Nam Cực đã không còn là lục địa duy nhất miễn nhiễm với COVID-19 khi mới đây virus này đã tấn công một cơ sở nghiên cứu của Chile ở Nam Cực, qua đó khiến cho dịch bệnh chính thức lan ra mọi châu lục trên Trái đất. 

COVID-19
(Ảnh minh họa: Andrew Mandemaker/Wikipedia)

Cụ thể, 36 người có liên hệ với căn cứ quân đội Chile Bernado O’Higgins Riquelme đã xét nghiệm dương tính với virus corona hôm 21/12 vừa qua.

Căn cứ O’Higgins là một trong 13 căn cứ quân sự của Chile đang hoạt động ở Nam Cực. Khu vực này được đặt theo tên của vị tướng Bernado O’Higgins Riquelme – người anh hùng quan giúp Chile giành được độc lập trước Tây Ban Nha vào năm 1810. O’Higgins cũng là một trong những căn cứ lâu đời nhất hoạt động liên tục ở Nam Cực từ năm 1948.

Theo tờ ABC, các bệnh nhân mới gồm 26 người thuộc quân đội Chile và 10 nhà thầu dân sự đang tham gia bảo trì căn cứ trên.

Căn cứ này nằm ở phía bắc của Bán đảo Nam Cực, là một phần của Tây Nam Cực (một trong 2 vùng lớn của châu Nam Cực). O’Higgins nằm cách xa căn cứ của nước Úc ở vùng Đông Nam Cực và được cho là nơi rất khó tiếp cận.

Sự bùng phát của dịch bệnh ở Nam Cực có thể bắt nguồn từ việc vận chuyển vật tư từ tàu hải quân Sargento Aldea xuống căn cứ. Tàu hải quân xuất phát từ Chile đến Nam Cực vào ngày 27/11. Khi tàu trở lại cảng Talcahuano 3 tuần sau đó, một số thuyền viên đã có kết quả dương tính với virus. Điều bất ngờ là toàn bộ thủy thủ đoàn đã xét nghiệm âm tính trước khi lên đường thực hiện chuyến hành trình tới Nam Cực.

Một số người bị nhiễm được cho là đã có nhiều triệu chứng của bệnh. Tất cả 36 người sau đó được đưa đến thành phố Punta Arenas thuộc miền nam Chile, nơi họ sẽ trải qua quá trình cách ly. Các ca COVID-19 hiện đều trong tình trạng sức khỏe tốt.

Về nhân sự thay thế, một nhóm mới đã được cách ly, xét nghiệm âm tính và gửi đi thay cho nhóm 36 người nói trên.

Nam Cực không có cư dân thường trú nhưng thường có khoảng 1.000 vào mùa đông và 5.000 người vào mùa hè, phần lớn là các nhà khoa học, nhân viên hỗ trợ tại các cơ sở nghiên cứu rải rác khắp lục địa và những du khách ở lại trong suốt mùa đông. Cho đến trước ngày 21/12, Nam Cực vẫn là châu lục duy nhất của Trái đất chưa bị tác động của đại dịch.

Hồi tháng 3/2020, khi thế giới phong tỏa vì sự lây lan COVID-19, các chương trình ở Nam Cực đã lường trước rằng đại dịch có thể trở thành một thảm họa lớn. Với gió mạnh nhất và nhiệt độ lạnh nhất thế giới, châu lục có diện tích gần bằng Mỹ và Mexico vốn đã nguy hiểm cho những người làm việc tại các căn cứ hoạt động quanh năm.

Để ngăn đại dịch COVID-19 lây lan đến Nam Cực, tất các các dự án nghiên cứu lớn đã bị ngừng lại. Nhiều dự án hợp tác, trong đó có 5 trạm nghiên cứu của Anh, cũng bị ngừng lại.

Giáo sư Hanne Nielsen thuộc Đại học Tasmania (Úc) là người tham gia dự án xem xét các tác động của việc hủy bỏ mùa du lịch ở Nam Cực. Bà cho biết sự xuất hiện của virus trên lục địa này sẽ có nhiều tác động. “Việc phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 ở Nam Cực sẽ ảnh hưởng đến một loạt các hoạt động, chẳng hạn như lập kế hoạch và hậu cần cho hoạt động của con người ở đây,” bà Hanne Nielsen chia sẻ.

Năm 1918, khi đại dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành, Nam Cực không hề có ca nhiễm nào nhưng 36 ca dương tính COVID-19 vừa ghi nhận đồng nghĩa với việc COVID-19 đã có mặt trên toàn bộ các lục địa của Trái đất.

Theo Đại học John Hopkins (Mỹ), COVID-19 đã lây lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 77 triệu người nhiễm bệnh và 1,7 triệu ca tử vong.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: