Các chuyên gia về chiến tranh thông tin của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cảnh báo, một cuộc chạy đua quốc tế đang diễn ra đối với công nghệ não bộ mới nổi có thể trích xuất thông tin và đưa nó vào não. Việc cải thiện giao diện não-máy tính có thể giúp con người điều khiển các thiết bị bằng suy nghĩ. Nỗ lực biến con người thành X-Men không chỉ là khoa học viễn tưởng.

GettyImages 164871654 scaled
Ngày 29/3/2013, tại phòng thí nghiệm chung Nhật – Pháp của Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp Tiên tiến Nhật Bản ở Tsukuba, ngoại ô Tokyo, robot hình người HRP-2 được điều khiển thông qua hoạt động não bộ của con người thông qua giao diện não-máy tính (BMI). (Ảnh: Yoshikazu Tsuno /AFP qua Getty Images)

Theo báo cáo của Washington Times, công nghệ não tạo ra giao diện não-máy tính (BMI), thiết lập kết nối trực tiếp giữa tín hiệu của não và thiết bị xử lý các tín hiệu này, để hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu.

Trung tá Mark Wess, một sĩ quan chiến tranh mật mã, viết trên tờ Proceedings, tạp chí của Viện Hải quân Hoa Kỳ, cho biết, đối với quân đội, không có công nghệ mới nổi nào quan trọng hơn điều này.

Ông Wess hình dung ra một tương lai các sĩ quan hải quân sử dụng công nghệ này để điều khiển hệ thống dẫn đường, vũ khí và kỹ thuật của tàu chiến, làm cho con tàu trở nên sống động chỉ bằng cách nghĩ về nó.

Ông cũng cảnh báo rằng Trung Quốc và Nga có nhiều khả năng hơn Mỹ trong việc nhanh chóng áp dụng công nghệ này vào lực lượng chiến đấu của họ, vì họ ít quan tâm đến khả năng tạo phản của máy móc và sức khỏe của người dân.

Năm 2018, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng Hoa Kỳ đã đưa ra kế hoạch sử dụng công nghệ này, nhằm tạo ra một giao diện thiết bị đeo có thể điều khiển các dàn máy bay không người lái.

Công nghệ não bộ và máy phát hiện nói dối

Chính phủ Hoa Kỳ đang nghiên cứu xem liệu công nghệ não bộ có thể trở thành máy phát hiện nói dối hiệu quả hơn các phương pháp thẩm vấn và máy phát hiện nói dối truyền thống hay không.

Theo luận án thạc sĩ năm 2021 của Đại úy Ayesha Ahmad tại Học viện Sau đại học Hải quân, Bộ Quốc phòng đã tài trợ cho nghiên cứu về phát hiện hành vi lừa dối thông qua hình ảnh thần kinh để quan sát hoạt động của não.

Bà Ahmad đã xem xét việc trước đây Hải quân Hoa Kỳ đã sử dụng điện não đồ (EEG) để phân loại hành vi lừa dối, với độ tin cậy thống kê trung bình là 95% và tỷ lệ lỗi dưới 1%.

Bà đề xuất một thứ gọi là “Hệ thống phát hiện nói dối tích hợp trong chiến tranh” (WILDS). Máy cảm biến sẽ đo các tín hiệu điện trong não, lưu lượng máu não, nhiệt độ cơ thể, nhịp tim và các chỉ số đầu vào khác, đồng thời đưa ra những phán đoán toàn diện để tìm hiểu sự thật từ kẻ thù.

Các đối thủ của Mỹ cũng đang phát triển công nghệ não bộ. Trung Quốc cho biết, họ đã sử dụng công nghệ này để có thể “đọc suy nghĩ”.

Năm 2019, Đại học Thiên Tân của Trung Quốc và Tập đoàn Điện tử Trung Quốc tiết lộ, họ đã tạo ra thiết bị Brain Talker có khả năng giải mã ý đồ tâm lý thông qua tín hiệu điện.

Theo bản dịch tiếng Anh của thông báo này vào tháng 5/2019, nhà khoa học dữ liệu điện tử Trung Quốc Trình Long Long (Cheng Longlong) cho biết, công nghệ này sẽ được sử dụng trong chăm sóc y tế, giáo dục, an ninh và kỷ luật tự giác.

Công nghệ cấy ghép não

Ngoài việc sử dụng các công nghệ mới nổi để trích xuất thông tin từ não và điều khiển các thiết bị bên ngoài, các nhà nghiên cứu cũng đang nỗ lực tìm hiểu cách sử dụng công nghệ để cấy kiến ​​thức vào não.

Sau khi xác định được các tế bào não chịu trách nhiệm mã hóa ký ức, các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra ký ức giả trong não chuột. Họ sử dụng tia laser để kích hoạt tế bào não ở loài gặm nhấm, và cấy ghép những ký ức sai lầm.

Sau khi phát hiện này được công bố cách đây một thập kỷ, tạp chí Smithsonian đã ca ngợi nghiên cứu này là một bước đột phá trong khoa học thần kinh.

Các quan chức đã bày tỏ sự quan tâm đến việc áp dụng công nghệ này cho động vật trong thời gian ngắn và cho con người về lâu dài.

Năm 2019, Thiếu tướng Không quân Mark W.Vahle đã viết về chủ đề “kiểm soát động vật từ xa” cho Trường Cao đẳng Chỉ huy và Tham mưu Không quân. Ông cho rằng những tiến bộ này mang lại nhiều khả năng có thể tăng cường sử dụng động vật trong quân đội.

Ông viết, các ứng dụng quân sự bao gồm việc vận chuyển trọng tải, chẳng hạn như những nỗ lực trong Thế chiến II sử dụng chim bồ câu và dơi để vận chuyển đạn dược, trinh sát, tìm kiếm cứu nạn và phát hiện chất nổ.

Tương lai của giao diện não-máy tính

Để làm sáng tỏ giao diện não-máy tính và giúp mọi người hiểu các ứng dụng của nó, Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Hoa Kỳ sẽ tổ chức một cuộc triển lãm công nghệ não bộ tại văn phòng ở Washington vào ngày 15/11.

Triển lãm này ghi lại những tiến bộ trong công nghệ não bộ, trưng bày nghệ thuật kỹ thuật số được tạo ra bởi những bệnh nhân bị liệt, bằng cách sử dụng các chương trình phần mềm và cấy ghép não Blackrock Neurotech.

Triển lãm cũng cho thấy, các nhà khoa học đang tiến hành thí nghiệm trong các lĩnh vực phục hồi chức năng mới như thính giác và thị giác, để người mù có thể nhìn thấy và người điếc có thể nghe được trở lại.

Blackrock Neurotech đang nghiên cứu “thu thập dữ liệu toàn bộ não”, và hy vọng sản phẩm đầu tiên của họ sẽ có mặt để sử dụng tại nhà vào năm tới.

Bà Olga Francois thuộc Hiệp hội vì sự tiến bộ của khoa học Hoa Kỳ cho biết, việc sử dụng tại nhà không có nghĩa là cấy ghép não sẽ sớm xuất hiện.

Tỷ phú Elon Musk đang tìm cách thay đổi hiện trạng này. Sau khi nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ vào tháng 5, Neuralink của ông bắt đầu tuyển dụng bệnh nhân, để thử nghiệm công nghệ giao diện não-máy tính vào tháng 9.

Neuralink cho biết, mục tiêu của thử nghiệm đầu tiên trên người là cho phép mọi người điều khiển con trỏ máy tính và gõ trên bàn phím chỉ bằng suy nghĩ của họ.