NASA bắt đầu tìm lời giải về khả năng cư trú trên vệ tinh Sao Mộc Europa
- Trương Đình
- •
Trong hệ mặt trời, ngoài Trái đất còn nơi nào khác có thể cung cấp môi trường cho sự sống không? NASA vào thứ Hai (14/10) đã thực hiện bước đầu tiên để trả lời câu hỏi này. Tàu thăm dò vệ tinh Sao Mộc Europa (Europa Clipper) của NASA được phóng từ Florida, để tìm xem vệ tinh này có điều kiện thích hợp cho sự sống hay không.
Vào lúc 12:06 chiều (giờ miền đông nước Mỹ) ngày thứ Hai, Europa Clipper đã được phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Florida bằng tên lửa Falcon Heavy của công ty SpaceX.
Hiện nay tàu vũ trụ đã đi vào quỹ đạo thành công. NASA xác nhận họ nhận được tín hiệu từ Europa Clipper khoảng 1:10 phút sau khi phóng, nghĩa là trung tâm điều khiển sứ mệnh đang liên lạc được với tàu vũ trụ và nhận dữ liệu.
“Hôm nay, chúng tôi bắt đầu một cuộc hành trình mới xuyên hệ mặt trời để tìm kiếm các nguyên liệu tạo nên sự sống trên các mặt trăng băng giá của Sao Mộc”, quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết trên nền tảng mạng xã hội X vào thứ Hai, “Bước tiếp theo của chúng tôi trong việc khám phá không gian đã bắt đầu”.
Vụ phóng ban đầu được lên kế hoạch vào ngày 10/10, nhưng đã bị hoãn lại đến thứ Hai do cơn bão Milton.
Ngày 14/10/2024, tên lửa Falcon Heavy của công ty SpaceX mang theo tàu vũ trụ của NASA đã được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida (Chandan Khanna/AFP).
Europa là vệ tinh lớn thứ 4 của Sao Mộc, dù chỉ bằng 1/4 đường kính Trái đất nhưng nó có thể chứa lượng nước lỏng có vị mặn gấp đôi so với các đại dương trên Trái đất. Vệ tinh này có đường kính khoảng 1940 dặm (3100 km), bằng khoảng 90% đường kính của Mặt trăng và được coi là môi trường sống tiềm năng cho sự sống ngoài Trái đất trong hệ mặt trời. Lớp vỏ băng của Europa được cho là dày từ 10 – 15 dặm (15 đến 25 km), phần dưới là đại dương có độ sâu 40 – 100 dặm (60 – 150 km).
Europa Clipper là tàu vũ trụ lớn nhất mà NASA chế tạo cho các sứ mệnh hành tinh, tàu dài khoảng 100 feet (30,5 mét) và rộng 58 feet (17,6 mét), khi ăng-ten và hệ thống các tấm pin năng lượng mặt trời của nó được mở rộng hoàn toàn thì nó lớn hơn một sân bóng rổ. Con tàu nặng khoảng 13.000 pound (6000 kg).
Tàu thăm dò chạy bằng năng lượng mặt trời sẽ di chuyển khoảng 1,8 tỷ dặm (2,9 tỷ km) trong vòng 5 năm rưỡi, đi vào quỹ đạo quanh Sao Mộc vào năm 2030. Mục tiêu của sứ mệnh bao gồm đo đạc bên trong đại dương và lớp băng phía trên nó, lập bản đồ thành phần bề mặt và tìm kiếm các luồng hơi nước có thể phun trào từ lớp vỏ băng giá của Europa. Theo kế hoạch, trong 3 năm bắt đầu từ năm 2031, Europa Clipper sẽ thực hiện 49 chuyến bay gần Europa với cách tiếp cận gần nhất là 16 dặm (25 km).
Ngày 14/10/2024, tên lửa Falcon Heavy của công ty SpaceX mang theo tàu vũ trụ của NASA đã được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida (Chandan Khanna/AFP).
Phó quản trị viên của NASA là Jim Free cho biết trong cuộc họp báo hôm Chủ nhật (13/10) rằng, trong hệ mặt trời, ngoài Trái đất thì Europa có khả năng môi trường hứa hẹn nhất cho sự sống cư trú. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng sứ mệnh không nhằm tìm kiếm sinh vật ngoài Trái đất.
Ông nói: “Phát hiện về Europa sẽ có tác động sâu sắc đến nghiên cứu sinh học vũ trụ và cách chúng ta nghĩ về vị trí của chúng ta trong vũ trụ”.
Europa Clipper có lẽ là sứ mệnh khoa học hành tinh quan trọng nhất được triển khai trong thập kỷ này. Là một trong những sứ mệnh khoa học chiến lược lớn của NASA (còn được gọi là sứ mệnh dẫn dắt), Europa Clipper sẽ là sứ mệnh khoa học hành tinh lớn nhất từng được NASA phát triển, cũng là sứ mệnh đầu tiên thăm dò sâu về Europa và khả năng cho sự sống tồn tại của nó.
“Giới khoa học tin rằng có những điều kiện phù hợp để hỗ trợ sự sống dưới bề mặt băng của Europa: các điều kiện của vệ tinh này có được như nước, năng lượng, hóa học và tính ổn định”, phó phụ trách sứ mệnh khoa học của NASA là ông Sandra Connelly cho biết.
Từ khóa NASA sao Mộc Europa Clipper