“Ung thư là món quà của Thượng Đế”
- Ngọc Trúc
- •
Đối với mọi người, căn bệnh ung thư là một nỗi kinh hoàng, nhưng đối với một bà mẹ Mỹ dưới đây thì ung thư lại là “món quà của Thượng Đế”.
Một người mẹ có tên là Karen Newman ở Mỹ đã ghi trong quyển sách mới xuất bản Just Three Words của mình rằng: Là một chuyên gia dinh dưỡng và vận động viên ba môn phối hợp 54 tuổi, cô bị mắc chứng rối loạn ăn uống, sau đó cuộc sống lại đùa giỡn với cô khi cô bị ung thư vú giai đoạn ba. Đối mặt với căn bệnh ung thư, cô không hề oán thán, mà vừa hóa trị vừa tham gia thi đấu ba môn phối hợp. Cô có một nghị lực mà người bình thường không có được, cô đã cảm ơn căn bệnh ung thư, bởi vì ung thư đã gián tiếp cứu mạng cô.
Cô Karen nói với phóng viên rằng: “Ung thư là món quà của Thượng Đế”. Nghe thì có vẻ rất ‘điên rồ’, nhưng đó lại là sự thật, bởi vì căn bệnh ung thư đã dạy cho cô trưởng thành và nhìn rõ chính bản thân mình.
Rốt cuộc thì chuyện gì đã xảy ra với cô? Cùng lắng nghe cô chia sẻ:
Vào năm 46 tuổi, tôi được chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn ba, bác sỹ cho biết, nếu vẫn không thay đổi thói quen và tình trạng sống thì chỉ còn 10% hoặc ít hơn khả năng sống sót. Là một chuyên gia dinh dưỡng và vận động viên, có một bí mật khiến tôi khó mà mở lời. Tôi từng sống một cuộc sống ‘tự thôi miên mình’, bởi vì thói quen nôn mửa khiến dịch vị cứ trào lên cổ họng, tôi vừa phải chịu đựng sự khó chịu vừa không thể ngừng nôn. Chứng rối loạn ăn uống này bắt đầu từ năm thứ hai đại học, khi đó các cô gái trẻ luôn bối rối giữa dáng người đẹp và đồ ăn ngon. Bạn bè nói rằng tôi có một cách có thể ăn bất cứ món ngon nào cũng sẽ không mập, chính là nôn sau khi ăn. Sau khi sử dụng cách này, tôi bắt đầu ăn uống thả cửa những món ăn nhiều calo như bánh waffle, kem, gà chiên… Dần dần mỗi khi ăn xong, trong đầu sẽ luôn có một âm thanh “xấu xa” nói với tôi rằng: “Sao lại ăn nhiều như thế? Tệ quá, mập quá.” Âm thanh này như ra lệnh buộc tôi phải nôn ra. “Cơ thể thon thả” khi đó cũng trở thành một “cái cớ hợp lý” cho chứng rối loạn ăn uống. Sau đó trong thời gian mang thai, tôi ngừng nôn, khi ấy tôi đã ý thức được rằng phải có trách nhiệm với sức khỏe của mình, không được tiếp tục sống tự lừa mình dối người nữa. Nhưng sau khi sinh ba đứa con, áp lực cuộc sống và việc tăng cân sau sinh khiến tôi lại bắt đầu nôn, nó bắt đầu khiến tôi nghiện. Ban ngày, tôi là chuyên gia dinh dưỡng và vận động viên ba môn phối hợp duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, nhưng đêm đến sau khi các con đã ngủ, tôi sẽ chạy đến nhà bếp ăn uống thả cửa, sau đó lại nôn ra. Cho đến sau này, thậm chí không dùng đến ngón tay mà tôi đã có thể nôn ra được. Khi đó thậm chí tôi còn nghe thấy giọng nói “xấu xa” trong đầu rằng: “Cô là một người mẹ tồi, cô mập như thế, cô không xứng đáng làm vận động viên và chuyên gia dinh dưỡng.” Khi được chẩn đoán bị ung thư, cân nặng của tôi là 48 kg (chiều cao 1m70). Lúc bác sỹ cho biết làm hóa trị có thể sẽ khiến tôi buồn nôn, kẻ bệnh hoạn như tôi lại rất kỳ vọng vào hóa trị, bởi vì việc buồn nôn và nôn có thể duy trì vóc dáng của tôi. Rồi tới khi bác sỹ nói rằng tôi buộc phải chữa chứng rối loạn ăn uống, bản năng của tôi đã tỉnh ngộ ra, tôi biết rõ mình phải cố ngừng nôn, tôi cần phải chữa khỏi chứng rối loạn ăn uống. Bởi vì tôi muốn nhìn thấy các con của mình lớn lên khỏe mạnh, kết hôn và sinh con. Trong thời gian làm hóa trị, tôi ép mình ăn thức ăn dinh dưỡng, cố nhịn cảm giác buồn nôn. Không ngừng nói với mình rằng: Mình phải sống tiếp! Mình phải sống tiếp!! Ung thư giống như một liều thuốc mạnh thức tỉnh con người ‘tự lừa mình dối người’ của tôi. Trong quá trình chữa trị, tôi nói với bản thân rằng phải tiếp tục tham gia thi Iron man thế giới, khi được chẩn đoán, tôi đã đăng kí một chỗ trong cuộc thi Iron man thế giới rồi, tôi muốn chứng minh cho các con rằng mẹ của chúng vẫn rất kiên cường, vẫn có thể tiếp tục thi đấu. Thế là tôi đã hỏi thăm ba bác sỹ, họ cho biết thường thì bệnh nhân ung thư cần phải đeo khẩu trang nhằm tránh nhiễm virus từ người khác, nhưng trong cuộc thi lại không được đeo khẩu trang cách li, vì thế bác sỹ tỏ ra rất lo lắng. May là một trong các bác sỹ cho hay nếu tôi có thể duy trì một lượng tế bào bạch huyết nhất định thì có thể tham gia thi đấu. Mỗi thứ Tư tôi đều đến bệnh viện để tiếp nhận hóa trị, thường thì sau 36 giờ đồng hồ sẽ bắt đầu không ngừng buồn nôn, khoảng thời gian này, tôi không thể luyện tập được, tôi sẽ cầu nguyện Thượng Đế để những tác dụng phụ này mau dừng lại. Sau đó tôi sẽ bắt đầu tập trung luyện tập vào Chủ Nhật, ví dụ như đạp xe, bơi lội, chạy bộ. Rồi vào thứ Tư lại đi làm hóa trị. Không biết liệu có phải do tác dụng tâm lí hay không, tôi cảm thấy vận động có tác dụng giảm đau đớn do hóa trị. Tôi đã sống một cuộc sống tuần tự như thế. 4 tháng sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh, tôi đã hoàn thành cuộc thi Iron man cùng lúc với quá trình hóa trị, trải nghiệm lần này cũng đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của tôi về giải quán quân. Cho đến năm 2013, tôi đã khỏi bệnh sau khi phẫu thuật cắt bỏ ngực và xạ trị. Chứng rối loạn ăn uống cũng đã biến mất, tuy đôi khi âm thanh “xấu xa” vẫn vang lên trong đầu, nhưng tôi đã có thể mặc kệ nó rồi. Nghĩ lại thì tôi rất biết ơn trải nghiệm lần này, tôi không thể tin được mình đã kiên trì và chiến thắng được nó. |
Ngọc Trúc
Xem thêm: