20 năm trước, Steve Jobs đã đáp trả xuất sắc một lời công kích ngay trên sân khấu (video)
Năm 1997, Steve Jobs đang trả lời câu hỏi của các lập trình viên thì một người trong khán giả đã lớn tiếng công kích ông. Điều xảy ra tiếp theo rất đáng lưu ý.
Chúng ta sống trong một thế giới nơi các lời công kích, chỉ trích, thậm chí sỉ nhục có thể trở thành vũ khí, gây tổn hại lớn đến uy tín, danh dự của bạn nếu không được xử lý đúng cách. Tất nhiên chúng ta không loại bỏ hoàn toàn các phản hồi góp ý, nhưng những lời sỉ nhục có tính chất gây tổn thương hơn là xây dựng.
>> Bậc trí giả làm gì khi bị người khác nhục mạ?
Được biết đến là một người có phong cách lãnh đạo lạnh lùng và lý trí, nhà đồng sáng lập Apple đã đáp trả lời công kích một cách xuất sắc:
Năm 1997, Steve Jobs mới vừa trở lại Apple, công ty đã “đá” ông ra một thập niên trước đó. Ông đang trả lời câu hỏi tại Hội nghị Lập trình viên Thế giới của Apple thì một khán giả đã đưa ông vào thế khó:
“Ông Jobs, ông là một người xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng,” người đàn ông nói.
“Bắt đầu rồi đấy,” Jobs đùa, ông và cả khán giả đều cười.
Và sau đó là lời chỉ trích thẳng thừng:
“Rõ ràng là trong nhiều chuyện ông chẳng biết ông đang nói gì. Chẳng hạn tôi muốn ông trình bày một cách chính xác java và các biểu hiện của nó được thể hiện trong ý tưởng của OpenDoc như thế nào? Và sau khi trả lời xong, ông có thể nói cho chúng tôi biết bản thân ông đã làm gì trong 7 năm qua?”
Đối với đa số chúng ta, một lời công kích như vậy trước đám đông có thể gây ra sự bối rối. Nhưng câu trả lời của Jobs đã thể hiện rất tuyệt vời điều nên làm trong tình huống này:
Dừng lại một chút
Jobs dừng lại, ngồi trong im lặng… và suy nghĩ.
Trong khoảng 10 giây đó, khán giả chăm chú theo dõi diễn biến, còn ông thì uống một ngụm nước và nghĩ về cả lời chỉ trích và câu hỏi.
“Bạn biết đấy, bạn có thể làm hài lòng một số người, ở một số thời điểm, nhưng…”
Lại một sự im lặng nữa, lần này là khoảng 8 giây.
Dừng lại và suy nghĩ có lẽ là điều khó nhất, nhưng nó giúp bạn kiểm soát lại cảm xúc và tư duy trước khi nói, và tránh được vô số hối hận về sau này.
Đồng ý với người công kích
“Một trong những điều khó nhất khi muốn thay đổi là, những người như ông đây, nói đúng … trong một số lĩnh vực,” Jobs bắt đầu vào guồng.
Trong nhiều năm, các chuyên gia tâm lý học và giao tiếp đã luôn cho rằng cách tốt nhất để thuyết phục không phải là phản bác, mà phải bắt đầu từ điểm chung, nơi cả 2 phe có thể đồng ý.
Điều quan trọng ở đây là, Jobs thực sự đang nhìn vấn đề từ góc độ của người đang bất bình kia, và hiểu lý do anh ta công kích mình. Bằng cách đồng ý rằng mình không hiểu hết những tính năng của OpenDoc, và người đàn ông kia đã đúng (từ góc độ của anh ta – một nhân viên), Jobs đã làm xẹp đi cơn giận và đối đầu, để có thể giải thích rõ lý do của bản thân ông – góc nhìn của một CEO.
Tái xác lập mục tiêu chung
Jobs nói về bức tranh lớn, nơi mà ông đang hướng Apple đi tới:
“Việc khó nhất là làm sao để nó phù hợp với một tầm nhìn nhất quán, lớn hơn, mà cho phép bạn bán được 8 tỷ, 10 tỷ đô sản phẩm một năm.
Và một điều tôi luôn nhìn thấy là bạn phải bắt đầu với trải nghiệm khách hàng rồi mới làm việc ngược trở lại công nghệ. Bạn không thể bắt đầu với công nghệ rồi mới tìm cách bán sản phẩm này ở đâu.”
Sau này, lịch sử ngành công nghệ đã nhiều lần cho thấy cách làm có phần khó nhọc này của Steve Jobs là đúng đắn.
Có lý do đáng tin cậy
“Tôi có lẽ mắc sai lầm này nhiều hơn bất cứ ai ở trong phòng này. Tôi còn nguyên vết thương để chứng minh, và tôi biết điều đó là đúng.”
Để lý giải sâu hơn, Jobs chia sẻ rằng trước đây mình đã từng nhiều lần làm theo cách khác, và đã thất bại. Con đường ông đang dẫn dắt Apple không phải đến từ quyết định qua loa, mà đã được kiểm nghiệm qua nhiều lần “thử và sai” trong quá khứ. Ông kêu gọi mọi người hãy tin tưởng vào kinh nghiệm này.
Ca ngợi nhân viên
“… đang có rất nhiều người làm việc vô cùng chăm chỉ tại Apple.” Jobs kể ra một vài cái tên, trước khi khen ngợi cả nhóm, “còn hàng trăm người dưới quyền họ.”
“Họ đang cố hết sức,” ông nói.
Bằng những lời này, Jobs không nhận công lao về mình, mà thể hiện thái độ trân trọng và xác nhận công sức của nhân viên. Vì vậy, thái độ nhún nhường này khuyến khích những người khác gia nhập theo ông.
>> Thói quen mà Steve Jobs thường sử dụng để kích thích sáng tạo: Đi bộ
Kết thúc mạnh mẽ
Những lời kết thúc cũng phản ánh kinh nghiệm dày dạn của Jobs trong công việc, rằng ngay cả đi trên một định hướng đúng thì vẫn sẽ có vấn đề xảy ra:
“Sẽ có sai lầm xảy ra trong quá trình làm việc. Điều đó là tốt, bởi vì ít nhất có quyết định nào đó được đưa ra. Khi chúng tôi nhìn thấy sai lầm, chúng tôi sẽ sửa đổi nó.”
Rồi ông dùng chính những lời của người công kích để kết lại:
“Sẽ có sai lầm, sẽ có người tức giận, sẽ có người không biết anh ta đang nói gì, nhưng tôi nghĩ rằng mọi việc đang tốt hơn nhiều so với thời điểm không lâu trước kia.
Và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ làm được.”
Bạn nên bắt đầu từ đâu?
Một lưu ý nhỏ ở đây, tuy bài viết phân tích những “chiêu” mà Steve Jobs đã dùng để chúng ta có thể nhìn rõ hơn về cuộc đối thoại, nhưng vấn đề thực sự lại không phải là “chiêu thức” – điều mà các lớp học kĩ năng mềm hay kĩ năng lãnh đạo dễ bị sa vào.
Năm 1997 khi trở về Apple, Steve Jobs đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong giới công nghệ, đã trải qua thất bại, đau khổ và tự hỏi về mục đích của bản thân, để rồi dựng lập hãng làm phim Pixel, trở thành tỷ phú và quay về gây dựng lại Apple. Chừng đó năm đã vun đúc nên sự sâu sắc và bản lĩnh để ông có thể trầm tĩnh đối đáp và ứng khẩu ra cả “bài diễn văn” như chúng ta được thấy ở trên.
Tuy nhiên, bạn cũng không nhất thiết phải trả những cái giá mà Jobs đã trả để có được khả năng đối đáp tốt. Cần nhất là chúng ta có cách tư duy rõ ràng, và hiểu lý do đằng sau mỗi quyết định của mình. Nếu bạn muốn xây dựng một doanh nghiệp lớn, hãy bắt đầu đặt câu hỏi “vì sao” ngay từ hôm nay.
Theo Inc.com,
Phong Trần tổng hợp
Xem thêm:
Từ khóa lãnh đạo Công ty Apple thuyết trình Sỉ nhục Steve Jobs nghệ thuật giao tiếp