Chúng ta thoát thai từ đâu? Phát hiện sửng sốt từ dãy Himalaya (P6)
- Thiện Tâm
- •
Vật liệu sinh học kỳ diệu và những khám phá mới về hình học nhãn khoa đã dẫn dắt giáo sư Ernst Muldashev và những nhà khoa học Nga dấn thân vào hành trình đến Himalaya để khám phá nguồn gốc loài người. Cuộc hành trình đã dẫn ông đến một nơi thiêng liêng có tên núi Kailash.
Tiếp theo phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5.
Nằm trong dãy Himalaya, núi Kailash cách Lhasa – thủ phủ của Tây Tạng – 1.000 km về phía Tây. Có hàng ngàn người đã từng leo lên đỉnh Everest ở độ cao 8.848m, còn đỉnh Kailash chỉ cao gần 6.700m thì chưa từng có ai đặt trên đến. Các truyền thuyết kể lại rằng, những người đặt chân lên con dốc dẫn lên đỉnh núi đều phạm thượng và có thể chết. Với lý do bảo vệ sự linh thiêng của ngọn núi, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cấm leo núi Kailash. Việc hành hương chỉ được phép đi quanh chân núi.
Để có thể hành hương tới Kailash, người hành hương cần phải rèn luyện sức khỏe hàng tháng trước khi hành hương, và rất nhiều trong số họ đã phải dừng chuyến hành hương giữa chừng vì không thể thích ứng được với điều kiện không khí loãng của vùng núi cao hơn 5.000m này.
Giáo sư Ernst Muldashev đã 3 lần đoạt giải kiện tướng du lịch thể thao thời Liên Xô cũ, đồng thời Trung tâm phẫu thuật mắt và tạo hình liên bang Nga nơi ông làm giám đốc cũng có phong trào du lịch thể thao rất mạnh. Chính vì vậy, đoàn thám hiểm Tây Tạng lần 4 của ông không gặp khó khăn gì về sức khỏe khi khám phá bí ẩn của núi Kailash và khu vực xung quanh, nơi mà ông cho rằng đó là Sambala (Shambhala) hay Thành Thiên Đế (Thành phố của các Chúa Trời).
Sơ đồ hành trình đến Thành Thiên Đế (nguồn: Muldashev)
Thành Thiên Đế là tổ hợp các công trình đá vĩ đại quanh núi Kailash
Dự đoán của Muldashev rằng Thành Thiên Đế bao gồm các kim tự tháp trước khi đặt chân đến khu vực này quả thực rất chính xác. Tại khu vực núi Kailash và xung quanh đoàn thám hiểm đã phát hiện ra sự tồn tại của hơn 140 kiến trúc đá và kim tự tháp nhân tạo khổng lồ có kích thước từ hàng trăm mét đến hàng ngàn mét với các hình dáng, kiến trúc và đặc tính khác nhau.
Các kiến trúc này khi thì nằm cạnh nhau, khi thì nằm rải rác ở vùng đất xung quanh Kailash.
Khác với các kiến trúc hiện đại mà chúng ta vẫn thấy xung quanh, thường mới được xây dựng cách đây vài chục năm hoặc vài trăm năm, theo Muldashev, “…thời gian xây Thành Thiên Đế… chắc vào thời kỳ văn minh Atlantis, tức giai đoạn tồn tại chủng tộc gốc thứ tư của nhân loại. Mà người Atlan, theo như Helena Blavatsky viết, đại đa phần đã chết cách đây 850 nghìn năm khi xảy ra trận Hồng Thủy toàn cầu do trục Trái Đất, theo phỏng đoán của chúng tôi, chuyển dịch 6666 kilômét. Từ đó suy ra Thành Thiên Đế được xây từ đời xửa đời xưa: hoặc trước Đại Hồng Thủy, vào thời kỳ hưng thịnh của nền văn minh Atlantis, hoặc sau đó, khi những người Atlan ưu tú nhất thoát chết đã chuyển nơi sinh sống tới Sambala tuyệt đẹp.” Như vậy rất có thể Thành Thiên Đế được xây dựng cách đây hàng triệu năm.
Qua hàng triệu năm phơi dưới gió cát sa mạc và tuyết trắng, các công trình ở Thành Thiên Đế đã bị phong hóa đi rất nhiều, hình dáng của của chúng có thể đã mất đi những đường nét sắc cạnh ban đầu. Với hầu hết mọi người, chúng trông giống những ngọn núi tự nhiên. Nhưng dưới con mắt quan sát của đoàn thám hiểm, thì những ngọn núi đó chính là các công trình nhân tạo cổ xưa.
Là một nhà khoa học lớn, để chứng minh lập luận các ngọn núi ở khu vực xung quanh Kailash là các công trình nhân tạo, Giáo sư Muldashev cho chụp ảnh và quay video ở nhiều góc độ bất cứ công trình nào bị nghi vấn, sau đó dựng lại hình ảnh trên máy tính bằng phần mềm đồ họa, đồng thời ông cũng trực tiếp vẽ lại phối cảnh và ghi chú tỉ mỉ về tất cả công trình đó tại hiện trường. Vì theo ông, hình vẽ bằng tay sẽ làm nổi bật được hình khối của vật thể, điều mà các bức ảnh chụp đôi khi không thể làm được do điều kiện ánh sáng và bối cảnh khi chụp.
Có rất nhiều kim tự tháp ở Sambala
Kim tự tháp số 1 là kim tự tháp đầu tiên đoàn nhìn thấy khi bắt đầu tiến về Kailash. Hình dáng của kim tự tháp này khá giống với kim tự tháp tại Kheop tại Ai Cập.
Mô tả về các kim tự tháp khác, Giáo sư Muldashev cho biết:
“Trong khi Ravin chụp ảnh và quay video tôi leo lên các mô đất để nhìn rõ và vẽ. Thấy rõ quả đồi cao trước Kailash có dấu vết như thể của tác động bằng máy móc từ thời xa xưa. Nhìn kỹ thì thấy các dấu vết đó phác họa những cấu trúc rất giống hai kim tự tháp bậc thang khổng lồ. Trên đỉnh một trong số kim tự tháp đó (số 14) nhìn thấy khá rõ như thể có ba tâm tròn xếp chồng lên nhau, còn trên đỉnh kim tự tháp thứ hai (số 17) nhìn thấy rất nhiều hoặc là phế tích đứng sát nhau, hoặc là những hình người cổ xưa do ai đó tạo ra.”
“Ta đang vẽ cấu trúc giống kim tự tháp tiếp theo và đánh dấu “số 93″ – tôi lẩm bẩm – và ta không tin chắc chắn rằng đây là công trình nhân tạo chứ không phải kết quả hoạt động của gió và nước… Vì sao kim tự tháp Ai Cập giản đơn, cô đọng và giống nhau ở nhiều điểm thì tất cả cấu trúc giống kim tự tháp ở Tây Tạng đây lại vô cùng đa dạng và sự đa dạng đó thể hiện thức kim tự tháp mà còn ở vô số những chi tiết bổ sung?”
“Đúng lúc đó đám mây phủ khoảng không giữa các dãy đồi hơi giãn ra và như trong truyện cổ tích hiện lên quả chuông thật, kích thước lớn không thể tưởng. Có cảm giác “quả chuông” đó đã được tiện bằng máy: hình trụ, đỉnh tròn. Trên đỉnh có hai bậc, thân to dần kiểu hình nón và chuyển dần thành hình trụ. – Chuông đá! – tôi hét lên. – Nó kia kìa!!!”
Núi Kailash – Tòa kim tự tháp hùng vĩ nhất thế giới
Viết về núi thiêng Kailash, ngọn núi có độ cao gần 6.700 mét, Muldashev mô tả: “[Đi] được chừng sáu kilômét chúng tôi dừng lại ở chỗ mà từ đó Kailash thiêng hiện ra hùng vĩ nhất. So với nó các dãy đồi Tây Tạng thật xấu xí và thấp lè tè. Kailash giống kim tự tháp bậc thang khác thường, vĩ đại. Không còn một tí hoài nghi nào nữa là cấu trúc hình kim tự tháp khổng lồ, cao 6666 mét này là tác phẩm của bàn tay con người…”
>> Kim tự tháp Giza từng tỏa sáng như một ngôi sao hàng nghìn năm trước
Quan sát kỹ, đoàn thám hiểm thấy kim tự tháp Kailash có cấu trúc rất không tự nhiên. Mặt phía Nam của Kailash có thể thấy rõ các bậc thang và rãnh dài chạy từ trên đỉnh xuống chân núi. Hướng của rãnh chạy dài xuống phía nam, chia đôi 2 hồ Manasarova (hồ thiên thần) và Rakshas (hồ ác quỷ). Xung quanh Kailash là vô số các kim tự tháp và các công trình đá khác.
Tượng Người Đang Đọc – lối vào Thành Thiên Đế
Trên đường đến Kailash, Muldashev và đoàn thám hiểm may mắn nhìn thấy bức tượng Người Đang Đọc – người lưu giữ tri thức của Sambala, nơi được coi là có lối vào thứ hai của hệ thống đường hầm dưới núi Kailash. Ở điều kiện bình thường, rất hiếm có người nhìn thấy bức tượng này, vì theo những người Tây Tạng, bức tượng luôn hút mây về phía mình, đồng thời nó cũng được bảo vệ bằng những lực bí ẩn, khiến không người thường nào dám đến gần.
“…Trông thấy rõ bức tượng người to tướng tọa ở tư thế tòa sen. Rất tiếc, trong điều kiện núi cao chỗ thì tối đen, nơi thì tranh tối tranh sáng không thể nhìn thấy các chi tiết của bức tượng. Nhưng tôi hy vọng ở công đoạn xử lý ảnh trên Computer. Tuy vậy vẫn nhìn thấy đầu tượng nghiêng về phía trước như thể người khổng lồ đó đang đọc cuốn sách đặt trên đùi. Bức tượng đặt trên bệ nhiều bậc, nói đúng hơn là trên đỉnh kim tự tháp bậc thang cao không dưới 6000 mét. Bức tượng quay mặt về phía đông. Khoảng cách đến bức tượng Người Đang Đọc áng chừng 25-30 km. Kích cỡ bức tượng theo chúng tôi đánh giá ít nhất cũng bằng ngôi nhà 10-12 tầng.”
Theo phân tích của Muldashev, bức tượng Người Đang Đọc đang cầm tấm bảng vàng chứa các tri thức của người Lemuria, và người đó đọc bằng cách đặt 2 tay lên tấm vàng.
Sẽ không có một yếu tố ngẫu nhiên hay tự nhiên nào có thể tạo ra được công trình như bức tượng Người Đang Đọc ở độ cao trên 6.000 mét, chỉ có bàn tay con người mới có thể tạo ra những kiến trúc như vậy. Điều này khẳng định rằng Thành Thiên Đế và những huyền thoại về nó là sự thật.
Tượng đài Gompo-Pang
Khi thám hiểm Thành Thiên Đế, đoàn thám hiểm phát hiện ra một cấu trúc lạ mắt, khổng lồ, cao gần 800 mét, không chỉ khác hẳn với các quá núi khác ở Tây Tạng mà còn không giống bất kỳ những gì đoàn đã thấy trước đó. Đó chính là tượng đài mà vị tu sĩ trông coi thư viện duy nhất có những cuốn sách đã hàng nghìn năm tuổi ở khu vực Thành Thiên Đế gọi là Gompo-Pang.
Quan sát kỹ hơn Gompo-Pang, Muldashev phát hiện ra tượng đài có khắc 4 hình người đàn ông có chiều cao tăng dần đang đứng. Trên vai người cao lớn nhất có một em bé, ngoài ra trên tượng đài còn khắc hình 2 người đang ngồi ở tư thế thiền định. Phải chăng 4 người đứng tượng trưng cho 4 chủng tộc người đang ở trạng thái xô-ma-chi ở dưới Thành Thiên Đế bao gồm người Lemuria sơ kỳ, người Lemuria hậu kỳ, người Atlan và người Aryan?
Ngôi nhà của Đá hạnh phúc
Một trong những công trình kỳ lạ quan trọng mà đoàn thám hiểm khám phá là tượng đài có tên “Ngôi nhà của Đá hạnh phúc”.
Kể về “Ngôi nhà”, Muldashev cho viết: “”Ngôi nhà” – không dưới 800 mét, bằng khoảng ba tháp Eiffel (320 mét) chồng lên nhau. Phần “Ngôi nhà” trông thấy từ phía nam hoàn toàn bằng phẳng; bức tường thẳng đứng, đến giữa tầm cao của “Ngôi nhà” thì thoai thoải, nhưng gần tới đỉnh thì lại dốc ngược và tròn dần lên trên. Ở giữa đỉnh có cái bướu tròn tròn, phía trên lõm xuống như hình cái rốn. Có cảm giác một thời “Ngôi nhà” đã bị một thứ dung dịch gì đó bao phủ, di tích vẫn còn đó đến ngày nay. Ngoài ra còn có cảm giác như phần trên “Ngôi nhà” được làm riêng biệt và được hạ xuống từ trên không – một đường thẳng rõ rệt và phân chia phần dốc đứng và phần thoai thoải cho thấy điều này.”
Nhận xét về kiến trúc vĩ đại này, Raphael nói: “Tới đây tôi có thể khẳng định “Ngôi nhà” không thể là tạo thành tự nhiên được, không còn nghi ngờ gì nữa – đó là tượng đài cổ xưa khổng lồ”.
Ở phía mặt bắc của “Ngôi nhà”, phần trên của nó lõm vào như một gương cầu lõm, ở phần dưới của nó, dường như đã có ai đó khoét một cái cửa hình thoi, kích thước lên đến 250 x 200 m2 và bịt phía bên trong bằng một phiến đá lớn. Trong khi phần vỏ của “Ngôi nhà” được phủ một lớp vữa thì phiến đá bịt cửa này lại như một phiến đá nguyên khối đã qua xử lý mà không được trát vữa. Các nhà thám hiểm cho rằng đây chính là cánh cổng thứ ba vào Thành Thiên Đế. Vì một lý do nào đó, nó đã được bịt kín, chỉ có ai được phép hoặc có một câu thần chú mới có thể khiến nó mở ra.
Thung lũng tử thần và những tấm gương thời gian
Ở khu vực quanh núi Kailash, có một thung lũng, có tên là Thung lũng Tử Thần. Người Tây Tạng có truyền thuyết rằng thung lũng này cai quản bởi Tử vương Iama. Rất nhiều người đến đây đã bỏ mạng, cũng có rất nhiều những đạo sĩ đến đây ngồi xuống thiền định và viên tịch, họ cho rằng đó là cái chết hạnh phúc nhất. Trước khi chết, người ta sẽ phải đối mặt với tòa án lương tâm của mình.
Đoàn thám hiểm phát hiện rằng ở khu vực tổ hợp Thành Thiên Đế có rất nhiều các công trình đá đặc biệt trông như những tấm gương. Trong đó có rất nhiều tấm gương cong. Công trình đặc biệt nhất được Muldashev gọi là tấm Gương chủ chốt của thời gian. Tấm gương cao khoảng 600 mét, rộng khoảng 1500 mét, tổng diện tích xấp xỉ 1 km2. Bề mặt gương cong, hoàn toàn nhẵn nhụi và thẳng đứng. Mặt cong của tấm gương kết hợp với đài Gompo-Pang và “Ngôi nhà của Đá hạnh phúc” và các công trình khác tạo thành một thung lũng, đó chính là Thung lũng Tử Thần. Và tấm gương đó chính là Tấm gương của Tử vương Iama.
Nhà vật lý thiên văn nổi tiếng người Nga Nikolai Aleksandrovich Kozyrev (1908-1983) có lý thuyết về gương thời gian. Ông cho rằng dòng chảy thời gian là vật chất và có thể thay đổi hướng đi của nó, làm nó dày lên và mở rộng. Ông cũng tin rằng không gian chứa đầy các luồng thông tin. Trong các thí nghiệm, ông phát hiện ra rằng những dòng chảy này có khả năng được hấp thụ, phản xạ và tập trung bởi các tấm gương được thiết kế đặc biệt.
Sau khi Kozyrev qua đời, các nhà khoa học Nga đã sử dụng thiết kế của ông để tạo nên các gương thời gian. Khi thí nghiệm với các gương này cho thấy sự nén năng lượng thời gian bằng các bề mặt cong gây nên ở những người thí nghiệm cùng một loại ảo giác: nhìn thấy thiết bị bay kiểu UFO và yếu tố sự sống của thế giới song hành nào đó. Nghĩa là tại các địa điểm thời gian bị co lại, có xuất sự giao tiếp với các không gian và thời gian khác.
>> Không gian khác liệu có thực sự tồn tại?
Giáo sư Muldashev cho rằng Tấm Gương Chủ chốt khổng lồ có khả năng nén năng lượng thời gian mạnh tới mức thời gian bị co cực mạnh đó có sự biến đổi về chất – bằng cách nào đó nó ảnh hưởng tới không gian và chuyển người ta sang thế giới song hành tức không gian khác. Điều này tương tự với những lời mà Lạt ma giáo phái Bonpo chia sẻ với ông khi ông gặp lại vị lạt ma này ở Kamanthdu:
“…Tôi nhớ lạt ma Bonpo đã nói với tôi rằng ở khu vực Kailash thiêng có những chỗ đặc biệt, ở đó con người ta nhìn thấy, như trong gương, những thế giới song hành và thậm chí có thể trông thấy xứ sở Omolongren (Sambala). Lạt ma đó còn cho biết người bình thường không thể tới đó được vì thân xác người này sẽ hóa tro, và chỉ “những người lớn lao” mới có thể làm được điều đó, còn lúc này rất hiếm người đặc biệt có thể vào được khu vực đó và ngắm đời sống của xứ sở tuyệt đẹp Omolongren hoặc các thế giới song hành mà không bị tổn hại đến sức khỏe.”
Vào những năm 1980, một đoàn vận động viên leo núi ở độ tuổi 28-30 gồm 2 người Đức, 2 người Anh thám hiểm khu vực Kailash và đột nhiên mất tích. Sau đó 4 ngày, 4 vận động viên này được tìm thấy nhưng họ đã già hơn hàng chục tuổi. Một năm rưỡi sau, cả 4 vận động viên này đều qua đời vì quá già. Liệu có phải đoàn vận động viên này đã đi vào vùng tác động của các gương thời gian và họ bị đẩy sang một không gian khác ở đó thời gian trôi cực nhanh; và bằng cách nào đó khi họ quay trở lại không gian này thì đã trở nên rất già vì họ đã trải qua một khoảng thời gian rất dài ở không gian kia?
Rõ ràng, việc lọt vào vùng ảnh hưởng của gương thời gian, hay đi vào Thung lũng tử thần – nơi ảnh hưởng bởi tấm Gương Thời gian Chủ chốt khổng lồ là việc vô cùng mạo hiểm.
Liệu giáo sư Muldashev và đoàn thám hiểm có dám khám phá Thung lũng Tử thần không? Mời các bạn đón xem phần 7.
Thiện Tâm tổng hợp
Quay lại phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5
Tài liệu tham khảo:
[1] Hoàng kim bản Harachi, Ernst Muldashev, Nhà xuất bản thế giới, 2011
[2] Hoàng kim bản Harachi, Ernst Muldashev, Bản tiếng tiếng Nga
[3] Trong vòng tay Sambala, Ernst Muldashev, Nhà xuất bản thế giới, 2009
[4] Trong vòng tay Sambala, Ernst Muldashev, Bản tiếng Nga
Từ khóa du hành thời gian Ernst Muldashev núi Kailash cự thạch văn minh cổ đại Tây Tạng kim tự tháp