Ngày 29/7 (giờ địa phương), lần đầu tiên các ông lớn công nghệ gồm Amazon, Facebook, Google, Apple sẽ tham gia phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ bởi những cáo buộc có liên quan đến độc quyền.

4 ông lớn công nghệ Mỹ ra điều trần
Logo của 4 ông lớn công nghệ Mỹ. (Ảnh: Psu.edu)

Cụ thể, CEO của 4 ông lớn công nghệ lớn nhất thế giới hiện nay là Jeff Bezos (Amazon), Mark Zuckerberg (Facebook), Sundar Pichai (Google/Alphabet), Tim Cook (Apple) sẽ phải tham dự phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ do cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền. Buổi điều trần này đáng lẽ sẽ diễn ra vào ngày 27/7, nhưng đã phải rời sang ngày 29/7. Nguyên nhân là do sự ra đi đột ngột của Nghị sĩ John Lewis, nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng tại Mỹ sau nhiều tháng chiến đấu với bệnh ung thư tuyến giáp.

Theo đó, 4 vị CEO nêu trên sẽ phải biện hộ về những hành vi bị cáo buộc là độc quyền. Các quan chức Mỹ tỏ ra lo ngại trước sự thống trị của các “gã khổng lồ” công nghệ trên thị trường. “Từ tháng 6/2019, chúng tôi bắt đầu điều tra sự thống trị của một số ít các nền tảng kỹ thuật số cũng như thu thập đầy đủ cáo buộc liên quan tới độc quyền,” Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerrold Nadler và Trưởng tiểu ban chống độc quyền David Cicilline cho biết. “Lời khai của các CEO là điều cần thiết để chúng tôi hoàn thành cuộc điều tra này.” Mặc dù chỉ là phiên điều trần, nhưng kết quả của nó có thể dẫn đến việc ban hành các quy định mới về lập pháp nhằm cải cách, điều tiết thị trường kỹ thuật số và chống tình trạng độc quyền trong lĩnh vực công nghệ.

>> Nghị viện Mỹ sẽ tổ chức điều trần về Libra

Cuộc chất vấn sẽ tập trung vào nghi vấn lạm quyền của Amazon với đối tác bán hàng bên thứ ba, những vụ mua bán sáp nhập của Facebook, sự kiểm soát của Google trên thị trường quảng cáo và chính sách “hút máu” các đối tác phát triển ứng dụng của Apple. Để hình dung về quy mô và tác động của phiên điều trần, tổng giá trị của “bộ tứ quyền lực” lên đến 5,5 nghìn tỷ USD. Tất cả đều đứng trong top đầu danh sách công ty công nghệ trên thế giới. Trong khi đó, tài sản cá nhân của 4 CEO là khoảng 240 tỷ USD.

Amazon

Jeff Bezos 4 ông lớn công nghệ Mỹ ra điều trần
Ông Jeff Bezos, CEO của Amazon. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Amazon là một trong những nền tảng trực tuyến lớn dành cho thương nhân và họ cũng bán các sản phẩm của mình trên nền tảng đó. Theo tờ New York Times, các nhân viên của Amazon đã bị cáo buộc sử dụng dữ liệu về những người bán hàng trên nền tảng của công ty, sau đó phát triển các sản phẩm cạnh tranh. Thêm vào đó, CEO David Barnett của PopSockets, công ty phụ kiện điện tử, đã tố cáo Amazon làm ngơ trước tình trạng hàng giả ngập tràn và nhiều lần bị Amazon đe dọa phải giảm giá bán.

Facebook

mark zuckerberg facebook nhan mat
Ông Mark Zuckerberg, CEO của Facebook. (Ảnh: Shutterstock)

Facebook có thói quen mua lại các đối thủ cạnh tranh. Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đang thực hiện cuộc điều tra về việc Facebook đã mua hơn 80 công ty trong 15 năm, bao gồm Instagram, WhatsApp.

Khi “nuốt chửng” các nền tảng mạng xã hội nhỏ hơn, Facebook đã bảo đảm ưu thế ngay cả những người dùng đó không muốn sử dụng Facebook. Cụ thể, người tiêu dùng đang đối mặt với quá ít sự lựa chọn, hoặc sử dụng Facebook và tuân thủ chất lượng cũng như quy định của sản phẩm mà Facebook đề ra hoặc từ bỏ việc dùng mạng xã hội duy nhất được sử dụng bởi hầu hết bạn bè, gia đình và người quen của họ.

Ngoài ra, Facebook cũng là một sự hiện diện thống trị trong quảng cáo. Hãng này và Google cùng nhau kiểm soát phần lớn thị trường quảng cáo trực tuyến và sự độc quyền đó có thể “bóp chết” sức cạnh tranh.

Google

sundar pichai
CEO của Google, ông Sundar Pichai. (Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images)

Google có cửa hàng ứng dụng riêng, nơi có mặt người dùng và bên tạo ra các ứng dụng. Nhân viên của Google giám sát dữ liệu về việc sử dụng các ứng dụng của bên thứ ba trên thiết bị Google, sau đó sử dụng dữ liệu đó để tạo ra đối thủ cạnh tranh nhưng thuộc sở hữu của Google.

Ngoài ra, hãng này cũng là một chuyên gia quảng cáo, cùng với Facebook, thâu tóm hầu hết các miếng bánh trong ngành quảng cáo. Bên cạnh đó, theo CEO Patrick Spence của Sonos, công ty chuyên về thiết bị điện tử tiêu dùng, Google đã cố cản trở họ thực hiện các dự án mới, cũng như tìm cách có được những dự án sản phẩm tương lai của mình. Thậm chí, Sonos còn kiện Google đã ăn cắp công nghệ loa không dây của họ.

Apple

Tim Cook
Ông Tim Cook, CEO của Apple. (Ảnh: Shutterstock)

Vấn đề lớn với Apple là cửa hàng ứng dụng App Store. Đối với các nhà phát triển ứng dụng muốn tiếp cận người dùng iOS, App Store là “cánh cửa” và Apple tính phí vào cửa là 30% doanh thu. Trên hết, Apple phát hành các ứng dụng riêng cạnh tranh với người bán độc lập trên thị trường của mình. Ví dụ, Spotify đã bị tính mức phí 30% từ Apple và buộc Spotify phải tăng giá ứng dụng của mình hơn Apple Music. Apple được bán được sản phẩm từ Apple Music nhưng đồng thời cũng thu phí từ đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Spotify.

>> Google, Facebook bị điều tra chống độc quyền tại nhiều bang ở Mỹ

Tóm lại, với sự tồn tại của những “siêu cường” kể trên, các công ty vừa và nhỏ gần như không còn lựa chọn nào khác. Quá trình để đưa 4 vị CEO đến trước hội đồng điều trần không hề đơn giản. Đầu tháng 5/2020, ông Cicilline phải dọa gửi trát hầu tòa nếu ông Bezos từ chối. Nhờ vậy mà 1 tháng sau CEO Amazon đã xác nhận tham dự, qua đó đánh dấu lần đầu tiên ông chịu ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Phan Anh (tổng hợp)