Chernobyl: “Quan tài” chống phóng xạ sắp bị gỡ bỏ vì quá xuống cấp
- Phan Anh
- •
Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl được xem là một trong những thảm họa phóng xạ hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử.
Vào ngày 26/4/1986, lõi của lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy đã phát nổ trong một cuộc kiểm tra an toàn định kỳ, qua đó thải ra lượng lớn các chất phóng xạ vào khí quyển. Các vụ nổ và hỏa hoạn sau đó đã gây ra sự ô nhiễm lan rộng khắp châu Âu, nhưng nơi bị ô nhiễm nặng nề nhất là lò phản ứng số 4, nơi xảy ra vụ tai nạn.
Gần hai tháng sau thảm họa trên, có khoảng 600.000 công nhân Xô Viết đã tiến hành việc xây dựng một “cỗ quan tài” khổng lồ bằng bê tông, bao trùm xung quanh lò phản ứng nhằm ngăn chặn việc rò rỉ các vật liệu phóng xạ như corium, uranium và plutonium. Trong quá trình xây dựng, nhiều công nhân đã bị nhiễm phóng xạ ở mức độ nguy hiểm và có ít nhất 31 người thiệt mạng do mắc bệnh phóng xạ cấp tính.
>> 5 điều kỳ lạ ít ai biết về thảm họa hạt nhân Chernobyl
Vòm bê tông được thiết kế chắc chắn, sử dụng 400.000 mét khối bê tông và khoảng 7,3 triệu tấn thép, tuy nhiên việc xây dựng đã được thực hiện một cách vội vàng. Trên thực tế, để tránh bị ảnh hưởng đến sức khỏe, các công nhân đã cố hoàn thành công trình nhanh nhất có thể, do vậy họ đã không hàn kín các khớp nối của vòm. Ngoài ra, họ cũng không bít hết các lỗ hở trên trần vòm, khiến cho nước ngấm vào và ăn mòn phần bê tông ở bên trong.
Giờ đây toàn bộ lớp vòm này cần phải được gỡ bỏ trước khi nó sập xuống.
SSE Chernobyl NPP, công ty Ukraine quản lý nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, tuyên bố rằng, theo đánh giá từ các chuyên gia thì vòm bê tông đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng và khả năng bị sập xuống là “rất cao”.
Ngày 29/7/2019, công ty này đã ký một hợp đồng trị giá 78 triệu USD với một công ty xây dựng để gỡ bỏ chiếc vòm trước năm 2023.
>> Chernobyl: Không phải nạn nhân phóng xạ mà là nạn nhân của dối trá
Các công nhân xây dựng sẽ phải gia cố cỗ quan tài bê tông trong khi các bộ phận của nó được tháo rời với sự trợ giúp của cần cẩu robot. Những phần này sau đó sẽ được làm sạch và vận chuyển đi để tái chế hoặc vứt bỏ.
“Việc gỡ bỏ tất cả các bộ phận cùng một lúc sẽ làm cho lớp vòm dễ bị sập xuống, từ đó giải phóng ra một lượng lớn chất phóng xạ”, SSE Chernobyl NPP cho hay.
Tuy nhiên, các bức xạ được giải phóng ra có thể sẽ không đi vào khí quyển. Trong 9 năm qua, các công nhân đã xây dựng một cỗ quan tài bằng thép nặng 32.000 tấn che phủ xung quanh vòm bê tông cũ. Các bộ phận của nó được lắp ráp tại Ý, sau đó được chuyển đến công trường bằng 18 con tàu và 2.500 xe tải. Lớp bao phủ thứ 2 này có tên là công trình Bao phủ An toàn Mới (New Safe Confinement structure).
Công trình được kéo tới vị trí cuối cùng vào năm 2016 và ra mắt công chúng vào tháng 7 cùng năm. Tại thời điểm đó, nó trở thành vật thể trên mặt đất lớn nhất từng được vận chuyển bởi con người. Cỗ quan tài bằng thép này được kỳ vọng sẽ trụ vững trong một thế kỷ, cho các công nhân đủ thời gian để khắc phục các lỗ hổng bên trong mái vòm.
Sau khi chiếc quan tài bằng bê tông được tháo gỡ, các công nhân sẽ bắt đầu nhiệm vụ khó khăn: dọn dẹp chất thải phóng xạ vẫn còn sót lại ở lò phản ứng số 4. Quá trình này bao gồm việc hút các hạt phóng xạ và làm sạch hỗn hợp “dung nham” hình thành khi công nhân Xô Viết đổ cát, chì và boron vào lò phản ứng đang bốc cháy.
Công việc này dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2065 – tức khoảng 80 năm kể từ vụ nổ ban đầu (1986). Vào thời điểm đó, các nhà khoa học ước tính rằng bức xạ từ vụ tai nạn sẽ gây ra tổng cộng hơn 40.000 trường hợp mắc ung thư.
Từ khóa công trình xây dựng Ô nhiễm phóng xạ Thảm hoạ nguyên tử Chernobyl nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl Liên bang Xô viết