Facebook cho biết hôm 10/2 vừa qua rằng họ sẽ chuyển sang ngăn chặn phạm vi tiếp cận (reach) của nội dung chính trị trên nền tảng truyền thông xã hội, và hãng này sẽ bắt đầu thử nghiệm nguồn cấp tin tức (news feed) cho người dùng ở Canada, Indonesia và Brazil.

Facebook
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg. (Ảnh: Frederic Legrand/Shutterstock)

“Trong những thử nghiệm ban đầu này, chúng tôi sẽ khám phá nhiều phương thức khác nhau để xếp hạng nội dung chính trị trong nguồn cấp dữ liệu của mọi người bằng cách sử dụng các tín hiệu khác nhau, và sau đó quyết định các cách tiếp cận mà chúng tôi sẽ sử dụng trong tương lai,” Aastha Gupta, giám đốc quản lý sản phẩm của Facebook, cho biết trong một bài blog đăng hôm 10/2.

Những phát ngôn trên của cô Aastha Gupta tương tự với bình luận được đưa ra bởi CEO Facebook Mark Zuckerberg vài tuần trước. Ông Zuckerberg cho biết vào hôm 2/2 rằng: “Chúng tôi hiện cũng đang xem xét các bước mà chúng tôi có thể thực hiện nhằm giảm nội dung chính trị xuất hiện trên nguồn cấp tin tức.”

Facebook cho hay rằng người dùng sẽ được khảo sát về các thử nghiệm để giảm bớt nội dung chính trị.

Theo Gupta, các trang cá nhân của các chính trị gia sẽ không được miễn kiểm tra. Không rõ thay đổi này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các trang truyền thông và phạm vi tiếp cận của các phương tiện của nó.

Vài tuần trước, nhân viên của tờ The Epoch Times nhận thấy rằng Facebook dường như đã giảm phạm vi tiếp cận trên các bài đăng của mình. Tờ báo này đã liên hệ với công ty để bình luận thêm về sự việc trên. Hơn một năm trước, Facebook đã cấm The Epoch Times và các trang liên quan của nó không được quảng cáo, đồng thời đình chỉ việc sử dụng tính năng Bài viết Tức thời (Instant Articles).

“Điều quan trọng cần lưu ý là chúng tôi sẽ không xóa hoàn toàn nội dung chính trị khỏi Facebook. Mục tiêu của chúng tôi là duy trì khả năng tìm thấy và tương tác với nội dung chính trị của mọi người trên Facebook, đồng thời tôn trọng sở thích của mỗi người đối với nội dung đó ở phần đầu nguồn cấp tin tức của họ,” Gupta cho biết trong bài đăng.

Trong quá trình thử nghiệm, Gupta cho biết rằng “Thông tin về COVID-19 từ các tổ chức y tế có thẩm quyền” sẽ không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, “nội dung từ các cơ quan và dịch vụ chính thức của chính phủ cũng sẽ được miễn.”

Facebook, Twitter, Google và Amazon đều đã bị chỉ trích trong những tháng gần đây vì những nỗ lực phối hợp nhằm ngăn chặn tiếng nói bảo thủ và các quan điểm khác bên ngoài dòng chính. Nó đã khiến các quan chức được bầu, bao gồm cả cựu Tổng thống Donald Trump, đề xuất thu hồi Mục 230 của Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (CDA), về cơ bản đóng vai trò như một lá chắn trách nhiệm cho các Big Tech.

Theo một báo cáo trên tờ Forbes, Bộ Tư pháp đã nhắc đến Facebook là một trong những phương tiện truyền thống xã hội “tích cực nhất” trong việc thu thập các tài liệu chống lại những người bạo loạn bị cáo buộc tại Điện Capitol vào hôm 6/1. Khi nói về Chương trình về Chủ nghĩa cực đoan tại Đại học George Washington, Forbes cho biết Facebook được nhắc đến 73 lần, YouTube được đề cập 24 lần, Instagram (thuộc sở hữu của Facebook) được nhắc đến 20 lần và trang web mạng xã hội thay thế Parler chỉ được đề cập 8 lần.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: