Truyền thuyết nổi tiếng của Na Uy kể rằng người Viking sở hữu một hòn đá có phép thuật, giúp nhận biết vị trí của mặt trời khi trời nhiều mây hay thậm chí cả sau khi mặt trời lặn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy đá mặt trời là có thực và rất chuẩn xác.

Đá mặt trời trong truyền thuyết Viking
Một tinh thể calcite tìm thấy trên tàu Elizabethan, người ta tin rằng nó giúp những người Viking định hướng trên biển.

Người Viking nổi tiếng nhờ tài nghệ đi biển, họ có thể định hướng ngay cả ở những vùng biển xa lạ mà không hề sợ hãi, giúp họ xâm chiếm những vùng đất dọc theo biển Bắc và các bờ biển Đại Tây Dương tại châu Âu.

Một số câu chuyện dân gian của Na Uy cổ đại có nói về đá mặt trời – dùng để xác định vị trí của mặt trời sau hoàng hôn. Trong nhiều năm người ta vẫn cho rằng nó chỉ là chuyện thần thoại. Nhưng vào năm 2010, người ta tìm thấy một tinh thể rất độc đáo trong đống đổ nát còn sót lại của con tàu Elizabethan chìm ở ngoài khơi đảo Channel. Sau 3 năm dày công nghiên cứu, các nhà khoa học đã công bố rằng tinh thể đó được làm từ canxit, có thể trợ giúp định hướng.

Canxit là một trong những khoáng vật phổ biến nhất trên hành tinh của chúng ta, là thành phần chính của đá vôi, đá phấn và đá cẩm thạch.

Theo các nhà nghiên cứu, đá mặt trời kỳ lạ ở chỗ nó có thể tạo một khúc xạ kép đối với ánh sáng mặt trời, thậm chí ngay cả khi nó bị mây hay sương mù che khuất. Họ có thể xác định vị trí của Mặt Trời với độ chuẩn xác rất cao.

Đá mặt trời trong truyền thuyết Viking
Người Viking được biết đến như là các bậc thầy đi biển. Bức tranh “Leiv Eiriksson khám phá ra châu Mỹ” vẽ năm 1893. (Ảnh: Wikipedia)

Nghiên cứu mới tiết lộ độ chuẩn xác

Theo trang Phys.org, trong một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi đại học Eötvös Loránd tại Hungary, người ta chạy các mô phỏng của 1000 chuyến đi từ Na Uy đến Greenland, với các mức độ mây che phủ khác nhau, nhằm xác định mức độ định hướng chuẩn xác của đá mặt trời.

Sau khi nhập các dữ liệu mô tả chuyến đi, các nhà khoa học chạy mô phỏng đó nhiều lần trong hai ngày cụ thể là xuân phân và hạ chí. Họ chạy thử với các loại tinh thể khác nhau và với các khoảng thời gian nghỉ khác nhau giữa các thử nghiệm,” Phys.org đưa tin.

Kết quả nghiên cứu cho thấy dùng tinh thể cordierite cách nhau ít nhất 3 giờ thì cho độ chính xác từ 92.2% đến 100%.

Điều này giải thích vì sao những người Vikings có thể thống trị Đại Tây Dương trong suốt 300 năm và thậm chí có thể đến Bắc Mỹ mà không cần la bàn nam châm,” các nhà nghiên cứu nói.

>> Hệ thống lịch Maya tương đồng kỳ lạ với lịch Trung Hoa cổ đại: Mối liên hệ sớm về văn hóa?

Đá mặt trời được dùng song song với la bàn mặt trời

Các nhà khoa học tin rằng người Viking đã kết hợp đá Mặt Trời với la bàn mặt trời để định hướng tàu biển khi trời tối.

Đá mặt trời trong truyền thuyết Viking
Một mảnh gỗ tìm thấy ở Uunartoq, Greenland năm 1948. Người ta tin rằng nó là một la bàn mặt trời dùng để xác định phương hướng. (Ảnh: Soren Thirslund)

Một mảnh còn lại của la bàn mặt trời được khai quật vào năm 1948 trong một một vịnh hẹp ở Uunartoq, Greenland. Đến thế kỷ thứ 10 thì các nông dân Na Uy đến định cư ở đó. Lúc đầu người ta chỉ nghĩ vật dụng này là để trang trí nhà cửa, nhưng về sau các nhà khoa học phát hiện ra những đường kẻ được khắc dọc theo cạnh là để định hướng.

Theo bài báo đăng trên Live Science năm 2013, “nhóm nghiên cứu phát hiện ra, vào buổi trưa hàng ngày, khi Mặt Trời lên đến đỉnh cao nhất, cái kim ở trung tâm la bàn sẽ đổ bóng giữa hai đường kẻ trên chiếc đĩa. Những người đi biển thời cổ đại có thể đã đo độ dài của cái bóng đó, rồi xác định ra vĩ độ.”

Một cảnh trong bộ phim Viking (2013) mô tả cách sử dụng la bàn mặt trời. Trong đoạn phim này, một người đàn ông hướng dẫn người đồng hành của mình sử dụng chiếc la bàn mặt trời, đo độ dài của cái bóng chiếc kim chỉ lên la bàn để xác định vĩ độ.

Nhưng nếu không có mặt trời, những lúc mặt trời bị mây che mất thì sao? Lúc đó đá mặt trời sẽ phát huy tác dụng.

Theo Ancient origins
Nguyên Khánh biên dịch với sự cho phép.