Ingenuity: Trực thăng siêu nhẹ của NASA đang trên đường tới sao Hỏa
Máy bay trực thăng siêu nhẹ, hoạt động bằng năng lượng mặt trời có tên Ingenuity của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) dự kiến sẽ bay trên sao Hỏa nhằm thực hiện nhiệm vụ thăm dò bề mặt Hành tinh Đỏ vào năm 2021. Trực thăng tự động này có gì đặc biệt?
Ingenuity là loại trực thăng đầu tiên được thiết kế để bay trong môi trường một hành tinh khác. Mới đây, NASA thông báo đã nạp năng lượng thành công cho thiết bị này trong không gian. Nó được gắn bên dưới robot tự động Perseverance phóng lên hôm 30/7 vừa qua và đang bay tới sao Hỏa.
“Đây là một cột mốc quan trọng, và là lần đầu tiên mà chúng tôi có thể khởi động trực thăng Ingenuity,” Ông Tim Canham, kỹ sư phụ trách hoạt động của Trực thăng sao Hỏa tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA cho biết.
Pin sẽ được sạc cách nhau 2 tuần và duy trì ở mức 35% để tối đa hóa tuổi thọ của pin.
Trên thực tế, Ingenuity phải đối mặt với những thử thách không nhỏ khi cất cánh lên sao Hỏa. Thứ nhất, các tàu vũ trụ chưa từng bay ở hành tinh khác và do đó không dễ để điều khiển máy bay drone như ở Trái đất. Thứ hai, độc đặc của không khí trên sao Hỏa so với Trái Đất thì chưa bằng 1%. Vậy nên, công nghệ sử dụng cho máy bay cũng đòi hỏi sức đẩy mạnh hơn.
>> Phát hiện dấu vết của dòng sông cổ đại trên sao Hỏa
Để khắc phục những khó khăn trên, các nhà khoa học đã thiết kế Ingenuity có trọng lượng siêu nhẹ, chỉ nặng 1,8 kg và lắp 4 cánh bằng sợi carbon. Nó còn được trang bị ăng-ten, pin mặt trời và bộ pin tương tự như chiếc smartphone. Các cánh nằm giữa 2 động cơ rotor quay theo hướng ngược nhau.
Động cơ của Ingenuity quay nhanh hơn phần lớn trực thăng trên Trái Đất. Ngoài ra, nó được thêm bộ xử lý thông minh nhỏ bên trong. Tuy nhiên, nó không thể bay xuyên suốt trên sao Hỏa, mà chỉ bay trong 30-90 giây.
Nếu Ingenuity tồn tại được qua quá trình phóng, nó sẽ phải tự giữ ấm và sạc năng lượng qua các tấm pin mặt trời trước khi các nhà khoa học có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên.
“Chúng tôi đã có thể xử lý được các hoạt động sau khi phóng và cả môi trường khắc nghiệt của không gian liên hành tinh,” Bà MiMi Aung, quản lý dự án trực thăng Ingenuity tại JPL cho biết. “Vẫn con rất nhiều điều phải làm trước khi có thể khởi động chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trên một hành tinh khác, nhưng hiện tại tất cả chúng tôi đều cảm thấy rất lạc quan về tương lai.”
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Ingenuity dự kiến diễn ra vào mùa xuân năm 2021 khi robot tự động Perseverance chạm thành công xuống bề mặt sao Hỏa. Khi đến Hành tinh Đỏ, Perseverance sẽ “thả” Ingenuity ra để nó thực hiện nhiệm vụ thăm dò của mình.
Nếu những chuyến bay thử nghiệm được diễn ra theo đúng kế hoạch, Ingenuity sẽ là bằng chứng cho thấy việc thực hiện chuyến bay bằng robot lên sao Hỏa là khả thi, qua đó mở ra cánh cửa cho việc tiến hành các cuộc khám phá trên không chuyên sâu hơn trong tương lai.
Video giới thiệu trực thăng Ingenuity của NASA:
Phan Anh (tổng hợp)
Từ khóa Trái Đất NASA vũ trụ trực thăng robot sao Hỏa