Na Uy: Tìm thấy “cá voi do thám của Nga” đeo dây gắn camera
Ngư dân Na Uy đã phát hiện một con cá voi beluga hiền lành ở biển Barents phía đông bắc nước này vào ngày 25/4. Đây là vùng sinh sống của cá voi beluga nên sự có mặt của nó ở đây là bình thường, nhưng điều khác thường là nó đang đeo một dây đai để gắn camera có các ký hiệu của Nga.
Chú cá voi liên tục tiến về phía tàu đánh cá và cọ xát vào thành tàu, dường như để thoát khỏi cái dây đai. Sau khi nỗ lực vài lần mà không tháo được dây, các ngư dân đã gửi ảnh tới một nhà sinh vật học đại dương thuộc Cục quản lý Ngư nghiệp Na Uy, báo cáo rằng con cá voi đang cần giúp đỡ.
Một con tàu của Cục quản lý đang ở đó, với thủy thủ được đào tạo để giải cứu cá voi khỏi lưới và dây đánh cá. Họ đã phối hợp với ngư dân và giúp đỡ thành công chú cá voi.
“Con cá voi có lẽ đã trốn thoát khỏi Nga, nơi có có thể đã được huấn luyện để thực hiện nhiều loại nhiệm vụ như chụp ảnh dưới nước.” – Người phát ngôn của Cục quản lý Ngư nghiệp viết trên Facebook.
Video do các ngư dân ghi lại:
Theo báo cáo, dây đai có in nhãn “Thiết bị St. Petersburg” và có đầu kết nối để gắn camera GoPro (một loại camera nhỏ gọn, chống nước và chống va đập tốt).
Giáo sư Audun Rikardsen của đại học Phương Bắc Na Uy cho biết, các nhà nghiên cứu của Na Uy hay Nga đều không đặt dây đai lên cá voi. “Tôi đã liên lạc với các nhà khoa học Nga, họ có thể xác nhận rằng không phải do họ làm. Họ nói đây có lẽ là do Hải quân Nga ở Murmansk làm.”
Các động vật biển phục vụ quân đội
Ngày 29/4, Dmitry Glazov, phó lãnh đạo của chương trình huấn luyện cá voi beluga ở Viện AN Severtsov thuộc Viện Khoa học Nga, đã xác nhận rằng quân đội Nga đang nghiên cứu khả năng của cá voi beluga. Nhưng ông nói rằng hiện vẫn chưa rõ cá voi có thể được dùng trong các nhiệm vụ trinh sát hay tình báo hay không. Trong quá khứ, giai đoạn diễn ra Olympics Sochi, các con cá voi đã được dùng để hỗ trợ an ninh.
“Có một viện ở St. Peterburg phối hợp với quân đội để nghiên cứu động vật cho các mục đích khác nhau, họ hoạt động ở Vịnh Cossack ở biển Đen và vùng Murmansk,” ông Glazov nói.
Các động vật biển thông minh, có tính xã hội cao và có khả năng huấn luyện, từ lâu đã được dùng cho nhiều nghiên cứu, và các quân đội trên thế giới cũng quan tâm tìm cách áp dụng những đặc điểm trên cho các cuộc chiến, ít nhất từ thời 1960.
Một chương trình nghiên cứu của Liên Xô về động vật biển có vú đã chính thức kết thúc vào năm 1990 nhưng có vẻ nó vẫn kéo dài âm thầm trong một thời gian dài sau đó.
Năm 2000, BBC đưa tin rằng các con cá heo đã được Liên Xô huấn luyện để giết những thợ lặn của đối phương và gắn mìn vào tàu của kẻ địch, sau đó bán cho Iran; ngoài ra còn có sư tử biển, hải tượng, hải cẩu và cá voi beluga.
Boris Zhurid, một thủy thủ tàu ngầm Nga sau này trở thành người huấn luyện cá heo, cho biết ông đã huấn luyện 4 cá heo và 1 cá voi beluga để tấn công các thợ lặn bằng lao móc gắn trên lưng chúng, hoặc dùng miệng ngoạm vào để lôi thợ lặn lên mặt nước cho con người bắt. Chúng cũng được huấn luyện làm ngư lôi sống, mang theo mìn có thể phát nổ khi tiếp xúc với thành tàu. Việc huấn luyện ban đầu đặt tại một căn cứ hải quân ở gần Vladivostok, nhưng sau đó đã dời đến Crimea năm 1991.
Ở một vài thời điểm, Nga đã tiếp tục những dự án của Liên Xô cũ. Chương trình huấn luyện động vật biển trở nên công khai năm 2017 sau khi Bộ trưởng quốc phòng Zvezda nói về các chương trình này trên tivi. Theo lời của ông Zvezda, họ đang tìm hiểu xem liệu cá voi, hải cẩu và cá heo có thể được dùng để “canh giữ lối vào các căn cứ hải quân” và “hỗ trợ các thợ lặn sâu, khi cần cũng có thể giết các kẻ lạ mặt xuất hiện trong lãnh địa.”
Nhưng Nga không phải là nước duy nhất tìm cách quân sự hóa các động vật biển. Hải quân Mỹ cũng có Chương trình Động vật Biển dùng cá heo và sư tử biển trong các nhiệm vụ tìm kiếm. Cá heo được huấn luyện để tìm và đánh dấu các khối mìn dưới nước, sư tử biển sẽ gắn dây để thu hồi thiết bị bị chìm ở những nơi không thể sử dụng thợ lặn.
Theo thông tin đăng trên Trung tâm thông tin Hải quân Thái Bình Dương, “cả cá heo và sư tử biển cũng hỗ trợ các nhân viên an ninh trong việc phát hiện và bắt giữ các tay bơi và thợ lặn lạ mặt có thể gây hại cho nhân viên, tàu và cơ sở của Hải quân Mỹ.”
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ nhấn mạnh rằng họ sẽ không bao giờ vũ khí hóa các động vật biển.
>> Chuyên gia Nga: SpaceX làm chương trình vũ trụ của Nga “tê liệt và trống rỗng”
Vụ bê bối cá voi tại Nga
Tháng 2/2019, một cơ sở có tên Trung tâm Thích nghi cho Động vật biển gần Nakhodka – thành phố phía Đông nước Nga, ven biển Nhật Bản – đã bị phát hiện đang giam nhốt 87 con cá voi beluga và 10 cá voi sát thủ. Chúng đã bị đánh bắt bất hợp pháp. Các nhà hoạt động đã gọi nơi đây là “nhà tù cá voi”. Dường như chúng bị bắt để bán cho các sở thú Trung Quốc.
Theo ArsTechnica,
Phong Trần
Từ khóa Bảo vệ động vật Na Uy quân đội Nga cá heo cá voi