Phát hiện mới về những ca mắc COVID-19 nặng ở người trẻ tuổi và khỏe mạnh
- Phan Anh
- •
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng một gene giúp virus corona tự sao chép có thể góp phần dẫn đến tình trạng nguy kịch ở những người trẻ tuổi và khỏe mạnh.
Cụ thể, các nhà khoa học Pháp đã nghiên cứu trên 72 bệnh nhân COVID-19 dưới 50 tuổi, trong đó có 47 người trong tình trạng nguy kịch và 25 người ở tình trạng không nghiêm trọng, cùng với 22 tình nguyện viên khỏe mạnh.
Trong số các bệnh nhân tham gia nghiên cứu, không ai có bất kỳ bệnh mãn tính nào làm tăng nguy cơ bệnh nặng như tim mạch hoặc tiểu đường.
Phân tích di truyền đã xác định 5 gene được điều chỉnh hoặc hoạt động nhiều hơn đáng kể ở những bệnh nhân nặng, trong đó nổi bật nhất là gene có tên gọi ADAM9.
Theo báo cáo được đăng tải hôm 26/10 trên Science Translational Medicine, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy cùng một kiểu gene nêu trên ở nhóm bệnh nhân COVID-19 khác gồm 154 người, trong đó có 81 ca bị bệnh nặng.
Sau đó, trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các tế bào phổi người nhiễm virus corona. Họ phát hiện ra rằng việc ngăn cản hoạt động của gene ADAM9 khiến virus khó tự sao chép hơn.
Theo nhóm chuyên gia, cần tiến hành thêm các nghiên cứu để xác nhận phát hiện trên và xác định liệu có thể phát triển phương pháp để ngăn chặn gene ADAM9 hay không.
Ở một diễn biến khác, mới đây, giáo sư y khoa Martin Kulldorff thuộc Đại học Harvard (người đã tham gia nghiên cứu vắc-xin hơn 20 năm) đã đưa ra nhận định rằng trẻ em không nên tiêm vắc-xin COVID-19.
“Tôi không nghĩ rằng trẻ em nên tiêm vắc-xin COVID-19. Căn bệnh này không phải là một mối đe dọa lớn đối với trẻ em”, giáo sư phát biểu trên chương trình “American Thought Leaders”.
“Chúng có thể bị nhiễm COVID, giống như bị cảm lạnh thông thường, nhưng điều này không phải là mối đe dọa lớn. Vậy nên, nếu bạn muốn nói về việc bảo vệ hoặc giữ an toàn cho trẻ, tôi nghĩ chúng ta có thể nói về vấn đề như tai nạn giao thông. Tuy nhiên, COVID không phải là một nguy cơ lớn đối với trẻ em”, ông nói thêm.
Việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho người lớn tuổi và những người ở mọi lứa tuổi có hệ miễn dịch bị suy yếu, đã thu hút được sự ủng hộ của hầu hết các chuyên gia y tế. Tuy nhiên, việc tiêm chủng cho những người trẻ khỏe mạnh, đặc biệt là trẻ em, đã gây ra nhiều sự phản đối hơn, một phần là do có ít nguy cơ gây bệnh COVID-19 cho họ.
Theo dữ liệu và nghiên cứu của Kulldorff, trẻ em có nhiều khả năng mắc bệnh nghiêm trọng hoặc tử vong do cúm mùa hàng năm hơn là COVID-19. Chỉ 195 trẻ em từ 0-4 tuổi và 442 trẻ em từ 5-18 tuổi đã thiệt mạng do COVID-19 ở Mỹ tính đến ngày 20/10, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ. Cơ quan này cho biết trẻ em có nguy cơ nhập viện do căn bệnh này thấp hơn 15 lần so với những người từ 85 tuổi trở lên và nguy cơ tử vong thấp hơn 570 lần.
“Một ví dụ điển hình là Thụy Điển, làn sóng dịch bệnh đầu tiên xảy ra vào mùa xuân năm 2020 đã ảnh hưởng khá nặng nề đến quốc gia này”, Kulldorff nói. “Nhưng Thụy Điển đã quyết định mở cửa nhà trẻ và trường học cho tất cả trẻ từ 1-15 tuổi. Và [kết quả là] có 1,8 triệu trẻ đã vượt qua làn sóng đầu tiên mà không cần tiêm vắc-xin, tất nhiên, không cần đeo khẩu trang, không áp dụng bất kỳ hình thức giãn cách nào ở trường học. Nếu trẻ bị bệnh, chúng sẽ được yêu cầu ở nhà. Và bạn biết có bao nhiêu trong số 1,8 triệu trẻ em tử vong do COVID không? Không có ai cả. Chỉ một số trường hợp nhập viện. Vậy nên, đây không phải là căn bệnh nguy hiểm đối với trẻ em”.
Theo giáo sư, khi cân nhắc xem có nên tiêm chủng cho trẻ em hay không, cũng phải tính đến nguy cơ xảy ra tác dụng phụ của vắc-xin. Nguy cơ chính đối với những người trẻ tuổi là viêm cơ tim, đã xuất hiện sau tiêm chủng với tỷ lệ cao hơn nhiều so với dự kiến. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã thêm cảnh báo đối với vắc-xin Pfizer và Moderna trong mùa hè về chứng viêm cơ tim.
Ông Kulldorff cho biết: “Nếu bạn đã có khả năng miễn dịch sau khi bị mắc COVID, thì lợi ích của vắc-xin nhỏ hơn rất nhiều. Nếu bạn là một đứa trẻ, ngay cả khi bạn chưa mắc COVID, nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo hoặc tử vong là rất nhỏ”.
Theo Reuters,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa Nghiên cứu khoa học COVID-19