Các nhà khoa học cảnh báo sự nguy hiểm khi quá tin vào… khoa học
- thiện tâm
- •
Rất nhiều nhà khoa học, những người tìm ra các lý thuyết và định luật khoa học được công nhận, đã cảnh báo các nhà khoa học trong tương lai đừng bị giới hạn bởi những thành tựu của họ. Rất nhiều những khám phá vi đại nhất đã bị chế nhạo lúc ban đầu vì chúng đối lập với những định kiến đương thời.
Sau đây là 10 ý kiến sâu sắc của một số bộ óc vĩ đại nhất trong khoa học:
1. Lợi ích của việc bị chế giễu
Hãy vui mừng khi các nhà khoa học khác không tin vào điều bạn biết chắc chắn là sự thật. Điều này sẽ cho bạn thêm thời gian để nghiên cứu trong yên bình. Khi họ bắt đầu công bố rằng họ đã tìm ra điều đó trước bạn, hãy đi tìm một dự án mới.
—Efraim Racker, trong cuốn sách “Sự kiên định và tái thiết lập các đường hướng sinh học trong giai đoạn 1919-1984”, đăng trong Kỷ yếu Liên bang – Mỹ năm 1983.
Efraim Racker (1913-1991) là một nhà sinh hóa học. Ông được biết đến qua các phát hiện về cơ chế tổng hợp ATP, một phân tử có vai trò vận chuyển năng lượng giữa các tế bào sinh vật.
2. Khuynh hướng bài trừ mạnh mẽ các ý tưởng mới
Trí óc chẳng ưa gì ý tưởng mới, hệt như cơ thể không thích một protein lạ, và chống đối nó với một năng lượng tương tự. Có lẽ không quá bất thường khi nói rằng, ý tưởng mới là kháng nguyên hoạt động nhanh nhất từng được biết đến trong khoa học. Nếu chúng ta xem xét bản thân mình một cách trung thực, chúng ta sẽ thường xuyên thấy bản thân bắt đầu phản bác một ý tưởng mới, thậm trí trước cả khi nó được trình bày xong. Tôi không nghi ngờ rằng câu nói vừa rồi đã gặp phải sự phản kháng trong tâm trí chúng ta – chứng tỏ cơ chế phòng thủ này làm việc nhanh chóng đến thế nào.
– Wilfred Trotter, trong “các bài báo được chọn lọc của Wilfred Trotter F.R.S”, được đăng tải năm 1941.
3. Chỉ vì chúng ta chưa thể đo lường sự vật một cách dễ dàng, không có nghĩa nó không tồn tại
Bước đầu tiên là đo lường bất cứ thứ gì có thể đo lường được một cách dễ dàng. Việc này vẫn ổn trong một chừng mực nào đó. Bước thứ hai là bỏ qua những gì không thể đo lường một cách dễ dàng, hoặc gán cho nó một giá trị định lượng ngẫu nhiên. Đây là một hành động giả tạo và dễ dẫn đến sai lệch. Bước thứ ba là giả định rằng những thứ không thể được đo lường dễ dàng là không thực sự quan trọng. Đây là sự mù quáng. Bước thứ tư là nói rằng cái gì không thể được đo lường thì thật sự không tồn tại. Đây là tự sát.
– Charles Handy, Nhà kinh tế và nhà nghiên cứu hành vi tổ chức, trong cuốn sách của ông: ‘Áo mưa rỗng: Diễn giải tương lai’ (The Empty Raincoat: Making Sense of the Future)
4. Các “định luật” vật lý có thể thay đổi
Chúng ta không có quyền giả định rằng bất kỳ định luật vật lý nào đó thực sự tồn tại, hay nếu chúng tồn tại cho đến ngày nay, thì chúng sẽ tiếp tục tồn tại theo cách tương tự trong tương lai. Hoàn toàn có thể nói rằng vào một ngày đẹp trời nào đó, Tự Nhiên sẽ tạo ra một sự kiện bất ngờ có thể làm tất cả chúng ta phải chấn động; và nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ bất lực trong việc phản đối, và ngay cả nếu kết quả là như vậy, thì bất kể chúng ta nỗ lực ra sao, chúng ta vẫn sẽ thất bại khi cố gắng thiết lập trật tự trong cái tình trạng hỗn loạn sau đó. Trong một sự kiện như vậy, con đường duy nhất mở ra cho khoa học là tự nó tuyên bố phá sản.
—Max Planck, trong cuốn sách “Vũ trụ trong ánh sáng của vật lý hiện đại”, dịch bởi W. H. Johnston.
Khoa học không thể giải đáp bí ẩn tối hậu của tự nhiên. Lý do là vì, trong các phân tích cuối cùng, tự bản thân chúng ta là một phần của tự nhiên và do đó cũng là một phần của bí ẩn mà chúng ta đang cố gắng giải quyết.
—Max Planck, trong cuốn sách ‘Khoa học đang tiến về đâu?’, phiên dịch bởi James Murphy.
5. Khoa học là ‘một loại hình tôn giáo khác’?
Chúng ta không cần đợi khoa học cho phép thực hiện những điều khác thường hay tiến ra bên ngoài cái khung khả thi mà chúng ta vẫn biết. Nếu làm vậy, chúng ta đã biến khoa học thành một dạng thức khác của tôn giáo. Chúng ta nên trở thành những cá nhân độc lập; chúng ta nên thử làm những điều phi thường.
— Joe Dispenza, trong cuốn sách ‘Tiến hóa não bộ: Khoa học thay đổi tâm trí của bạn’ (Evolve Your Brain: The Science of Changing Your Mind)
Joe Dispenza là một nhà khoa học thần kinh và một chuyên gia trị liệu cột sống. Ông là một trong những nhà khoa học có mặt trong bộ phim What the Bleep Do We Know!? – bao gồm các cuộc phỏng vấn dạng tư liệu. Ông từng bị nứt rạn cột sống trong một tai nạn xe hơi, và các bác sĩ bảo rằng cách duy nhất ông có thể tự bước đi lại là tiến hành phẫu thuật. Nhưng ông đã quyết định không phẫu thuật, vì ông tin rằng mình có thể tự lành nhờ vào sức mạnh ý chí. Ông đã có thể bước đi lại sau 3 tháng.
>> Những nhà khoa học lỗi lạc nhất tin vào thuyết vô thần hay hữu thần?
6. Lý lẽ là gì?
Lý lẽ, đối với hầu hết mọi người, chính là quan điểm của họ.
—William Hazlitt, trong bài viết “Một trường phái cải tổ mới: cuộc đối thoại giữa một người theo chủ nghĩa duy lí và một người theo chủ nghĩa duy cảm”.
7. Khoa học hàm chứa sự bí ẩn
Tôi yêu khoa học, và tôi cảm thấy đau lòng khi biết rằng rất nhiều người sợ hãi chủ đề này hoặc cảm thấy việc chọn lựa khoa học nghĩa là bạn không thể chọn tình thương, nghệ thuật, hay cảm giác kinh ngạc trước thiên nhiên. Khoa học không có mục đích xóa đi các bí ẩn trong đầu, mà là để tái phát minh và truyền lại sức sống cho nó.
—Robert Sapolsky, trong cuốn sách “Tại sao ngựa vằn không bị u xơ” (Why Zebras Don’t Get Ulcers)
8. Einstein với ‘Hiện thực khách quan’
Khái niệm vật lý là các sáng tạo tự do của tâm trí con người, và bất kể có vẻ ra sao, không hề được quyết định một cách đặc thù bởi thế giới bên ngoài. Trong nỗ lực nhằm thấu hiểu thực tại, chúng ta có vẻ hơi giống với một con người đang cố gắng tìm hiểu cơ chế của một chiếc đồng hồ kín. Anh ta có thể nhìn thấy mặt đồng hồ và các kim đang chuyển động, thậm chí có thể nghe tiếng tích tắc, nhưng anh ta không cách nào mở cái vỏ đồng hồ [để xem cơ cấu bên trong]. Nếu thông minh, anh ta sẽ có thể hình dung một vài bức tranh về cơ chế đằng sau của tất cả những gì đã quan sát thấy, nhưng anh sẽ không bao giờ có thể chắc chắn bức tranh của anh là phương án duy nhất để lý giải cho các quan sát của mình.
Anh ta sẽ không bao giờ có thể so sánh bức tranh của anh với cơ cấu thực sự [của chiếc đồng hồ] và thậm chí không thể tưởng tượng được tiềm năng hay ý nghĩa của một phép so sánh như vậy. Nhưng anh tin chắc rằng, khi kiến thức của bản thân được trau dồi, bức tranh về thực tại của anh sẽ trở nên đơn giản và đơn giản hơn nữa, và sẽ có thể giải thích một phạm vi rộng lớn và rộng lớn hơn nữa các ấn tượng từ giác quan của mình. Anh cũng có thể tin rằng một giới hạn kiến thức tối ưu là có tồn tại và giới hạn đó sẽ được tiếp cận bởi tâm trí con người. Anh có thể gọi cái giới hạn tối ưu này là chân lý khách quan.
-Albert Einstein và Leopold Infeld, trong cuốn sách viết chung “Sự tiến hóa của vật lý” (The Evolution of Physics)
>> 25 câu nói của Albert Einstein cho thấy tư duy một thiên tài
9. Thiếu sót trầm trọng trong khoa học
Không có gì tai hại đến sự phát triển của tâm trí con người hơn việc giả định rằng: quan điểm của chúng ta về khoa học là tối hậu; rằng không có bí ẩn nào trong tự nhiên; rằng các thành tựu của chúng ta là toàn diện, và rằng không có thế giới mới nào cần chúng ta đến khám phá.
—Ngài Humphry Davy, trích trong cuốn ‘Humphry Davy: Khoa học và quyền lực’ (Humphry Davy: Science and Power) của David Knight
Ngài Humphry Davy là một nhà hóa học và một nhà phát minh. Ông đã phát hiện ra nguyên tố hóa học Natri, Kali, và Canxi nhờ phương pháp điện phân, và phát hiện ra rằng Clo, trước từng được cho là có chứa thành phần khí oxy, thực ra là một nguyên tố hóa học. Ông cũng phát minh ra đèn Davy, một loại đèn an toàn để sử dụng trong các mỏ than đá.
10. Khoa học không thể giải thích khái niệm linh hồn
Tôi cho rằng những bí ẩn của con người đã bị hạ thấp một cách thậm tệ bởi thuyết giản hóa luận (reductionism) trong khoa học, khi sử dụng các luận điệu trong ‘chủ nghĩa duy vật hứa hẹn’ để giải thích hầu như tất cả khía cạnh của thế giới tâm linh dưới các mô thức hoạt động thần kinh. Niềm tin này phải được xếp vào loại mê tín. […] Chúng ta phải nhận ra rằng chúng ta là những sinh mệnh tâm linh có linh hồn tồn tại trong một thế giới tâm linh, đồng thời cũng là một sinh mệnh vật chất với cơ thể và não bộ tồn tại trong một thế giới vật chất.
– John C. Eccles, trong cuốn sách ‘Evolution of the Brain: Creation of the Self’
John Carew Eccles, một nhà sinh lý học thần kinh, đoạt giải Nobel năm 1963 về Sinh lý học và Y học cùng với Alan Lloyd Hodgkin và Andrew Fielding Huxley cho các đóng góp trong lĩnh vực truyền dẫn xi-nap hóa học.
Theo Tara MacIsaac, ET
Thiện Tâm biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa câu nói nổi tiếng nguỵ khoa học đạo đức trong khoa học Albert Einstein tôn giáo linh hồn