Những hình ảnh mới từ kính thiên văn James Webb thách thức thuyết Big Bang
- Phan Anh
- •
Những hình ảnh mới chụp được từ kính thiên văn không gian James Webb đã đặt ra nhiều nghi vấn về sự tồn tại của vũ trụ giãn nở – yếu tố giúp các nhà khoa học đề xuất giả thuyết Big Bang.
Nhà khoa học Eric Lerner, tác giả cuốn “The Big Bang Never Happened (Big Bang chưa từng xảy ra)” xuất bản năm 1991, đã chia sẻ bài phân tích các khía cạnh mâu thuẫn trong hình ảnh của James Webb với giả thuyết Big Bang như sau:
Kể từ khi chính thức hoạt động vào tháng 7, kính James Webb đã tạo ra những hình ảnh ấn tượng về vũ trụ. Lần đầu tiên các nhà khoa học có thể phát hiện, phân tích để dựng hình ảnh về thiên hà, ngôi sao cổ và xa nhất từ trước đến nay.
Trong những nghiên cứu được đăng tải về kính James Webb có một bài viết gây chú ý khi bắt đầu bằng từ “Panic!” (Hoảng sợ). Dù không phân tích ý nghĩa phía sau từ này, các dữ liệu và hình ảnh thu được từ James Webb trong bài viết hoàn toàn mâu thuẫn với giả thuyết Big Bang – sự kiện được cho là đã tạo ra vũ trụ mà chúng ta biết đến ngày nay.
Theo thuyết Big Bang, vũ trụ được hình thành cách đây 14 tỷ năm trong trạng thái cực kỳ nóng, đặc và luôn mở rộng. Giả thuyết đó được các nhà khoa học vũ trụ đưa ra và chấp nhận suốt nhiều năm như một “chân lý”. Vậy nên, dữ liệu thu được từ kính James Webb đang khiến các nhà khoa học lý thuyết cảm thấy “hoảng sợ”.
“Ngay bây giờ, tôi thức trắng lúc 3h sáng, tự hỏi rằng liệu mọi công trình của mình có sai lầm hay không”, Alison Kirkpatrick, nhà thiên văn học tại Đại học Kansas, Lawrence (Mỹ) cho hay.
“Right now I find myself lying awake at three in the morning,” Kirkpatrick says, “wondering if everything I’ve ever done is wrong.”
I stand by that statement.@alexwitze https://t.co/UgurvyCJr7
— Allison the Big Bang happened Kirkpatrick (@AkAstronomy) July 27, 2022
Hình ảnh thu về từ kính James Webb đều chụp rất nhiều thiên hà cực nhỏ, mịn, “già” và không quá khó để nhận thấy điều đó hoàn toàn mâu thuẫn với thuyết Big Bang.
Những mâu thuẫn từ hình ảnh thu được qua kính James Webb và thuyết Big Bang
Hãy bắt đầu với chi tiết “cực nhỏ”. Vũ trụ liên tục giãn nở tạo ra ảo ảnh (optical illusion). Với hiệu ứng trên, chúng ta sẽ thấy các thiên hà hoặc vật thể trong vũ trụ giãn nở không hề nhỏ đi dù khoảng cách ngày càng xa. Kích thước của chúng khi quan sát thậm chí có thể lớn hơn nếu đi qua một số điểm nhất định trong vũ trụ do hiệu ứng ánh sáng.
Trong khi đó, ảnh chụp được từ kính James Webb chỉ ra rằng thiên hà ngày càng nhỏ nếu cách xa chúng ta. Ngay cả những thiên hà với độ sáng, khối lượng lớn hơn Dải Ngân Hà được nhìn thấy cũng nhỏ hơn 2-3 lần so với cùng bức ảnh chụp bởi kính viễn vọng Hubble. Từ đó, mức dịch chuyển đỏ (redshift) của các thiên hà cũng cao hơn 2-3 lần quan sát cũ.
Đó không phải chi tiết phù hợp với một vũ trụ giãn nở, tuy nhiên tôi (nhà khoa học Eric Lerner) và cộng sự Riccardo Scarpa từng dự đoán điều tương tự xảy ra trong vũ trụ không giãn nở. Năm 2014, chúng tôi đã chia sẻ kết quả dựa trên kính viễn vọng Hubble. Kết quả cho thấy thiên hà có mức dịch chuyển đỏ đến 5 điểm phù hợp với giả thuyết vũ trụ không giãn nở.
Với kính James Webb, mức dịch chuyển đỏ phù hợp tăng lên 12. Điều đó đồng nghĩa với việc những thiên hà xa xôi trong bức ảnh của James Webb có kích thước bằng với thiên hà “hàng xóm” của chúng ta, giả định rằng vũ trụ không giãn nở và mức dịch chuyển đỏ tỷ lệ thuận với khoảng cách.
Nhưng theo thuyết Big Bang về vũ trụ giãn nở, các thiên hà xa xôi này phải thực sự rất nhỏ để phù hợp với hiệu ứng ảo ảnh. Lấy ví dụ với GHz2, thiên hà được quan sát với độ sáng cao hơn Dải Ngân Hà nhưng bán kính chỉ 300 năm ánh sáng, nhỏ hơn bán kính Dải Ngân hà đến 150 lần. Nếu độ sáng cao như vậy, bề mặt thiên hà trên một đơn vị diện tích sẽ sáng gấp 600 lần thiên hà sáng nhất trong vũ trụ, độ dày đặc gấp hàng chục nghìn lần những thiên hà khác.
Ngay từ thời điểm sử dụng kính viễn vọng không gian Hubble, các nhà khoa học đã đặt giả thuyết về thiên hà siêu nhỏ, dày đặc được tạo thành khi một thiên hà va chạm với thiên hà khác, tạo ra cấu trúc lộn xộn. Dẫu vậy, trong ảnh của James Webb, các thiên hà siêu nhỏ có phần đĩa cực kỳ “sạch sẽ” và dạng xoắn ốc gọn gàng, tương tự các thiên hà ngày nay.
Trong bài viết “Panic!” nêu trên, dữ liệu chỉ ra rằng các thiên hà xoắn ốc mịn như vậy nhiều gấp 10 lần so với lý thuyết. Điều này sẽ hoàn toàn bác bỏ các giả thuyết trước đây về sự hợp nhất thiên hà.
Với lượng thiên hà hợp nhất quá ít hoặc không tồn tại, sẽ không có chuyện các thiên hà nhỏ bé có thể lớn thêm hàng trăm lần. Nếu điều này xảy ra, ảo ảnh được dự đoán từ thuyết vũ trụ giãn nở sẽ không tồn tại, tức là không có hiện tượng vũ trụ giãn nở, nói cách khác, không có Big Bang.
Tiếp đến, kính James Webb sử dụng nhiều bộ lọc để thu thập dữ liệu từ các bước sóng hồng ngoại rồi dịch thành màu sắc. Qua đó, các nhà khoa học có thể ước tính tuổi của ngôi sao trong thiên hà. Những ngôi sao nóng và trẻ có màu xanh, trong khi ngôi sao mát và già có màu vàng hoặc đỏ.
Theo thuyết Big Bang, các thiên hà xa nhất trong ảnh của James Webb xảy ra khoảng 400-500 triệu năm sau vụ nổ. Tuy nhiên, một số thiên hà tồn tại các quần thể sao hơn 1 tỷ năm tuổi. Sự tồn tại của chúng là bằng chứng cho thấy Big Bang không xảy ra.
Nếu thuyết Big Bang là đúng, các nhà khoa học nghĩ rằng kính James Webb sẽ ngày càng phát hiện ít thiên hà, cuối cùng là không còn khi quan sát với khoảng cách xa nhất. Tuy nhiên, một bài báo trên tạp chí Nature chứng minh các thiên hà có khối lượng giống Dải Ngân Hà tồn tại rất phổ biến, thậm chí trong khoảng vài trăm triệu năm sau Big Bang.
Bài phân tích chỉ ra rằng ảnh chụp của kính James Webb cho thấy số lượng thiên hà có mức dịch chuyển đỏ cao hơn 10 nhiều hơn ít nhất 100.000 lần giả thuyết. Không cách nào để các thiên hà lớn như vậy hình thành trong khoảng thời gian ngắn, và một lần nữa, Big Bang không tồn tại trong trường hợp này.
Đầu tháng 7, tôi (nhà khoa học Eric Lerner) đã đăng tải 2 bài báo tóm tắt những phân tích về thành phần hóa học của thiên hà. Dựa trên các tài liệu đã đăng tải, có 16 điểm không phù hợp của thuyết Big Bang.
Liệu có sự thao túng của giới truyền thông?
Độc giả có thể thắc mắc tại sao họ ít đọc những bài viết về sự sai lầm của thuyết Big Bang trên các phương tiện truyền thông lớn, và đặt ra câu hỏi tại sao tác giả nhiều báo cáo không tự họ chỉ ra điểm mâu thuẫn. Câu trả lời rằng nếu bất cứ ai thắc mắc về Big Bang, họ sẽ bị cho là “ngốc nghếch” và không phù hợp với chuyên môn công việc.
Nguồn tài trợ cho ngành vũ trụ học đến từ số ít tổ chức chính phủ, được kiểm soát bởi một số ủy ban do các nhà ủng hộ giả thuyết Big Bang chi phối. Họ đã dành cả cuộc đời để xây dựng lý thuyết. Những bài viết công khai phản biện về Big Bang không có sự hậu thuẫn lớn như vậy. Nếu được đăng tải, chúng sẽ bị xem là các bài viết “có vấn đề”, không tuân theo cơ sở khoa học về vũ trụ.
Hiện nay, hầu như không thể xuất bản các nghiên cứu thách thức giả thuyết Big Bang trên các tạp chí thiên văn. Một biên tập viên từng từ chối bài nghiên cứu của tôi (nhà khoa học Eric Lerner). Bản thân tôi đã kêu gọi các nhà khoa học ủng hộ giả thuyết Big Bang tranh luận cởi mở về những bằng chứng mới. Tương tự nhiều lĩnh vực, để có thể phát triển ngành vũ trụ học, cuộc tranh luận đa chiều cần được diễn ra một cách công khai trên các tạp chí khoa học cũng như phương tiện truyền thông đại chúng.
Phan Anh
Từ khóa vụ nổ big bang kính thiên văn James Webb thuyết Big Bang