Sau khi rời khỏi Trung Quốc được 7 năm, vào ngày 13/12 vừa qua Google lại tuyên bố sẽ thành lập một Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) Google Trung Quốc tại Bắc Kinh. Việc Google “trở lại” Trung Quốc sau nhiều năm khiến dư luận đặt câu hỏi Google đã có những thỏa hiệp gì với chính quyền Trung Quốc?

Google China Beijing
Ngày 13/12 Google tuyên bố họ sẽ thành lập một Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) Google Trung Quốc tại Bắc Kinh, trong hình là bảng hiệu bên ngoài trụ sở Google Bắc Kinh năm 2010 (Ảnh: Wikimedia)

Ngày 13/12 vừa qua, tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, Google đã tổ chức Ngày hội các nhà phát triển phần mềm Google (Google Developer Day), nhà khoa học hàng đầu của Google Cloud là Lý Phi Phi (Li Feifei) đã công bố Google chính thức thành lập Trung tâm AI Trung Quốc, có trụ sở tại Bắc Kinh.

Trung tâm AI Trung Quốc của Google sẽ do Lý Phi Phi và giám đốc nghiên cứu và phát triển của Google Cloud là tiến sĩ Lý Giai (Li Jia) đứng đầu. Trung tâm này sẽ tập trung vào nghiên cứu về nền tảng trí tuệ nhân tạo, và liên kết với giới học thuật Trung Quốc. Hiện nay trung tâm đã bắt đầu tuyển dụng các nhà nghiên cứu và kỹ sư, tất cả các cuộc phỏng vấn sẽ được tiến hành tại Mỹ.

Google bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc Đại Lục vào năm 2006 với trang tiếng Trung Google.cn, và thành lập ba văn phòng tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Đầu năm 2010, do vấn đề kiểm duyệt nội dung, Google đàm phán với chính phủ Trung Quốc không có kết quả, cuối cùng vào tháng 3/2010, Google lấy lý do “bị hacker Trung Quốc tấn công”“kiểm duyệt”, phải “lựa chọn giá trị nền tảng” làm cớ để rút hoàn toàn khỏi thị trường Trung Quốc, chuyển sang tên miền Hồng Kông (www.google.com.hk), và dùng tiếng Trung giản thể phục vụ cho người dùng Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Thời báo Tài chính của Anh (Financial Times), mặc dù Google tìm kiếm (Google Search) đã rời khỏi Trung Quốc, nhưng Google vẫn để lại một phần nghiệp vụ tại quốc gia này. Trong vài năm qua, bộ phận ở ​​Bắc Kinh này của Google cũng đã nhanh chóng mở rộng.

Vào năm 2015, một người trong cuộc tiết lộ, Google đã lên kế hoạch tuân thủ các quy định pháp luật của Trung Quốc về sàng lọc nội dung và tạo phiên bản Google Play Trung Quốc làm bàn đạp để trở lại thị trường Trung Quốc. Vào tháng Năm năm nay, Google cũng cho biết tại một Hội nghị cấp cao về trí tuệ nhân tạo tổ chức ở khu vực gần Thượng Hải rằng họ muốn thành lập một nhóm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc. [ads01]

Hiện nay, Google chính thức thành lập Trung tâm AI Trung Quốc, nhiều người dự đoán không loại trừ Google sẽ tiếp tục mở rộng phát triển tại Trung Quốc, quay trở lại thị trường Trung Quốc.

Đối với thông tin Google quay lại, thái độ của người dùng Internet Trung Quốc Đại Lục tỏ rõ vui mừng, nhưng cũng có những người nói: “Nếu trở lại mà đánh mất tự do thì thà đừng trở lại, chúng tôi đã có “Trăm lừa” (Baidu), không cần phải có thêm Google bị cắt xén!”

Trước đó, ông Phan Lộ (Pan Lou), Phó giám đốc “Theo dõi Nhân quyền Trung Quốc” (Human Rights Watch China) chia sẻ trên Đài RFA rằng ông không biết liệu Google có thỏa hiệp với Trung Quốc hay không, còn nếu là Trung Quốc “chiêu dụ” thì cho thấy họ sợ hãi tự do ngôn luận.

Theo ông Phan Lộ, đối với bản thân một công ty, việc hy sinh một số nguyên tắc quan trọng, liệu có phải là họ có cân nhắc đến thị trường khổng lồ ở Trung Quốc Đại Lục không? Chúng ta không thể biết. Đối với chính quyền Trung Quốc, họ có nhân cơ hội này để tiếp tục thu thập nội dung và kiểm soát thông tin không cũng là vấn đề mọi người đặt câu hỏi.

Ông cho rằng trong thời đại Internet ngày càng tự do và cởi mở, tác động của cuộc cách mạng thông tin khiến nhiều chính quyền độc tài như ngồi trên đống lửa, mỗi người sử dụng điện thoại thông minh, hoặc nhiều hoặc ít đều có thể nhận được nhiều thông tin khác nhau phản bác quan điểm của thế lực cầm quyền, bất kể Google có thỏa hiệp với chính quyền Trung Quốc hay không, người thực sự thiệt thòi là người không thể vượt được tường lửa, đặc biệt là thiệt thòi về thông tin và về phương diện tự do hóa bản thân.

Tuyết Mai

Xem thêm: