chạy một mạch vào rừng, mong rằng không ai nhìn thấy hắn. Mặc dù âm thanh của chiếc chuông phát ra khi chạy không đánh thức bất kỳ dân làng nào, nhưng nó đã thu hút sự chú ý của một con hổ đi ngang qua. Con thú lao vào tên trộm và lấy đi mạng sống của hắn, còn chiếc chuông bị rơi xuống đất nằm lăn lóc giữa rừng.
Một vài ngày sau đó, một đàn khỉ bắt gặp chiếc chuông sáng bóng và bị mê hoặc bởi âm thanh mà nó tạo ra nên đem về nơi sống. Đêm đó, chúng vui đùa với chiếc chuông trên đỉnh đồi.
Trong lúc đàn khỉ chơi đùa, âm thanh của chiếc chuông vọng ra đủ lớn để đến được ngôi làng khiến dân làng cảm thấy hoang mang sợ hãi. Đến khi xác của tên trộm được tìm thấy, dân làng kết luận rằng có một con quỷ đã tấn công dân làng và rung chuông mỗi khi nó phạm tội.
Hoảng sợ, nhiều người bắt đầu rời khỏi làng. Nhưng có một người phụ nữ dũng cảm, tình yêu ngôi làng của cô còn mạnh mẽ hơn cả nỗi sợ hãi về con quỷ mơ hồ kia. Cô rất buồn khi thấy mọi người rời đi nên đã quyết tâm tìm ra lời giải.
Một đêm nọ, cô vào rừng để khám phá nguồn gốc tiếng chuông bí ẩn. Chẳng bao lâu sau cô phát hiện ra lũ khỉ, cô chuẩn bị lên kế hoạch để lấy chiếc chuông khỏi tay chúng. Cô đến thăm trưởng làng và đề nghị ông cung cấp tài chính để lấy lại sự bình yên cho ngôi làng. Trưởng làng, người đang khiếp sợ con quỷ, đã chấp nhận không chút do dự.
Người phụ nữ đã mua các loại hạt và trái cây xếp thành một số vòng tròn trên mặt đất để dâng lên các vị Thần. Cô cầu nguyện sự trợ giúp của Thần trong việc giúp dân làng lấy lại sự yên bình. Vững tin, cô lên đường vào rừng.
Khi trời tối, cô đặt phần thức ăn còn lại dưới gốc cây gần ngọn đồi. Không mất nhiều thời gian để những con khỉ đói ngửi thấy mùi thức ăn và chạy đến để đánh chén. Trong lúc tham lam vội vàng, chúng đã đánh rơi chiếc chuông đúng như mong muốn của người phụ nữ. Cô lặng lẽ nhặt nó lên và chạy về làng.
Người phụ nữ dâng chiếc chuông cho trưởng làng, đảm bảo với ông rằng ngôi làng sẽ không còn bị xáo trộn sau khi mặt trời lặn nữa. Từ đó về sau, sự yên tĩnh đã trở về với ngôi làng, những người bỏ làng đi cũng quay về.
Người phụ nữ dũng cảm không tìm kiếm danh tiếng hay tiền bạc, cô chỉ hành động vì tình yêu và sự gắn bó với ngôi làng. Dân làng rất biết ơn cô và câu chuyện về cô đã được lưu truyền lại để dạy cho thế hệ trẻ sức mạnh của tình yêu thương và sự dũng cảm.
Từ khóa Ấn Độ Ý chí kiên cường truyện dân gian sống vì người khác