Chính phủ Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống kiểm duyệt Internet chặt chẽ với mục đích ngăn chặn người sử dụng Internet ở Trung Quốc truy cập các tư liệu không mong muốn, bao gồm các trang tin tức nước ngoài, các trang web có quan điểm chính trị bất đồng, thậm chí cả Google, Facebook, YouTube, Instagram v.v. miễn là có thể gây ra “nguy cơ” tự do tìm hiểu thông tin về những vấn đề được cho là “nhạy cảm.”

kiem duyet internet trung quoc
(ảnh: Tumblr)

Khi tìm kiếm thông tin về các từ khoá “nhạy cảm,” hệ thống kiểm duyệt này sẽ xoá một số trang web khỏi kết quả tìm kiếm của các công cụ tìm kiếm như Baidu, Bing, 360 Search và chỉ hiển thị các kết quả tìm kiếm của những phương tiện truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát. Ví dụ, khi tìm kiếm về sự kiện “Thiên An Môn 1989”, nếu tìm kiếm bên ngoài Trung Quốc sẽ cho ra kết quả vụ thảm sát sinh viên với những tin tức báo cáo và hình ảnh sinh viên bị giết hại; còn nếu tìm bên trong Trung Quốc thì sẽ chỉ hiện ra hình ảnh quảng trường Thiên An Môn với người dân đi dạo.

Hệ thống kiểm duyệt này khá linh hoạt và người dùng Internet có thể nhận thấy kết quả tìm kiếm thay đổi tuỳ vào thời điểm, địa điểm (tìm kiếm từ các địa điểm khác nhau trong và ngoài lãnh thổ Trung Quốc) hoặc tuỳ theo các công cụ tìm kiếm khác nhau. Một số từ sẽ bị chặn triệt để, trong khi một số từ chỉ bị chặn trong các khoảng thời gian nhạy cảm về chính trị trong năm. Ngoài ra, tất cả những trình tự nào chứa các từ bị cho vào danh sách đen cũng bị chặn theo.

Dưới đây là danh sách những từ khoá bị kiểm duyệt nhiều nhất ở Trung Quốc:

1. Các từ khoá liên quan đến dân chủ

Một loạt các từ khoá liên quan đến chủ đề dân chủ bị cho vào danh sách đen ở Trung Quốc bao gồm “Dân chủ”, “Nhân quyền”, “Độc tài,” “Chuyên chính,” “Chuyên chế,” “Phản cộng” (chống cộng sản),” “Cộng phỉ” (thuật ngữ được dùng bởi Quốc dân đảng để chỉ ĐCSTQ thời kỳ Chiến tranh lạnh), “Quần thể diệt tuyệt” (diệt chủng), “Đàn áp,” “Khủng bố Đỏ,” “Lao tạo” (lao động cải tạo), “Lưu vong,” “Tà ác.”

Ngoài ra, những cụm tìm kiếm liên quan đến “ĐCSTQ sụp đổ” cũng không có kết quả.

2. Các sự kiện “nhạy cảm”

Một số sự kiện bị chặn hoặc kiểm duyệt ở Trung Quốc bao gồm:

  • “Lục Tứ,” sự kiện thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989.
  • Chiến tranh biên giới Liên Xô – Trung Quốc năm 1969.
  • Sự kiện 709,” là sự kiện chính quyền Trung Quốc bắt và sách nhiễu ít nhất 319 người đấu tranh nhân quyền vào tháng 7/2015.
  • “Sán Vĩ” (địa danh liên quan đến cuộc kháng nghị ở Đồng Châu năm 2005).

3. Pháp Luân Công

Theo Freedom House, Pháp Luân Công là một trong ba chủ đề bị kiểm duyệt nhiều nhất tại Trung Quốc. Tất cả các từ, cụm từ liên quan đến Pháp Luân Công đều bị kiểm duyệt gắt gao, từ tên môn tập đến tên nhà sáng lập, trang web Minh Huệ, Chánh Kiến, thậm chí cả cụm từ “Chân – Thiện – Nhẫn” (nguyên lý của Pháp Luân Công) đều bị cản trở truy cập. Có người đã bình luận rằng ĐCSTQ sợ cả “Chân – Thiện – Nhẫn” thì cũng đủ biết bản chất ĐCSTQ là như thế nào.

SM1c
Người tập Pháp Luân Công nâng cao nhận thức của người dân địa phương và khách du lịch về hành động mổ cướp nội tạng và tội ác nhân quyền tại Trung Quốc tại Santa Monica, California, ngày 17/7/2016.

Theo Tổ chức Ân xá quốc tế, kể từ sau khi bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, truyền thông Trung Quốc đã liên tục đưa ra các tin tức giả mạo để phỉ báng môn tu luyện này, khiến người dân ác cảm và thậm chí cả thù hận. Người dân chỉ biết tin và nghe theo những gì được tuyên truyền mà không hề hay biết rằng đằng sau đó những người tập Pháp Luân Công đã bị bắt giam, tra tấn, khiến hàng triệu người mất tích hoặc chết một cách bí ẩn.

Hoạt động thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc, được phơi bày từ năm 2006 đến nay bởi các báo điều tra của luật sư David Matas, nhà báo Ethan Gutmann và cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour, cũng không thể truy cập. Các từ khoá bao gồm: “thu hoạch tạng sống,” “mổ cắp nội tạng.”

Ngoài ra, người đứng đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công là cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân cũng là chủ đề bị kiểm duyệt. Các từ khoá bao gồm: “Giang cóc,” “Giang Trạch Dân chết,” “bắt giữ Giang Trạch Dân,” “Tập Cận Bình đấu Giang” v.v.

4. Tân Cương và Tây Tạng

Vấn đề Tân Cương và Tây Tạng cũng rất nhạy cảm ở Trung Quốc. Tất cả những sự việc liên quan đến cuộc xâm chiếm Tây Tạng năm 1950, các cuộc bạo động, lên tiếng đòi độc lập cho hai khu tự trị này đều bị chặn truy cập nhằm tạo ra sự thái bình bề mặt. Các từ khoá bao gồm:

  • “Cương độc” (độc lập cho Tân Cương)
  • “Tạng độc” (độc lập cho Tây Tạng)
  • “Đạt lai” (trong “Đạt Lai Lạt Ma”)
  • “Nhân quyền ở Tây Tạng”
  • Đàn áp ở Tây Tạng

5. Các cá nhân bất đồng chính kiến

Một số cá nhân bất đồng chính kiến hoặc người có ảnh hưởng lớn trong các sự kiện mà ĐCSTQ muốn che giấu thông tin cũng nằm trong danh sách cấm truy cập bao gồm:

  • Cao Trí Thịnh, luật sư nhân quyền hàng đầu Trung Quốc giúp người dân chống lại sự lạm quyền của quan chức địa phương và đàn áp tôn giáo. Hiện tại, ông đang bị chính quyền Trung Quốc giam cầm, tra tấn, mọi tin tức liên quan đến ông đều bị bưng bít.
20141125224713978 small
Luật sư Cao Trí Thịnh trong phim tài liệu “Vượt qua sợ hãi”
  • Lưu Hiểu Ba, nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc được trao giải Nobel Hoà Bình vì “cuộc đấu tranh trường kỳ bất bạo động vì quyền con người ở Trung Quốc” khi ở trong tù. Ông qua đời tháng 7/2017 sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối.
  • Nguỵ Kinh Sinh, nhà hoạt động trong cuộc “Vận động Dân chủ ở Trung quốc,” được biết đến về việc viết tài liệu “Hiện đại hóa thứ 5” trên “Bức tường Dân chủ” ở Bắc Kinh năm 1978. Ông đã bị chính quyền Trung quốc bắt và trải qua 15 năm trong tù.
  • Vương Đan và Ngô Nhĩ Khai Hi, hai thủ lĩnh sinh viên trong cuộc Thảm sát Thiên An Môn năm 1989
  • Đinh Tử Lâm, có con là sinh viên bị giết tại Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó, bà đã liên tục yêu cầu chính quyền thực hiện một chế độ dân chủ hơn. Từ đó, bà liên tục bị Chính quyền Trung Quốc bắt giam và cảnh cáo.

6. Kênh tin tức của các nhóm bất đồng chính kiến

Một vài trang tin điển hình của nước ngoài bị cấm ở Trung Quốc gồm:

  • Voice of America (VOA)
  • Nhân dân báo (Renminbao)
  • Epoch Times
  • Boxun
  • China New Digest
  • Radio Free Asia
  • Chinese News Net

7. Một số từ khác

  • Thoái Đảng” (ĐCSTQ) hoặc “Tam thoái” (thoái Đoàn, Đội, Đảng)
  • 9 bài bình luận về ĐCSTQ
  • Phòng 6-10,” một cơ quan bí mật được lập ra từ năm 1999 chuyên đàn áp Pháp Luân Công
  • “Độc lập cho Hong Kong”
  • “Kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc”

Để phá vỡ kiểm duyệt mạng Internet tại Trung Quốc, nhiều người đã sử dụng các công cụ vượt tường lửa như Freegate, Ultrasurf, hay sử dụng VPN. Tuy nhiên, việc vượt tường lửa cũng trở nên ngày càng khó khăn khi gần đây chính phủ Trung Quốc đã ép các công ty công nghệ phải gỡ bỏ các ứng dụng VPN. Chỉ riêng Apple đã gỡ 674 ứng dụng VPN tại Trung Quốc trong năm nay.

Mặc dù lượng khách du lịch từ Trung Quốc ra nước ngoài ngày càng tăng đã tạo cho họ cơ hội tiếp cận với các nguồn thông tin tự do đa chiều, và người dân Trung Quốc hiện nay cũng không còn quá tin vào những tuyên truyền từ chính phủ, nhưng để họ có thể nhìn nhận và đánh giá đúng những sự kiện trong lịch sử cũng như trong hiện tại còn là cả một quãng đường dài.

Tuệ Minh

Xem thêm: