Năm 2017 chẳng vui vẻ gì đối với Facebook. Ông lớn mạng xã hội đã dành phần lớn thời gian trong năm để giải thích vụ cáo buộc Nga gây ảnh hưởng tới 126 triệu người dân và can thiệp bầu cử Mỹ.

facebook f8 2018
(ảnh: Facebook)

Sau vụ đó, uy tín của Facebook bị suy giảm mạnh và công ty bị đưa vào tầm săm soi của chính phủ Mỹ. Bỗng nhiên, các thành viên Quốc hội bắt đầu đưa ra ý kiến về luật liên bang khắt khe hơn, báo trước điềm không hay cho Facebook. Nếu hãng cho rằng năm 2017 quả là tệ, thì 2018 có thể nói đã trở thành một cơn ác mộng.

Trong vài tháng đầu 2018, một vụ rò rỉ thông tin cá nhân lớn đã ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng Facebook. Vào tháng 3, người ta phát hiện ra công ty Cambridge Analytica (CA) đã dùng app Facebook có tên thisisyourdigitalife để thu thập thông tin riêng tư của người dùng cho mục đích chính trị, mà không được họ cho phép.

Vào tháng 4, Facebook thông báo rằng công ty Cambridge Analytica có thể thu thập dữ liệu của 87 triệu người dùng, lớn hơn nhiều so với con số báo cáo ban đầu.

>> Bạn sẵn sàng chưa? Đây là những gì Facebook và Google biết về bạn 

Chưa đủ tệ, Facebook thực ra đã biết các hành vi của CA nhưng chọn không công bố. Chỉ đến khi tờ New York Times, Guardian và Observer cùng đưa tin thì mạng xã hội này mới tiết lộ vụ việc. Hãng cho rằng CA không đột nhập vào tài khoản người dùng, mà chính người dùng đã chọn đăng ký dùng ứng dụng của CA. Tuy nhiên, thông báo này cũng không làm tình hình tươi sáng hơn chút nào, nhất là khi Facebook đã đợi đến 2 năm sau khi biết vụ việc mới lên tiếng.

Không ngạc nhiên, vụ CA và quan điểm của Facebook đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với giới chính trị Washington cũng như các chính phủ trên khắp thế giới. Một tháng sau khi báo chí lên tiếng về CA, CEO Mark Zuckerberg đã phải tới Quốc hội để điều trần.

Đa phần cuộc điều trần là một cơ hội bị bỏ lỡ và chúng ta không biết gì nhiều hơn về mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Có chăng chỉ là lời cảnh báo của chính quyền rằng họ sẽ để mắt kỹ hơn tới Facebook. “Trừ khi có quy định rõ ràng từ cơ quan chính phủ,” nghị sĩ Richard Blumenthal nói với Zuckerberg, “Tôi không thấy làm sao anh có thể thay đổi mô hình kinh doanh đang tối đa lợi nhuận và hy sinh quyền riêng tư của cá nhân.”

Tình hình tiếp tục xấu đi trong năm đối với Facebook. Báo chí đưa tin rằng ứng dụng nhắn tin WhatsApp đã giúp nạn buôn lậu ma túy bùng nổ ở Mozambique và những ví dụ khác cho thấy kẻ xấu có thể lợi dụng nền tảng này để thu lợi như thế nào.

Khi chúng ta tưởng rằng có lẽ như vậy là đủ đối với Facebook, hãng đã tiết lộ một vấn đề bảo mật làm lộ thông tin riêng tư của 29 triệu người dùng, trong đó có 14 triệu hồ sơ bao gồm thông tin rất chi tiết về cuộc sống. Vụ rò rỉ này do một lỗi trên website Facebook cho phép hacker có thể truy cập vào tên và thông tin liên lạc chi tiết của người dùng cũng như tình trạng hôn nhân, quê quán, nơi đang sống, quá trình giáo dục và công tác. Ngoài ra còn có các thông tin chi tiết như các nơi đã check-in, các từ đã tìm kiếm trên Facebook và thiết bị họ đã dùng…

Vào tháng 10, tờ New York Times đã đăng bài viết về cách quân đội Myanmar dùng mạng xã hội Facebook để lan truyền tin giả, lấy cớ cho cuộc thảm sát người Hồi giáo Rohingya. Bài viết gọi đây là một cuộc chiến tranh thông tin trên mạng xã hội và hệ quả của nó là kích hoạt một cuộc thảm sát sắc tộc thực sự.

Giữa tháng 12, Facebook lại công bố một lỗi khác cho phép các ứng dụng bên thứ 3 có thể truy cập vào ảnh chưa đăng của gần 7 triệu người dùng. Đáng nói là Facebook đã biết tới điều này từ tháng 9.

Danh tiếng của Facebook đang nằm trong một vòng xoáy tử thần, nhưng tôi không nghĩ rằng điều đó quan trọng,” ông Will Potter, chuyên gia fake news ở đại học Michigan chia sẻ. “Sức mạnh của Facebook không đến từ uy tín, mà đến từ sự phổ biến quá rộng rãi. Nỗi lo thật sự của tôi là chúng ta đang dần chai sạn với những vụ việc này, chúng ta bám víu lấy các ông lớn công nghệ – những kẻ đang vi phạm quyền của chúng ta.”

Những tưởng năm 2018 vậy là xong với mạng xã hội này, tờ New York Times trích lời phỏng vấn 60 người, bao gồm nhân viên cũ của Facebook, cho biết các công ty như Amazon, Microsoft hay Netflix… có quyền truy cập lớn hơn vào dữ liệu người dùng. Thậm chí, họ có thể viết, đọc và xóa tin nhắn riêng tư. Và Facebook, vẫn như cũ, đã đợi tới khi vụ việc bị phanh phui rồi mới lên tiếng giải thích…

Vậy sau một năm đầy scandal, chúng ta có thể hy vọng chính phủ sẽ giám sát và sửa chữa các vấn đề của Facebook? Điều này rất khó nói. Vẫn còn quá sớm để xem những luật như Quy định chung về bảo mật thông tin (GDPR) của châu Âu có thể đưa Facebook vào vòng kiểm soát hay không. Quy định này sẽ cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu cá nhân tốt hơn, đồng thời yêu cầu các công ty phải công bố bất kỳ vụ rò rỉ thông tin nào trong vòng 72 giờ.

Ở Mỹ, việc thông qua luật chống lại Facebook rất khó khăn vì nó phải được Hạ Viện, Thượng Viện và Tòa án Tối cao thông qua, đồng thời cũng sẽ gây ra tranh cãi về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Dù sao đi nữa, Facebook hẳn sẽ không muốn tên của hãng luôn được các chính phủ nhắc tới một cách tiêu cực. Chắc chắn công ty này vẫn sẽ thu về hàng tỷ đô la doanh thu mỗi quý, nhưng tăng trưởng đang chậm lại. Có lẽ chuỗi những sai lầm bất tận của mạng xã hội này đang dần dần thể hiện ra hậu quả của chúng.

Theo Engadget,
Phong Trần lược dịch