ByteDance thất bại trong kháng cáo chống EU xác định họ là Gatekeepers
- Mộc Vệ
- •
Vào thứ Tư (16/7), Tòa án Tối cao của Liên minh châu Âu đã bác đơn kháng cáo của công ty mẹ TikTok là ByteDance, đơn kháng cáo yêu cầu EU thu hồi định danh họ là Gatekeeper (người gác cổng).
Vào ngày 5/9/2023, Ủy ban châu Âu đã dựa vào Luật Giám sát Thị trường Kỹ thuật số (DMA) để xác định ByteDance là một Gatekeeper. Theo DMA, các công ty được xác định là Gatekeeper phải tuân theo một loạt quy định và lệnh cấm để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong ngành, nhằm mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn hơn.
Theo DMA của EU, các công ty được xác định là Gatekeeper phải làm cho phần mềm nhắn tin tức thời của họ tương thích với phần mềm của đối thủ cạnh tranh, đồng thời cho phép người dùng tự chọn cài đặt các ứng dụng nào trên thiết bị của mình, cấm các doanh nghiệp này ưu ái sản phẩm “sân nhà” mà không coi trọng đối thủ cạnh tranh.
Vào tháng 11/2023, công ty ByteDance đã đệ đơn kiện, yêu cầu thu hồi quyết định bị coi là Gatekeeper. Theo yêu cầu của Bytedance, Tòa Sơ thẩm châu Âu (General Court) đã quyết định xét xử vụ việc theo thủ tục cấp tốc và bác bỏ đơn kiện của Bytedance.
Phán quyết của tòa án tối cao thứ hai của EU là phán quyết đầu tiên áp dụng về phạm vi DMA của EU. ByteDance có thể kháng cáo lên Tòa án Công lý của EU (Court of Justice of the EU) – cơ quan tư pháp cao nhất của châu Âu.
ByteDance là công ty Gatekeeper
Tòa Sơ thẩm châu Âu có trụ sở tại Luxembourg đứng về phía cơ quan điều hành EU, cho rằng ByteDance không cung cấp đủ bằng chứng để hỗ trợ cho kháng cáo của họ.
“Tòa Sơ thẩm bác vụ kiện do ByteDance (TikTok) đưa ra chống lại quyết định của Ủy ban xác định họ là “người gác cổng”. Tòa Sơ thẩm cho biết trong phán quyết, “Ủy ban có quyền coi ByteDance là Gatekeeper”.
Tòa án chỉ ra rằng ByteDance đáp ứng các tiêu chuẩn định lượng được quy định trong DMA, bao gồm: giá trị thị trường toàn cầu của công ty, số lượng người dùng TikTok ở EU, và số năm công ty liên tục đạt ngưỡng số lượng người dùng.
Ngưỡng quyền tài phán mà DMA đặt ra đối với trường hợp Gatekeeper là: các công ty kỹ thuật số hoạt động trong phạm vi từ 3 nước châu Âu trở lên, có giá trị thị trường ở châu Âu hơn 75 tỷ euro hoặc doanh thu 7,5 tỷ euro, và có ít nhất 45 triệu người dùng cá nhân và 10.000 doanh nghiệp ở châu Âu có hoạt động sử dụng dịch vụ hoặc sản phẩm công ty.
ByteDance lập luận rằng TikTok vẫn chưa tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.
Tòa Sơ thẩm lưu ý rằng TikTok đã phát triển nhanh chóng và ngang hàng với các đối thủ Meta Platforms và Alphabet. Thẩm phán cho biết: “Xét về số lượng người dùng ở EU, (TikTok) chỉ bằng một nửa Facebook và Instagram”.
Reuters đưa tin, ByteDance cho biết họ rất thất vọng với phán quyết này. Người phát ngôn của TikTok tuyên bố: “Mặc dù chúng tôi sẽ đánh giá các bước tiếp theo, nhưng thực tế chúng tôi đã hoàn thành các nghĩa vụ liên quan của DMA – thực thi trước thời hạn vào tháng 3 năm ngoái”.
Các công ty khác được chỉ định là Gatekeeper bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Booking.com, Meta Platforms và Microsoft.
Công ty Apple và công ty mẹ của Facebook là Meta cũng đã kháng cáo để đảm bảo rằng một số dịch vụ của họ tránh được bị hạn chế do quy định mới. Tòa án Công lý châu Âu vẫn chưa ra phán quyết về kháng cáo của Meta và Apple.
Mộc Vệ (t/h)
Từ khóa TikTok ByteDance Thị trường châu Âu Gatekeeper