Nhà lập pháp Mỹ kêu gọi ông Biden giữ lời hứa giải quyết các rủi ro an ninh của TikTok
- Phan Anh
- •
Hạ nghị sĩ bang Texas Michael McCaul, đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đang thúc giục ông Joe Biden giải quyết những lo ngại do TikTok (ứng dụng chia sẻ video phổ biến của Trung Quốc) gây ra.
“Tôi khuyến khích chính quyền Biden tập trung bám sát vào các mối lo ngại xuất phát từ những công ty truyền thông xã hội của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) như TikTok, điều khiến cho dữ liệu cá nhân và an ninh quốc gia của chúng tôi gặp rủi ro,” ông McCaul cho biết trên Twitter vào hôm 23/1 vừa qua. Nhà lập pháp McCaul ám chỉ tuyên bố mà ông Biden đã đưa ra trong một chiến dịch ở tiểu bang Minnesota hồi năm 2020.
LR @RepMcCaul: “I encourage the Biden admin to stick to its concerns about CCP social media companies like TikTok, which put our personal data & nat’l security at risk. We’re ready to work with the admin if needed on tools like updating the Berman amendment for the 21st century.” https://t.co/nmhzy1rCpO
— House Foreign Affairs GOP (@HouseForeignGOP) January 23, 2021
Vào ngày 18/9/2020, ông Biden cho biết rằng TikTok là một “vấn đề thực sự cần quan tâm“, do sự phổ biến của ứng dụng này ở Mỹ và khả năng Trung Quốc sử dụng TikTok để truy cập dữ liệu người dùng Mỹ. Ông cũng nói rằng, nếu được bầu làm tổng thống, ông sẽ nhờ các chuyên gia mạng “đi sâu tìm hiểu” để đưa ra “giải pháp tốt nhất” nhằm đối phó với những rủi ro liên quan đến ứng dụng.
Vào tháng 8/2020, Tổng thống Donald Trump khi đó đã ra sắc lệnh buộc ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc, phải rút vốn khỏi ứng dụng này trong vòng 90 ngày. Một tháng sau, ông Trump đã thông qua một thỏa thuận nguyên tắc về hợp tác, trong đó TikTok sẽ được phép tiếp tục hoạt động tại Mỹ và ByteDance sẽ thành lập một công ty mới có tên TikTok Global, với các công ty Mỹ là Oracle và Walmart đóng vai trò cổ đông trong TikTok Global.
Mặc dù cả 2 công ty của Mỹ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận vào tháng 9/2020, nhưng mối quan hệ đối tác vẫn chưa được chính thức hóa.
Trong khi đó, TikTok đã đệ đơn kiện chống lại lệnh cấm của Tổng thống Trump vào tháng 8/2020; lệnh cấm tạm thời bị chặn sau khi một thẩm phán liên bang ban hành lệnh sơ bộ (preliminary injunction) vào ngày 27/9/2020.
Đầu tháng 1/2021, chính phủ Mỹ và TikTok đã đồng ý gia hạn cho đến ngày 18/2 để cả 2 bên nộp các tài liệu trong trận chiến pháp lý tại tòa án, theo tờ Business Insider.
Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, các quan chức Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng công nghệ phần cứng và phần mềm của Trung Quốc có thể bị Bắc Kinh lợi dụng vào mục đích gián điệp, trong đó trích dẫn luật tình báo quốc gia của Trung Quốc quy định rằng các công ty và cá nhân phải hợp tác với các nỗ lực tình báo của Trung Quốc khi cần thiết.
TikTok không phải là ứng dụng di động duy nhất của Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại. Vào ngày 5/1, tổng thống Trump đã ký một lệnh hành pháp cấm các giao dịch của Mỹ với 8 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm Alipay của Ant Group, Tencent QQ và WeChat Pay.
Vào tháng 10/2020, Thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida đã đưa ra một biện pháp có tên là S.4869, trong đó hướng đến việc bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ khỏi các ứng dụng di động nước ngoài có nguy cơ cao, đặc biệt là các ứng dụng từ Trung Quốc.
Theo đề xuất của ông, các ứng dụng được định nghĩa là “phần mềm nước ngoài có rủi ro cao” sẽ đi kèm với một nhãn cảnh báo để người dùng nhận biết được các rủi ro bảo mật và dữ liệu, như quyền sở hữu phần mềm và quốc gia xuất xứ.
Các công ty sở hữu phần mềm có rủi ro cao sẽ phải gửi một số thông tin nhất định của công ty, chẳng hạn như dữ liệu người dùng đang được truy cập và các chính sách kiểm duyệt nội dung nội bộ, cho cả Ủy ban Thương mại Liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ.
Theo The Epoch Times,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa Lập pháp Tổng thống Donald Trump mối nguy hiểm TikTok Biden