Hoa Kỳ chi 11 tỷ USD xây dựng Trung tâm công nghệ bán dẫn quốc gia
- Bình Minh
- •
Hôm thứ Ba (25/4), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch về chính sách cho chiến lược phát triển và nghiên cứu chất bán dẫn, sẽ chi 11 tỷ USD xây dựng “Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia” (NSTC) ở nhiều nơi, nhằm củng cố nền kinh tế Hoa Kỳ và an ninh quốc gia.
Theo tài liệu chính sách (link) do Bộ Thương mại công bố, Hoa Kỳ sẽ thành lập “Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia” (National Semiconductor Technology Center, NSTC) ở nhiều nơi, kết hợp với giới học thuật và ngành công nghiệp, nhằm tạo ra thế hệ công nghệ chip mới, với mục tiêu sẽ đi vào hoạt động trước cuối năm nay.
Mục tiêu của chương trình này bao gồm các công nghệ sản xuất bán dẫn mới nhất của Hoa Kỳ, rút ngắn thời gian và chi phí từ thiết kế đến thương mại hóa, đồng thời đào tạo các kỹ thuật viên và kỹ sư lành nghề.
Bộ Thương mại cho biết NSTC nhằm mục đích cung cấp một nền tảng “để các cơ quan chính phủ, phòng thí nghiệm quốc gia, đại diện ngành công nghiệp và lao động, khách hàng, nhà cung cấp, tổ chức giáo dục, doanh nhân và nhà đầu tư cùng nhau hợp tác”.
Đây là kế hoạch của chính phủ Hoa Kỳ, nhằm hồi sinh ngành sản xuất chất bán dẫn, đảm bảo Hoa Kỳ có nguồn cung chip ổn định, đáp ứng nhu cầu của ngành và hỗ trợ quốc phòng. Khi thành lập trung tâm, Bộ Thương mại sẽ làm việc với Lầu Năm Góc để tạo ra liên minh công-tư này.
Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại nhấn mạnh, NSTC là một tổ chức độc lập, các thành viên hội đồng quản trị được bổ nhiệm bởi một ủy ban tuyển chọn độc lập.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, bà Gina Raimondo, cho biết NSTC là một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được các doanh nghiệp tin tưởng, coi là trung lập và có định hướng khoa học.
Bà Raimondo nói: “Nó cho phép chúng ta phát triển một hệ sinh thái mạnh mẽ… để giành lại vị trí dẫn đầu của Mỹ trong việc phát triển các công nghệ của tương lai”.
Ngày 25/7/2022, tại cánh phía Nam của Nhà Trắng, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã tham gia một cuộc họp trực tuyến về “Đạo luật CHIPS cho nước Mỹ”. (Ảnh: Anna Moneymaker / Getty Images)
Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật Khoa học và CHIPS” năm 2022 vào năm ngoái, thúc đẩy các hoạt động sản xuất chất bán dẫn tiên tiến quay trở lại Hoa Kỳ.
Luật này quy định rằng Bộ Thương mại phải phân bổ 11 tỷ USD trong 5 năm, nhằm thúc đẩy công tác nghiên cứu và phát triển, cũng như sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Trung tâm công nghệ này dự kiến sẽ là hạt nhân của nỗ lực đó.
Ngoài ra, Bộ Thương mại cũng cần có biện pháp khuyến khích trị giá 39 tỷ USD, để khởi động sản xuất.
Nhiều chi tiết về NSTC vẫn chưa được quyết định, như vị trí trụ sở chính và vị trí của các chi nhánh trên khắp Hoa Kỳ. Bà Raimondo cho biết, một thông báo sẽ được đưa ra trong vài tháng tới.
Bà nói rằng NSTC cho phép ngành công nghiệp, giới học thuật, công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư cùng nhau giải quyết những thách thức lớn nhất và khó khăn nhất, điều mà các doanh nghiệp khó có thể làm được, vì các công ty phải tập trung vào kỹ thuật và lợi nhuận ngắn hạn.
“Nó cho phép mọi người lùi lại một bước, và suy nghĩ xem liệu có cơ hội để đạt được lợi nhuận gấp 100 lần hay không, và làm thế nào để chúng ta đạt được điều đó?”
Bà Raimondo cho biết: “Các biện pháp khuyến khích sản xuất của Đạo luật CHIPS sẽ đưa ngành sản xuất chất bán dẫn trở lại Hoa Kỳ, nhưng hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển (R&D) mạnh mẽ do NSTC dẫn đầu sẽ giữ nó ở lại đây”.
Cuộc đua giành vị thế thống lĩnh về chip bán dẫn trở nên ngày càng sôi động. Cả Mỹ, EU và nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đều tích cực chạy đua để mở rộng thị phần chip, và hướng tới mục tiêu tự chủ trong lĩnh vực này.
Chất bán dẫn là chìa khóa cho một số công nghệ quan trọng như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), xe điện tự hành và internet vạn vật (IoT). Nhiều công nghệ trong số này có giá trị chiến lược trong quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia.
Giáo sư Mark Lundstrom – Phụ trách Văn phòng Linh kiện bán dẫn tại Đại học Purdue, Mỹ cho biết: “Tôi nghĩ ai cũng hiểu rằng, bất kỳ quốc gia nào muốn kiểm soát vận mệnh của mình đều phải có một ngành công nghiệp bán dẫn vững mạnh”.
Từ khóa công nghệ chip Công nghệ bán dẫn