Giả dược ‘trung thực’: Khi thuốc vẫn có tác dụng dù bệnh nhân biết là giả
- Quốc Hùng
- •
Y học cổ truyền Đông phương vẫn lưu truyền một câu nói “Bảy phần tinh thần, ba phần bệnh”. Trí tuệ cổ nhân thâm sâu khôn lường, nên câu nói này chắc hẳn phải mang rất nhiều tầng nghĩa. Nhưng ở một tầng thứ nông cạn nào đó, có thể hiểu rằng tinh thần đóng một vai trò rất quyết định trong việc điều trị bệnh tật cho con người. Một ví dụ thực tiễn của nhận định này chính là hiệu ứng giả dược (placebo).
Vậy giả dược là gì? Hiểu một cách nôm na, giả dược là thuốc nhưng không phải là thuốc, không hề chứa trong mình các thành phần có dược tính, hay nói cách khác là không có khả năng chữa bệnh. Nhưng bệnh nhân, trong điều kiện không biết đây là giả dược, vẫn thu được những tiến triển tích cực. Tác dụng của giả dược đã được biết tới từ hàng nghìn năm trước nhưng phải đến những năm cuối của thế kỉ 18, khái niệm này mới được công nhận một cách chính thức, được ghi vào trong từ điển y khoa.
Thế nhưng, việc sử dụng giả dược bấy lâu nay vẫn gây ra tranh luận gay gắt trong giới y học, đặc biệt là về mặt đạo đức của nó. Để các bệnh nhân không biết họ đang được cho dùng giả dược, các bác sĩ thường phải dày công làm như thật, từ khám bệnh, kê đơn và cả… thu tiền. Nhưng nói một cách nghiêm khắc, bất kể là liệu pháp bằng giả dược có hiệu nghiệm hay không, thì đây vẫn là đang lừa dối bệnh nhân.
Mối bận tâm này đã khiến Ted Kaptchuk, một giáo sư tại Trường Y Harvard, trăn trở. Kaptchuk tự hỏi liệu đánh lừa người bệnh có thực sự cần thiết trong quá trình sử dụng giả dược? Liệu các hiệu ứng giả dược tích cực có xuất hiện ngay cả khi một bệnh nhân đã biết trước mình chỉ được uống một viên thuốc chỉ chứa toàn đường? Năm 2010, ông đã công bố những khám phá đáng kinh ngạc của mình cho cả thế giới.
Một nhóm 80 bệnh nhân đang phải vật lộn với hội chứng kích thích ruột (IBS) đã được tập hợp lại. Họ được chia làm hai nhóm, nhóm thứ nhất không nhận được chỉ định trị liệu nào cả, trong khi nhóm còn lại được đưa cho các viên giả được với yêu cầu uống hai viên một ngày tròng vòng ba tuần.
“Chúng tôi không chỉ nói rất rõ với họ rằng những viên thuốc này không chứa thành phần dược tính, chỉ chứa những hợp chất vô dụng, mà còn in chữ ‘giả dược’ lên trên lọ thuốc”, Kaptchuk nói. “Chúng tôi nói với các bệnh nhân rằng họ thậm chí không cần tin vào hiệu ứng giả dược, rằng họ sẽ khỏi bệnh. Chỉ cần uống các viên thuốc thôi.”
Kết quả làm kinh ngạc tất cả mọi người tham gia, với 59% bệnh nhân được cho uống giả dược xác nhận rằng những viên thuốc vô dụng kia thực sự đã đem đến những tiến triển có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Ngoài họ ra, 35% số người tham gia điều trị báo cáo có cải thiện về triệu chứng bệnh. Nghiên cứu này đã đặt ra rất nhiều nghi vấn, nhưng trên tất cả, nó đã thách thức giả thuyết được nhiều người công nhận trước đây rằng cơ chế chữa bệnh đằng sau giả dược chính là niềm tin.
>> Phong thủy tốt nhất cho cuộc đời bạn – Kỳ II: Thiện niệm cải biến sức khỏe kỳ diệu
Những lời nói dối biết chữa bệnh
Nhà khoa sử Anne Harrington tại đại học Harvard đã từng có lần gọi giả dược là “những lời nói dối biết chữa bệnh,” và lịch sử của y học đã từng ghi nhận những câu chuyện không thể giải thích được về các bệnh nhân đột nhiên phục hồi từ trạng thái nguy kịch sau khi được điều trị bằng một phương pháp ngẫu nhiên nào đó. Nhưng sau khi nghiên cứu về giả dược “trung thực” của Kaptchuk được công bố, các nhà khoa học bắt đầu kiểm tra xem liệu sức mạnh của giả dược có thể thực sự tích hợp vào một số phương pháp điều trị y học hay không.
Trong vòng 7, 8 năm qua, đã có một loạt các thử nghiệm độc lập được thực hiện nhằm xác minh hiệu quả của giả dược trung thực trong các điều kiện khác nhau. Và kết quả thu được rất khác nhau. Trong một số trường hợp, hiệu ứng giả dược tích cực không hề xuất hiện, trong khi ở các thử nghiệm khác lại cao đáng kể.
Cho tới nay, ngày càng nhiều nghiên cứu về giả dược trung thực đã công bố những tiến triển tích cực ở các bệnh nhân bị đau lưng, buồn nôn, IBS và đau nửa đầu. Tuy nhiên, theo những ghi chép từ hàng thế kỷ trước đây về những biện pháp chữa bệnh kỳ lạ, có một số lượng ít các bệnh nhân có thể hồi phục khỏi gần như bất kỳ tình trạng nào với bất kể loại hình điều trị gì được sử dụng.
Vậy làm cách nào để y học hiện đại có thể lợi dụng được sức mạnh của giả dược?
“Mọi bác sĩ giỏi đều nên có một liều giả dược trong tay”
Một báo cáo gây sốc do Hiệp hội Y khoa Đức thực hiện và được công bố năm 2011 đã tiết lộ rằng: hơn một nửa số bác sĩ ở quốc gia này đã từng có lần kê cho bệnh nhân một loại giả dược nào đó. Robert Jütte, chủ biên của bản báo cáo, đã phát biểu sau khi nó được công bố: “Hiệu ứng giả dược đóng một vai trò quan trọng trong điều trị hàng ngày. Mọi bác sĩ giỏi đều nên có một liều giả dược trong tay.”
Không mấy ngạc nhiên, bản báo cáo này và những bình luận sau đó của Jütte đã gây nhiều tranh cãi, với một số người cho rằng kêu gọi bác sĩ dùng nhiều giả dược hơn đơn giản là “vi phạm các nguyên tắc đạo đức của y học.” Nhưng các nghiên cứu đã tiết lộ, các bác sĩ có vẻ như đang kê nhiều loại giả dược hơn mọi người vẫn tưởng.
>> Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đạt đến sự tôn nghiêm
Một nghiên cứu năm 2013 thực hiện với hơn 700 bác sĩ đa khoa tại Anh Quốc cho thấy hầu hết tất cả các bác sĩ được khảo sát đều đã từng kê một liều giả dược vào thời điểm nào đó trong sự nghiệp của họ. Cụ thể hơn, 10% từng kê những liều giả dược “tinh khiết”, có nghĩa là chúng thực sự là các viên đường hay các hoạt chất không có dược tính, trong khi đó 98% đã từng áp dụng một phương pháp điều trị có chứa những giả dược “không tinh khiết”, có nghĩa là một loại thuốc có chứa dược tính nhưng không đủ tác dụng cho bệnh nhân đang được điều trị. Những giả dược “không tinh khiết” này có thể là lợi khuẩn chữa bệnh tiêu chảy, cho tới các kháng sinh chống virút.
Thật khó để tranh luận với những ý kiến phê phán đạo đức các bác sĩ khi kê cho bệnh nhân một liều giả dược, nhưng lại giả vờ như đó là thuốc thật. Tuy nhiên, đây lại đúng là điều mà nghiên cứu giả dược trung thực của Kaptchuk đang nhắm tới.
Nếu lừa dối bệnh nhân không còn cần thiết để thu được những lợi ích của hiệu ứng giả dược, thì con đường kết hợp giả dược vào trong dược phẩm dòng chính đột nhiên trở nên sáng rõ hơn nhiều.
“Lừa dối bệnh nhân có lẽ không còn cần thiết để các hiệu ứng giả dược có tác dụng, những quá trình thần kinh tự động có thể là cơ chế thúc đẩy hiệu ứng giả dược xuất hiện,” Teri Hoenemeyer, một nhà khoa học nghiên cứu về giả dược trung thực giải thích. “Điều này có ý nghĩa cách mạng tới việc chúng ta có thể khai thác sức mạnh của hiệu ứng giả dược trong thực tiễn điều trị bệnh.”
Vấn đề này hiện nay vẫn còn rất nhiều điều chưa sáng tỏ – và thậm chí Kaptchuk cũng là người đầu tiên thừa nhận rằng ông cũng không hiểu tại sao giả dược vẫn có tác dụng ngay cả khi bệnh nhân đã biết chúng là thuốc giả. Không nghi ngờ gì nữa, đây là một góc tối trong thế giới nghiên cứu y học, và người ta sẽ cần nhiều công sức nghiên cứu hơn để đưa ra được một cái gì đó có thể áp dụng trong thực tiễn. Nhưng Kaptchuk tin rằng công trình nghiên cứu này sẽ dẫn tới điều gì đó tích cực hơn.
“Rõ ràng là nó không có hiệu quả với tất cả mọi người,” Kaptchuk nói trong một bài phỏng vấn với Vox. “Và chúng ta không biết chính xác điều gì khiến nó trở nên hiệu quả. Nhưng chúng ta biết rằng đối với giả dược ‘không trung thực’ – những hoạt chất thần kinh được kích hoạt, các khu vực của não bộ được kích hoạt là cụ thể và liên quan – có điều gì đó đang diễn ra. Và tôi không tin đó chỉ đơn giản là niềm tin.”
Liệu đó có phải là tác dụng của “lòng trung thực”?
Nghiên cứu mới này được đăng tải trên tạp chí Supportive Care in Cancer (tạm dịch: Chăm sóc hỗ trợ trong Ung thư)
Từ khóa niềm tin đạo đức y khoa giả dược