Báo cáo của WHO đổ lỗi cho động vật thay vì PTN Vũ Hán làm bùng phát COVID-19
- Phan Anh
- •
Một báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng COVID-19 có khả năng lây lan sang người qua động vật, nhưng người đứng đầu WHO cho biết báo cáo nghiên cứu về nguồn gốc của virus này đã không phân tích một cách đầy đủ các giả thuyết khác.
“Theo WHO, vẫn còn nhiều điều cần phải bàn luận liên quan đến các giả thuyết [về nguồn gốc COVID-19],” Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một tuyên bố hôm 30/3 sau khi báo cáo được công bố. “Báo cáo này là một khởi đầu rất quan trọng, nhưng nó chưa kết thúc. Chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguồn gốc của virus, và chúng tôi phải tiếp tục tuân theo khoa học và làm mọi điều có thể như chúng tôi đã làm.”
Theo phát hiện từ nhóm của WHO, một kịch bản trong đó một vật chủ động vật chẳng hạn như động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong trang trại “rất có thể” là nguồn lây lan virus sang người. Tuy nhiên, con vật đó vẫn chưa được xác định.
“Chúng tôi vẫn chưa xác định được vật chủ trung gian có thể lây lan virus corona,” trích nội dung báo cáo.
Kết luận của báo cáo chủ yếu dựa trên các nỗ lực điều tra của WHO vào tháng 1 và tháng 2/2021. Các nhà phê bình lưu ý rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có vai trò quan trọng trong cuộc điều tra nói trên và một lần nữa cáo buộc tổ chức này đã tham gia vào việc che giấu dịch bệnh.
Tedros cũng tuyên bố hôm 30/3 rằng “các nhà khoa học sẽ tiến hành việc nghiên cứu tốt hơn nếu được tiếp cận đầy đủ với các dữ liệu bao gồm các mẫu sinh học từ ít nhất tháng 9/2019” và rằng “trong các cuộc thảo luận của tôi với nhóm, họ đã bày tỏ những khó khăn mà họ gặp phải khi truy cập dữ liệu thô (raw data). Tôi mong đợi các nghiên cứu hợp tác trong tương lai sẽ bao gồm việc chia sẻ dữ liệu một cách toàn diện và kịp thời hơn.”
Jamie Metzl, chuyên gia cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương, cố vấn của WHO và là cựu nhân viên cho Tổng thống Joe Biden, cho biết trên CBS News rằng cuộc điều tra ở Trung Quốc tương tự như việc cho phép Liên Xô thăm dò nguyên nhân của vụ tai nạn hạt nhân Chernobyl. Các quan chức Liên Xô bị cho là đã che đậy thảm họa hạt nhân năm 1986 và không thông báo cho phần còn lại của thế giới.
Ông nói trên CBS rằng: “WHO chấp thuận việc Trung Quốc sẽ có quyền phủ quyết đối với cả những người sẽ tham gia nhiệm vụ [điều tra về nguồn gốc COVID-19]. Trên hết, WHO đồng ý rằng trong hầu hết các trường hợp, Trung Quốc sẽ thực hiện cuộc điều tra sơ bộ và sau đó chỉ chia sẻ những phát hiện của mình với các chuyên gia quốc tế. Vì vậy, các chuyên gia quốc tế này không được phép thực hiện cuộc điều tra sơ bộ của riêng họ.”
Năm 2020, chính quyền Tổng thống Trump đã chấm dứt mối quan hệ giữa Mỹ với WHO do sự ứng phó chậm chạp với virus và những động thái được cho là ủng hộ Trung Quốc của tổ chức này. Chính quyền Biden sau đó đã đảo ngược quyết định này.
Metzl cho rằng chính ĐCSTQ đã tiến hành cuộc điều tra và đưa những “phát hiện” của mình cho ủy ban WHO.
Metzl nói: “Hãy tưởng tượng nếu chúng tôi yêu cầu Liên Xô cùng thực hiện một cuộc điều tra về Chernobyl – điều đó thực sự là vô nghĩa.”
Trong quá trình WHO tiến hành cuộc điều tra tại Trung Quốc, Jonna Mazet, giám đốc điều hành và sáng lập viên của Viện One Health tại UC Davis, cho biết ĐCSTQ đã tỏ thái độ không hợp tác, đồng thời lưu ý rằng các nhà khoa học Mỹ không thể tiến hành điều tra bên trong Trung Quốc. “Chúng ta cần phải ngừng việc này lại… và để cho các nhà khoa học có được câu trả lời thực sự mà không bị đổ lỗi,” bà cho hay.
Trong khi đó, phát hiện của WHO được đưa ra vài ngày sau khi cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Tiến sĩ Robert Redfield nói trên CNN rằng ông tin là virus Trung cộng đã bị “rò rỉ” từ một phòng thí nghiệm có độ bảo mật hàng đầu ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, vào tháng 9 hoặc tháng 10/2019. Redfield cho biết rằng những tình huống như vậy (virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm) xảy ra một cách phổ biến, nhiều hơn mọi người vẫn tưởng.
“Tôi vẫn nghĩ căn nguyên của mầm bệnh này ở Vũ Hán rất có thể là bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm. Những người khác không tin điều đó. Cũng không sao cả,” Redfield phát biểu vào tuần trước. “Khoa học cuối cùng sẽ tìm ra nó. Không có gì lạ khi việc nghiên cứu các mầm bệnh liên quan đến đường hô hấp trong phòng thí nghiệm có thể làm lây nhiễm cho nhân viên phòng thí nghiệm.”
Thời kỳ đầu của đại dịch, ĐCSTQ đã bị buộc tội cố gắng bịt miệng các nhà khoa học và bác sĩ trong khi biết rằng virus đã xuất hiện ở Vũ Hán vào tháng 12/2019. Họ đã mất đến khoảng 6 tuần mới bắt tay vào giải quyết vấn đề – một sự ứng phó chậm trễ. Bất kỳ ai cố gắng cảnh báo về mối nguy hiểm đều bị buộc tội lan truyền cái gọi là “tin đồn” và phá hoại an toàn công cộng, đồng thời sử dụng cơ chế kiểm duyệt để ngăn chặn việc đưa tin của phương tiện truyền thông và xóa các bình luận đề cập đến vấn đề này trên mạng xã hội.
Theo The Epoch Times,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa Nguồn gốc COVID-19 Trung Quốc và WHO báo cáo của WHO virus corona mối quan hệ giữa WHO và Trung Quốc