Tuổi trung niên 40 mới hiểu: Hóa ra không trả lời chính là câu trả lời
- Lê Minh
- •
Một người lúc còn trẻ, dẫu trong đối nhân xử thế hay về tâm trí đều chưa đủ trưởng thành hoặc nhạy bén. Rất nhiều việc, thường thì mãi sau này chúng ta mới có thể cảm nhận được. Một người đến khi 40 tuổi, thì hầu như đã bước vào hàng ngũ tuổi trung niên. Lúc này tâm trí chúng ta dường như đột nhiên được khai mở, trong đối nhân xử thế cũng đột nhiên thấu tỏ. Chúng ta sẽ minh bạch ra rằng, hóa ra có những sự im lặng chính là câu trả lời, không trả lời thực ra chính là lời đáp.
Kiểu thứ nhất: Khi yêu cầu đãi ngộ không trả lời
Hồi trẻ chúng ta thường vô cùng nhiệt huyết, vì công việc mà nỗ lực, tăng ca không tiếc sức mình. Chúng ta thường cho rằng “làm sao thì hưởng vậy”, phó xuất luôn có sự báo đáp. Khi công ty tăng lương, hoặc có những cơ hội thăng tiến mới, chúng ta thường cho rằng, người nỗ lực nhất là mình chắc chắn sẽ được để mắt tới. Nhưng thường thì chúng ta chờ đợi rất lâu nhưng vẫn không hề nhận được bất kỳ phản hồi nào.
Chúng ta dũng cảm tới hỏi cấp trên của mình. Ban đầu chúng ta thường sẽ nhận được những lời khẳng định và khen ngợi của cấp trên như: “Chàng trai, hãy làm việc chăm chỉ, cậu nhất định làm tốt, cố lên!”
Đến khi chúng ta hỏi xem liệu mình có được tăng lương không hay có cơ hội phát triển bản thân không, họ thông thường sẽ gật đầu, mỉm cười bảo chúng ta ra ngoài.
Chúng ta về nhà, háo hức chờ đợi tin tốt lành. Nhưng thường thì chờ đợi rất lâu, chúng ta cũng không thấy có tin tức gì. Phải nhiều năm sau, mãi khi tới tuổi trung niên, chúng ta mới minh bạch rằng: Một người muốn có lương cao, không chỉ cần nỗ lực, kỳ thực còn phải có thâm niên. Năm xưa cấp trên không trả lời đã chính là một câu trả lời. Hóa ra họ đã dùng nụ cười nhắc nhở chúng ta: Hiện giờ chưa tới lượt các bạn, hãy tiếp tục nỗ lực.
Kiểu thứ 2: Khi khó khăn cầu xin giúp đỡ không trả lời
Trong cuộc sống sẽ khó tránh khỏi những khi chẳng thuận buồm xuôi gió. Đôi khi chúng ta vì một hoàn cảnh nào đó mà rơi vào bước đường cùng, cuộc sống lâm vào ngõ cụt. Lúc này chúng ta cần nhất là có người hào hiệp đứng ra giúp đỡ.
Thế là chúng ta viết ra vài cái tên. Những người này đa phần là bạn bè, họ hàng, đôi khi là những người bạn nhậu thân thiết chỉ “hận” là không thể “kết nghĩa vườn Đào”.
Tiếp theo chúng ta sẽ lần lượt tìm tới họ cầu xin sự giúp đỡ.
Có người sẽ vỗ vào vai chúng ta nói: “Được, để tôi nghĩ cách.” Có người vỗ ngực nói: “Không hề gì, tôi lập tức về nhà mang tiền tới cho cậu.” Có người cười ha hả gật đầu nói: “Xin lỗi, tôi có chút việc, đợi chút tôi sẽ trả lời bạn!”
Chúng ta về nhà lặng lẽ chờ đợi, nhưng thường thì đợi rất lâu, cũng không nhận được câu trả lời của họ. Thế là chúng ta nhắn tin, đầu bên kia thường không có phản hồi gì.
Nhưng chúng ta vẫn chờ đợi đầy tin tưởng, cứ ngỡ rằng mỗi người đều có khó khăn của riêng mình, đợi có cơ hội, họ nhất định sẽ giúp chúng ta vượt quan. Nhưng nhiều năm sau, có khi đến tuổi trung niên, chúng ta mới minh bạch rằng: Mọi người không thể giúp đỡ chúng ta cũng là điều bình thường. Kỳ thực khi đó không trả lời tin nhắn cũng chính là câu trả lời dành cho chúng ta: “Xin lỗi, lần này tôi không thể giúp cậu được.”
Kiểu thứ 3: Sự im lặng giữa những người yêu nhau
Hai người đến với nhau là duyên phận đáng trân quý. Nhưng không phải tất cả cuộc tình đều cho trái ngọt. Đôi khi hai người vì mâu thuẫn gì đó giận dỗi không thèm nhìn mặt nhau. Khi một phía mất đi niềm tin và sự tín nhiệm với nửa còn lại, những lời đối thoại, tin nhắn thường rất tinh tế. Khi một người vẫn muốn vớt vát tình cảm, thường sẽ chủ động nhắn tin cho đối phương.
Nhưng thường thì phía chủ động dẫu hạ thấp mình, nhắn tin khẩn cầu đối phương, nhưng vẫn không nhận được hồi âm thêm bất cứ một lần nào nữa. Khi còn trẻ, chúng ta sẽ nghĩ rằng, chắc là họ chưa nguôi giận, hoặc đã thay số điện thoại…
Sau khi đến tuổi trung niên, chúng ta mới dần dần minh bạch được rằng, sự im lặng giữa hai người kỳ thực khoảng cách của đôi bên đã rất dài. Họ không trả lời thực ra đã là câu trả lời rõ ràng cho chúng ta: “Tạm biệt, chúng ta sẽ không bao giờ có thể trở lại như xưa.”
Con người là vậy, mỗi người đều gặp những cảnh ngộ khác nhau, nhiều khi vô vọng, không lối thoát. Nếu chúng ta thực sự hiểu được ý nghĩa của sự im lặng, kịp thời minh bạch tâm tư của đối phương, chúng ta sẽ sớm tìm được cách giải quyết. Sự im lặng chỉ là một lời nhắc nhở, một sự cảnh cáo trên con đường nhân sinh của chúng ta mà thôi.
Lê Minh
Từ khóa kinh nghiệm sống Tuổi trung niên nghệ thuật ứng xử