Bộ trưởng môi trường Nhật: Fukushima cân nhắc đổ nước phóng xạ xuống biển
- Phan Anh
- •
Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ phải đổ nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima xuống Thái Bình Dương vì hết chỗ chứa, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản, Yoshiaki Harada cho biết vào ngày 10/9.
Cụ thể, sau khi hứng chịu thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011, TEPCO đã tích trữ hơn 1 triệu tấn nước bị nhiễm phóng xạ từ các ống làm mát cho lõi nhiên liệu.
“Lựa chọn duy nhất là xả nước phóng xạ ra đại dương để nước biển pha loãng nó,” Bộ trưởng Yoshiaki Harada, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tokyo.
“Chính phủ sẽ thảo luận về vấn đề này, nhưng tôi muốn nêu lên ý kiến cá nhân của mình.”
Chính phủ đang chờ báo cáo từ hội đồng chuyên gia trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về cách thức xử lý nước nhiễm phóng xạ.
Trong một cuộc họp báo riêng, Bộ trưởng Nội các Nhật Bản, Yoshi Suga, tuyên bố phát ngôn trên chỉ là “ý kiến cá nhân của riêng ông Harada”.
Người phát ngôn của TEPCO cho biết, công ty này sẽ tuân theo quyết định do chính phủ đưa ra.
>> 5 điều kỳ lạ ít ai biết về thảm họa hạt nhân Chernobyl
Tiến thoái lưỡng nan ở Fukushima
Bên cạnh đó, TEPCO còn thông báo rằng họ sẽ hết chỗ chứa nước phóng xạ vào năm 2022. Ngoài ra, ông Harada cũng không nêu cụ thể lượng nước cần phải xả ra Thái Bình Dương.
Động thái “bật đèn xanh” cho việc xả chất thải xuống biển sẽ khiến các quốc gia láng giềng tức giận. Cụ thể, tháng 8 vừa qua, Hàn Quốc đã triệu tập quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản yêu cầu giải thích rõ về cách thức ứng phó với nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy Fukushima.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã yêu cầu Nhật Bản “đưa ra một quyết định sáng suốt và cẩn trọng về vấn đề này”.
Quan hệ giữa 2 quốc gia Đông Á này đã trở nên căng thẳng sau một cuộc tranh cãi về việc bồi thường cho những công dân Hàn Quốc bị ép phải làm việc trong các nhà máy Nhật Bản trong Thế chiến thứ II.
Các nhà máy hạt nhân ven biển thường đổ nước nhiễm tritium xuống nước biển. Loại đồng vị phóng xạ của hydro này được xem là khó phân tách và ít gây hại đến môi trường. Tuy nhiên, năm 2018, TEPCO đã vấp phải sự phản đối đến từ ngư dân khi thừa nhận rằng nước trong các bể chứa vẫn có các chất phóng xạ gây ô nhiễm khác ngoài tritium.
>> ‘Người hùng’ duy nhất sống trong khu vực nhiễm phóng xạ Fukushima
“Chính phủ phải cam kết về phương án xử lý có tính dài hạn cuộc khủng hoảng nước nhiễm xạ, chính là phải lưu trữ lâu dài và loại bỏ các chất phóng xạ, bao gồm cả tritium,” Shaun Burnie, chuyên gia hạt nhân cao cấp tại công ty Greenpeace Germany (Đức), cho biết trong một email.
Theo Fox News, đầu tháng 9/2019, Nhật Bản đã cố gắng trấn an các nhà ngoại giao nước ngoài về vấn đề an toàn ở Fukushima, nhất là khi Nhật đang cố gắng để thuyết phục các nước gỡ hạn chế cấm nhập khẩu thực phẩm từ Fukushima trước thềm Olympics Tokyo 2020. Lệnh cấm nhập khẩu vẫn có hiệu lực ở 22 quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc và Trung Quốc.
Các chuyên gia cho biết, những bể chứa nước nói trên cũng tạo ra rủi ro lũ lụt và phóng xạ. Các nhà khoa học về nguyên tử, bao gồm cả Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và Cơ quan Quản lý Hạt nhân Nhật Bản, đã đưa ra đề xuất đổ nước phóng xạ ra biển có kiểm soát, cho rằng đó là giải pháp khả thi duy nhất về mặt khoa học và tài chính. Người dân địa phương thì phản đối, cho rằng việc này sẽ tạo ra tin đồn về ô nhiễm, kéo theo sự phá hủy ngành thủy sản và nông nghiệp của Fukushima.
Từ khóa năng lượng hạt nhân Ô nhiễm phóng xạ Thảm họa hạt nhân Fukushima Chất thải hạt nhân