Phản lực đeo lưng Jetman giờ đã có thể cất cánh từ mặt đất (video)
Trong một video mới được đăng tải về hệ thống phản lực đeo lưng, phi công Yves Rossy (60 tuổi, đến từ Thụy Sĩ) đã chứng minh cho mọi người thấy rằng mình có thể bay lên thẳng mà không cần phải dùng tới máy bay hay trực thăng. Hiện người đàn ông này có thể bay lên khỏi mặt đất bằng cách sử dụng một hệ thống cất cánh và hạ cánh tự động theo chiều thẳng đứng có tên là VTOL.
Còn nhớ hồi tháng 10/2015, Yves Rossy và vận động viên nhảy dù chuyên nghiệp Vince Reffet đã bay liệng cùng máy bay Airbus A380 khổng lồ và phía trên các danh thắng ở Dubai nhờ sử dụng bộ cánh phản lực đeo lưng tự chế, họ leo lên trực thăng, thả mình rơi xuống và bắt đầu bay trên bầu trời.
Toàn bộ cuộc du ngoạn ấn tượng này đã được cả 2 ghi lại và đăng tải trên mạng. Đoạn video được quay từ một máy bay hộ tống và 2 camera GoPro gắn trên người Rossy và Reffet khi họ lướt phía trên vùng sa mạc và cảnh quan đô thị, thậm chí có lúc họ còn bay liệng xung quanh đỉnh của tòa nhà Burj Khalifa cao nhất thế giới. Khác với động cơ phản lực đeo lưng sử dụng hai ống quạt lớn tạo lực nâng cất cảnh thẳng của công ty Martin Aircraft, thiết bị này chạy bằng tuabin và có cánh hoạt động trong không khí.
Tuy nhiên, nhược điểm dễ nhận thấy của nó là người sử dụng vẫn cần trợ giúp để bay lên và hạ cánh với sự hỗ trợ của một chiếc dù.
Năm 2016, Rossy và Reffet lại nâng cuộc chơi lên một tầm cao mới. Với sự góp mặt của thành viên thứ 3, Fred Fugen, họ đã có màn bay lượn đẹp mắt kéo dài 9 phút với đội bay biểu diễn Patrouille de France (được xem là nhóm bay nhào lộn lâu đời nhất thế giới) phía trên bầu trời vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur của Pháp. Bộ 3 này chủ yếu chỉ sử dụng cử động của cơ thể để điều chỉnh vị trí so với những chiếc máy bay.
Video màn biểu diễn của nhóm Rossy vào năm 2016:
Không thể cất cánh từ mặt đất luôn là điểm yếu của thiết bị phản lực đeo lưng tuyệt đẹp của Rossy. Khi ở trên không, “người phản lực” có thể bay lượn như chim nhờ bộ phận cánh nâng (wing lift) được thiết kế nhằm tăng hiệu quả cho chuyến bay.
Phản lực đeo lưng cất cánh thẳng đứng
Để giải quyết vấn đề cất cánh, Rossy đã làm việc với một nhóm nghiên cứu đến từ Thụy Sĩ để phát triển hệ thống cất cánh tự động, tự cân bằng theo chiều thẳng đứng. 4 động cơ tuabin Jetcat P550 mạnh mẽ gắn trên cánh giúp Rossy bay thẳng lên với vận tốc đạt ngưỡng 180 km/h.
Video giới thiệu về hệ thống phản lực đeo lưng mới của Rossy:
Bên cạnh đó, Rossy còn đăng tải đoạn video trong đó ông thoải mái bay lơ lửng quanh hồ rồi quay trở lại đất liền. Cánh tay của Ross hoàn toàn thả lỏng, ông chỉ sử dụng hệ thống điều khiển được gắn trên ngón tay (bao ngoài bởi găng tay), nhờ đó cánh phản lực có thể tự cân bằng và giúp ông bay lơ lửng một cách chậm rãi cũng như hạ cánh nhẹ nhàng.
Việc thử nghiệm sẽ tiếp tục được tiến hành trong năm 2020.
Video Yves Rossy thử nghiệm thành công hệ thống VTOL khi bay quanh hồ:
Thực ra, phản lực đeo lưng không phải là công nghệ mới lạ. Trước đó vào năm 2011, Martin Aircraft, nhà sản xuất loại động cơ phản lực cá nhân tại New Zealand đã tiến hành bay thử nghiệm trong 7 phút đối với động cơ phản lực đeo lưng mang tên Martin Jetpack. Đây là thiết bị được điều khiển qua sóng radio từ mặt đất.
Trong thử nghiệm, phi công thực ra là hình nộm, được chế tạo chủ yếu từ sợi các-bon, động cơ có thể chứa được lượng khí đốt đủ để bay trong khoảng 30 phút. Mặc dù Martin Jetpack có khối lượng 113kg nhưng nó chỉ mang được một người có khối lượng 15kg với tốc độ tối đa là 97km/h. Năm 2016, thiết bị này được rao bán ra thị trường với giá rơi vào khoảng 200,000 USD nhằm mục đích y tế và cứu hộ:
Video động cơ phản lực Martin Jetpack bay trên không:
Từ khóa phi công phản lực đeo lưng jetpack