Chúng ta thoát thai từ đâu? Phát hiện sửng sốt từ dãy Himalaya (P7)
Vật liệu sinh học kỳ diệu và những khám phá mới về hình học nhãn khoa đã dẫn dắt giáo sư Ernst Muldashev và những nhà khoa học Nga dấn thân vào hành trình đến Himalaya để khám phá nguồn gốc loài người.
Tiếp theo phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6, .
Thung lũng Tử thần là một trong những nơi nguy hiểm nhất khu vực xung quanh núi Kailash thiêng. Ở đó có những tảng đá mà cạnh đó vẫn diễn ra phiên tòa mà Tử Vương Iama phán xét Lương tâm. Theo truyền thuyết, có vô số người đã bỏ mạng ở đây khi bị phán xét bởi Tử Vương Iama.
Sự nguy hiểm và huyền bí đó thôi thúc Giáo sư Muldashev phải đến bằng được Thung lũng Tử thần để chiêm ngưỡng Tấm Gương chủ chốt của thời gian. Chúng ta hãy theo dõi chuyến đi đầy mạo hiểm của ống đến thung lũng này.
Năng lượng thời gian
“Tôi đã tách hoàn toàn khỏi quan niệm tầm thường về thời gian như tiếng tích tắc của đồng hồ, tôi hình dung Thời gian chính là năng lượng hùng mạnh nhất và… năng lượng biết suy tưởng nhất. Chẳng thế mà tôi xin nói trước với bạn đọc thân mến một điều rằng thân thể của tôi và bạn do phantom thời gian – năng lượng thời gian lơ lửng trên không điều khiển và thậm chí chi phối (phantom – bóng ma, phantom thời gian tạm hiểu là năng lượng vô hình của thời gian – TTVN)
…Chúng tôi đi tiếp về phía trước. Còn tôi đảo mắt tìm cỗ gương của Tử Vương Iama.
Tôi biết nó phải hoạt động như một cái gương ép thời gian và bề mặt khổng lồ của nó bằng đá lõm. Nhưng một điều làm tôi ngạc nhiên là nhà bác học Nga vĩ đại Nikolai Kozyrev sau khi nghiên cứu hiệu ứng ép năng lượng thời gian bằng các cấu trúc lõm đã gọi chúng là gương, còn trong thần thoại Tây Tạng từ ngữ “gương” là tên gọi cấu trúc giúp Tử Vương Iama điều khiển Tòa án Lương tâm.”
>> Khám phá đột phá: ‘Gương thời gian’ – cánh cổng vào quá khứ và tương lai
“Tôi nhận thức ra rằng trong cơ thể con người tồn tại phantom bí hiểm của thời gian, không chỉ điều khiển các thông số mọi quá trình diễn ra trong cơ thể mà còn có khả năng suy nghĩ và sáng tạo, thông qua dòng chảy thời gian thỉnh thoảng nó cũng tác động tới sự xuất hiện những hiện tượng kỳ lạ, chẳng hạn chữa khỏi bệnh ung thư, khi mà thời gian trong các tế bào u bướu co lại và chúng dường như hết thời, già đi rồi chết.
Lúc đó tôi chưa biết rằng sau chuyến khảo sát, bị những ý nghĩ “đồng bóng” kích thích tôi sẽ thử lắp ghép con mắt “mới” trong ổ mắt của cô Tamara Gorbacheva, người Kiev, từ vật liệu Alloplant và các mô được hiến. Sang ngày thứ năm hậu phẫu khi con mắt “mới” phát sáng đỏ tôi sẽ ngồi đó với hai bàn tay run run mà lầm rầm: “Thời gian đã co lại. Thời gian đã co lại chăng? Các mạch máu đã nảy mầm vào con mắt “mới” nhanh gấp 150 lần, phải không nào?! Thời gian đã quyết định giúp như vậy…!”
Tấm gương của Tử Vương lama
“Tấm Gương của Tử Vương Iama hiện lên từ sau cái gò tiếp theo… Tôi có cảm giác hợp lý là nó… có hình dạng cái âu khổng lồ kéo dài ba cây số về phía đông. Tôi dừng lại. Các cậu bạn đi sau tôi cũng đứng lại. Tôi chăm chú nhìn cái âu khổng lồ, phủ đầy tuyết…
– Thưa ông, không được dừng lại chỗ này, – có tiếng của người dẫn đường Tatu ở phía sau.
– Vì sao? – tôi thắc mắc.
– Truyền thuyết của chúng tôi bảo tới khu vực này, – Tatu chỉ vào tấm Gương của Tử Vương Iama, – phải đi qua rất nhanh, rất…
Tôi nhìn vào cặp mắt nâu sẫm của Tatu và thấy trong đó nỗi niềm lo lắng thiện chí của con người sống trong “xứ sở của những điều huyền diệu” và hiểu rằng những kỳ quan trên thế giới là có thật.
– Tatu này, tôi ở lại đây. Tôi cần phải vẽ cái kia, – tôi phất tay về phía tấm Gương của Tử Vương Iama.
…Khi vẽ tấm Gương của Tử Vương Iama tôi có cảm giác ở nơi đây không rõ bằng cách đặc biệt nào đó tri giác nhạy cảm hơn, chúng cụ thể và rõ ràng hơn bao giờ hết và những tri giác đó có khả năng lôi ra từ trong sâu thẳm ký ức những sự khác nhau rất nhỏ và các chi tiết của điều đã đọc hoặc nghe thấy mà bình thường không bao giờ nhớ được.”
Những người canh giữ Thung lũng Tử thần
“Trong đầu tôi hiện rõ những dòng chữ trong cuốn sách của Angarica Govinda: “Khách hành hương đến gần nơi (phía bắc Kailash) từ đó nhìn thấy tấm Gương của Tử Vương Iama. Người này nằm xuống giữa những hòn đá tảng và thế là đứng trước tòa án của Iama – tòa án của chính Lương Tâm mình. Người này nhớ lại quá khứ của mình”.
…Tôi quyết định trước hết xem xét, cố tìm ra hai tảng đá mà Angarica Govinda đã nói tới. Tôi đoán Thung lũng Tử thần mà tôi đã nghe các nhà yoga và các vị lạt ma nói tới rất nhiều chính là ở nơi đó. Ngoài ra trong trí nhớ tôi còn hiện lên một vài chi tiết mà tôi đã không để ý khi đọc Angarica Govinda. Tôi sực nhớ tác giả đó đã viết về hai con chó có bốn mắt và lỗ mũi rất to, khách hành hương nào cũng phải đi qua chúng để “tới được các cha đang vui vẻ trong bữa tiệc chung với Iama”. Tôi cũng nhớ hai con chó đó màu hung hung, lốm đốm và chính chúng là những kẻ cướp… sinh mạng.
– Thế đó, thế đó, – trong đầu tôi bột phát ý nghĩ, – nghĩa là, nghĩa là hai tảng đá mà khách hành hương nằm phủ phục ở giữa, chịu sự phán xét của Lương Tâm phải giống con chó – có đốm, màu hung hung và có bốn mắt! Chính giữa hai tảng đá tựa hai con chó đó người hành hương trao đời mình cho sự phán xét của Iama. Từ đó suy ra…
– Tiêu điểm! Phải tìm ra tiêu điểm tấm Gương của Tử Vương Iama! – tôi bỗng reo thầm. – Gương đó có bề mặt lõm và có lẽ dùng địa bàn xác định tâm điểm của nó không khó. Chính ở đó – tâm điểm – phải có hai tảng đá giống hai con chó bốn mắt.
…Tôi nhìn Ravin. Cậu ta im lặng nhìn tôi. Ravin hiểu rằng tôi đang chuẩn bị đến Thung lũng Tử thần.
– Quay xuống thôi. Đứng dưới Gương Tử Thần thế là đủ rồi! – tôi ra lệnh.”
Vào thung lũng Tử thần đi một người
“… Tôi ngước mắt nhìn Ravin đứng bên:
– Ravin, anh đi một mình, phải như vậy.
– Sếp, em đi cùng anh.
– Ravin, không bàn cãi. Anh phải đi một mình không chỉ vì không muốn hi sinh tính mạng của cậu mà còn vì tới đó, vào Thung lũng Tử thần chỉ đi người một.
….
– Anh đi đây… Còn cậu, Ravin, đừng ngồi ở đây, lên gò kia kìa, – ở đó cậu sẽ không bị Gương tác động, khi quay lại anh lại dễ tìm thấy cậu. Được chứ? Thời gian kiểm soát hai tiếng. Còn nếu…
– Nếu sao?
– Còn nếu anh không quay lại…
– Lúc đó thì làm gì? – Ravin nhìn tôi với ánh mắt nặng trĩu.
– Lúc đó, – tôi cười chua xót, – lúc đó cậu hãy đi khỏi nơi đây, đuổi theo các bạn. Chớ vào đó với anh.
– Nhưng…
– Cậu hiểu rõ mọi điều mà, Ravin. – Vâng…”
Đến nơi mà tới rồi là không trở về
“Tôi giơ bàn tay cầm địa bàn, lấy góc hướng tới tâm điểm Gương của Tử Vương Iama và vẫy tay chào Ravin rồi bước về phía trước. Bước chân tôi vang dội trong tĩnh lặng, hơi thở như vang dội.
Sau 50-60 mét tôi lại điều chỉnh hướng đi theo địa bàn, miệng lẩm bẩm “Thế đấy, thế đấy”. Tôi đi đến Thung lũng Tử thần, đến nơi mà tới rồi là không trở về.
Bỗng tôi nhìn thấy dưới chân bộ xương – bộ xương chầy thực sự của người.
– Hừ… – tôi thốt ra.
Tôi nhớ tới khuôn mặt biểu cảm của Raphael trong một lần trò chuyện về Thung lũng Tử thần – nó bộc lộ tất cả những gì người ta có thể cảm nhận khi nói chuyện về điều huyền bí của cái chết và ý nghĩa của sự sống.
Tôi đi tiếp theo góc phương vị. Tôi đảo mắt xung quanh cố tìm ra hai tảng đá giống hai con chó đốm, lông hung, có bốn mắt. Tôi thú vị nhận thây rằng các tảng đá xung quanh có màu trăng trắng, xám và thỉnh thoảng đen, vì thế niềm tin có thể tìm ra hai tảng đá đốm – hung đó hoàn toàn hiện thực….
Những ý nghĩ đó quay như chong chóng trong đầu tôi, chúng rõ ràng đến sửng sốt. Còn tôi vẫn bước tiếp – đến Thung lũng Tử thần. Đến một đoạn tôi vấp phải hòn đá và đánh rơi chiếc địa bàn, nhưng tôi nhặt lên ngay và lại tiến về phía trước. Đến tâm điểm chưa biết của tấm Gương của Tử Vương Iama theo tính toán của tôi còn khoảng 100-150 mét.
Không hiểu sao tôi không nghĩ về cái chết, tôi có đi để chết đâu. Đơn giản tôi biết rằng mình lại bị cuốn hút vào một trò nữa – đi gặp tử thần.”
Đi gặp Tử thần
“Tôi lại nhìn thấy dưới chân bộ xương người nữa. Tôi bước chậm lại, nhưng lại tiến về phía trước. Tôi hi vọng thực thể thời gian biết suy nghĩ… có thể…
…
Mắt tôi lại hướng về hai đốm hung hung và không rời mắt bước tới. Tim vẫn đập loạn xị, nhịp thở gấp. Như tia chớp vút qua câu nói của Angarica Gôvinđa:
– Nhiều người đã bỏ mạng ở đây.
Bước chân tôi dội tiếng giữa không gian tĩnh mịch của núi non. Lúc đó tôi không có cảm giác xấu nào cả – lương tâm không cắn rứt, không tự giày vò mình, không run sợ. Trước mắt tôi chỉ có một cái đích – đến chỗ hai tảng đá đốm hung đó và đứng vào giữa chúng để thời gian co nhận định mình.
…Chỉ còn vài mét nữa là đến chỗ hai tảng đá. Tôi bước chậm lại. Thấy rõ hai tảng đá đó quả thật rất giống hai con chó bốn mắt. “Mõm” hai con chó đá đó chĩa về phía tôi và tôi có cảm tưởng hai cái “mõm” đó không gầm gừ mà là cười khẩy. Mỗi tảng đá cao gần một mét và màu hung đốm của chúng nổi rõ trên nền đá đen-xám. Khoảng cách giữa hai tảng đá khoảng mét rưỡi.
Quả thật, hai tảng đá đốm hung giống hai con chó đang ngồi. Có điều lạ xung quanh hai tảng đá không thấy có màu sắc nào như vậy.
…
– Đó không phải chó mà là tử thần muốn xé xác ta, – một ý nghĩ thần bí thoáng qua.
Tôi giơ tay về phía một trong hai tảng đá, nhưng rụt lại ngay. Hệt như có dòng điện phóng qua bàn tay.
Tôi đứng trực diện với hai tảng đá. Tôi lại nhìn chúng, lại hình dung trong thế giới năng lượng tế vi hai tảng đá này chính là những con chó đốm hung và như thể hướng về chúng tôi khe khẽ và dịu dàng nói:
– Mong sao các vị, những kẻ bắt cóc, mãi mãi ở đây!
Một lần nữa tôi ngẩng đầu lên, một lần nữa ngước nhìn tâm Gương lấp lánh của Tử Vương Iania và… bước vào khoảng không giữa hai tảng đá đốm hung.
…
Bỗng tôi cảm thấy cuộc đời tôi thoáng qua trước mắt như những bức tranh nhiều màu sắc giống bảng giờ tàu chạy bằng tấm nhôm ghi ở sân ga đường sắt. Cảm xúc của tôi không bỏ sót bức tranh nào và đáp lại từng bức tranh một, với bức tranh này thì cảm nhận ngọt ngào, với bức khác thì là tiếng thì thầm không bằng lòng, cố xua đi hình ảnh đó. Song tôi sợ sự xuất hiện của lòng phẫn nộ, nỗi tức giận với chính bản thân mình… sự căm phẫn mãnh liệt chết người.
Tôi hiểu ra rằng Tử Vương Iama đã bắt đầu phiên tòa lừng danh xét xử… lương tâm tôi.
…Những cảm xúc đi kèm với những hình ảnh tuổi thơ hầu như luôn luôn ngọt ngào và trong sạch.
…Hình ảnh đời trưởng thành của tôi cũng thường gắn với những sự kiện tôi đau khổ, dằn vặt, dựa vào linh cảm xây dựng những phương pháp chữa trị mới cho bệnh nhân… Đặc biệt rõ nét hình ảnh Bộ Y tế ký lệnh thành lập Trung tâm phẫu thuật mắt và chỉnh hình toàn Nga của chúng tôi, và sự việc này trong cảm xúc được tiếp nhận như chiến thắng của linh cảm, nói đúng hơn, thắng lợi của nền khoa học dựa trên cơ sở linh giác.
…Nhưng những xúc cảm dễ chịu nhất vẫn là khi xuất hiện những hình ảnh của ba chuyến đi khảo cứu Himalaya của tôi.
…Sau đó tôi lại thấy mình “vật lộn với khoa học”. Song đó đã là thứ khoa học khác… có thể… trong sáng, đích thực vì khi phân tích những dữ liệu thuần túy khoa học tôi đã không ngại sử dụng những thông tin bí truyền và những kết quả lạ kỳ của những chuyến đi khảo sát Himalaya.
…Chẳng mấy chốc tôi hiểu ra rằng không phải Tử Vương Iama “xem phim video” về quãng đời đã qua của mình mà là ngài lần giở cuốn sách kỳ lạ gì đó về tư tưởng của mình đồng thời có cả “băng ghi hình” nghĩa là cùng lúc đó quan sát mình một cách khách quan.
>> Mọi hành động của chúng ta đều được ghi lại trong ‘video của vũ trụ’?
…Giờ thì tôi đã hiểu rõ cái quan trọng trong một con người không phải việc làm mà là tư tưởng của người đó.
…Tôi lắc đầu một cái và tận mắt nhìn thấy mình đang đứng giữa hai tảng đá màu đốm.
Khẽ hất lưỡi trai lên tôi trông thấy tấm Gương của Tử Vương Iama. Tôi nhìn hai bàn tay mình -chúng lạnh ngắt và cứng đơ. Tôi nhìn xuống và kinh hãi nhận ra mình đang đứng trên những bộ xương người. Không thấy thấp thoáng những hình ảnh nữa.
Tôi quay lại và lùi bước. Một nỗi buồn nhói trong lòng. Đôi giầy mòn nện trên những tảng đá, còn chiếc kim địa bàn thành thạo dẫn tôi tới nơi có Ravin đang đợi.
Nỗi buồn vẫn nhoi nhói trong lòng. Tôi bước đi nặng nề. Đến một chỗ tôi dừng lại và sờ người mình.
-Còn… sống, – tôi thốt lên thành tiếng.
Nhưng có cái gì đó rú lên trong lòng. Sau đó tiếng rú mạnh lên và đột ngột chuyển thành cái nhói ở vùng dạ dày.
– Ái-ái-ái, – tôi gập người xuống vì đau.
…Nhưng cơn đau, đau đến sợ ở vùng dạ dày, đã báo hiệu cho tôi.
…Những hình ảnh đời tôi thấp thoáng trong không gian giữa hai tảng đá đốm hung, những xúc cảm đi kèm chúng dường như đã dẫn tôi tới kết luận hình như trong đời mình tôi đã không làm nhiều điều trái, ngoài ra thời trẻ tôi ít chịu nghe linh cảm và đã để mất nhiều thời gian mà tôi đã được cấp để hoạt động sáng tạo.
….Tôi hiểu rồi, cái đau đó chính là hình phạt của Tử Vương Iama đối với tôi vì tội đã để mất thời gian.
– Chà, ngài nghiêm khắc quá đấy, Iama ạ! – tôi thốt lên trong hơi thở hổn hển vì đau
…Cơn đau mỗi lúc một dữ dội hơn. Tôi không chịu được nữa và ôm lấy bụng khuỵu xuống quằn quại trên tảng đá.
– Ôi-ôi-ôi-ối! – tôi rên rỉ, nằm trên tảng đá cạnh lối ra vào Thung lũng Tử thần.
Ngẩng lên, mặt mày xây xẩm tôi nhìn xung quanh. Ngay cạnh tôi có bộ xương, bộ xương người.
Và thế là tôi hiểu, không phải mình đang hấp hối, không phải sắp bị thiêu thành tro mà là tôi đang bị trừng phạt bằng cơn đau kinh hoàng. Tử Vương Iama đã tuyên án với tôi. Ngài đã không bắt tôi.
Tôi nhổm dậy trên hai đầu gối, người gập xuống, đầu chạm đất, tôi ở tư thế đó khá lâu. Những giọt nước mắt giỏ xuống đất. Tôi khóc và rên, rên và khóc.
…Tôi bước lên trước. Dù không hoàn toàn nhưng đôi chân đã tuần lệnh tôi. Tôi đi theo góc hướng tới nơi Ravin đang đợi. Dạ dày đau kinh khủng. Nhưng tôi hi vọng Tử Vương Iama đã để tôi lại ở đây – cõi Trần này. Có lẽ tôi còn cần cho nơi đây.
Còn khoảng hai trăm mét nữa đến tới gò mà đúng ra Ravin đang đợi tôi ở đó thì tôi kiệt sức. Tôi bò lồm cồm. Cứ như thế tôi đã đến chỗ Ravin – gần như toàn bò trên hai chân và hai tay.
Ravin nhẩy bổ tới tôi. Cậu ta đỡ khuỷu tay cố dựng tôi dậy. Còn tôi túm chân cậu ta, áp mặt vào đầu gối và rên lên rõ to chẳng ngượng gì cả.
– Thế nào, sếp? – tôi nghe tiếng Ravin.
– Anh còn sống đấy chứ? – tôi hỏi liền.
– Vâng, – cậu ta đáp vẻ ngỡ ngàng.
– Có già đi không?
– Không đâu. Hồng hào lắm…”
Đón xem Phần 8.
Thiện Tâm (t/h)
Quay lại phần 1, phần 2, phần 3, phần 4, phần 5, phần 6
Xem thêm:
>> Khám phá đột phá: ‘Gương thời gian’ – cánh cổng vào quá khứ và tương lai
>> Mọi hành động của chúng ta đều được ghi lại trong ‘video của vũ trụ’?
Tài liệu tham khảo:
[1] Trong vòng tay Sambala, Ernst Muldashev, Nhà xuất bản thế giới, 2009