“Quyền bị lãng quên” tại châu Âu trao cho Google quyền lực khổng lồ
- Thành Đô
- •
Trong việc kiểm soát các công cụ tìm kiếm, luật pháp nước Mỹ nhấn mạnh vào tự do ngôn luận và tính công khai của thông tin. Nhưng ở Châu Âu, quyền riêng tư về dữ liệu cá nhân được nhấn mạnh hơn rất nhiều, các công dân có “quyền bị lãng quên”, buộc Google phải loại bỏ một số kết quả tìm kiếm khi được yêu cầu.
Làm thế nào để bị “lãng quên”
“Quyền bị lãng quên” cho phép người dân châu Âu gửi yêu cầu tới Google (và các công cụ tìm kiếm khác) để loại bỏ một số đường dẫn biểu đạt thông tin về họ một cách “không chuẩn xác, không đầy đủ, không liên quan hoặc thái quá”.
Bạn có thể gửi yêu cầu này bằng cách điền một mẫu đơn trên mạng, nó sẽ được xét duyệt bởi một “hội đồng cố vấn” gồm các giáo sư, luật sư, nhân viên chính phủ được chọn bởi Google. Khi được thông qua, Google sẽ loại bỏ những kết quả tìm kiếm đó khi người ta dùng công cụ của hãng (mặc dù nội dung vẫn còn trên mạng).
Từ năm 2014, Google đã nhận được 655 nghìn yêu cầu cá nhân loại bỏ 2,4 triệu đường dẫn, một số yêu cầu vẫn đang chờ xét duyệt, nhưng 43% (901 nghìn) đường link đã được thông qua cho đến hiện nay.
Những người yêu cầu loại bỏ đường dẫn là ai?
Theo một báo cáo gần đây công bố bởi Google, 89% các yêu cầu đến từ các công dân bình thường muốn bảo vệ các thông tin cá nhân của họ; 11% còn lại thì rắc rối hơn, gồm có các tập đoàn, các chính trị gia và nhân vật của công chúng.
Trong 3 năm qua, các nhân viên chính phủ đã gửi yêu cầu để “lau” sạch 34 nghìn đường dẫn khỏi Google, dưới sự xem xét kỹ lưỡng.
Quyền lực của Google
Để chọn ra yêu cầu nào sẽ được thông qua, Google sẽ xét đến nhiều nhân tố, gồm có: “liệu nội dung có liên quan đến sự nghiệp, tiền án tiền sự, văn phòng chính trị, vị trí trong đời sống công chúng… của người yêu cầu hay không, hay nội dung là về báo chí thuần túy.”
Như vậy với luật kiểm soát công cụ tìm kiếm này, hẳn là chúng ta đã bỏ lỡ một số đường dẫn cho đến hiện nay (901 nghìn không phải con số lớn khi so sánh với sự bao la của Internet, nhưng có thể rất nhiều đường dẫn chứa thông tin quan trọng).
Có thể trong tương lai sẽ cần có một số công cụ tìm kiếm không chính thức ra đời cho phép tìm kiếm tất cả các đường dẫn, không cố ý ẩn đi điều gì.
Về mặt tổng thể, theo internetlivestats, Google hiện nay xử lý hơn 40.000 lệnh tìm kiếm mỗi giây, tương đương với khoảng 3,5 tỷ lệnh mỗi ngày, 1200 tỷ mỗi năm trên toàn thế giới. Biểu đồ sau cho thấy số lệnh tìm kiếm của Google qua từng năm:
Bên cạnh đó, dù có hội đồng cố vấn, nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn là của Google, họ hoàn toàn có quyền quyết định đường dẫn nào có thể được loại bỏ, mặc dù đường dẫn đó có thể là thông tin mà người dùng internet nên biết, ví dụ thông tin về một sản phẩm hàng giả kém chất lượng của một công ty nào đó, hay thông tin về một số nhóm lừa đảo.
Những đối tượng bị những đường dẫn này nhắm tới cũng có thể sẽ dùng các cách thức khác nhau để “hối lộ” Google. Đây chính là một khía cạnh về sức ảnh hưởng của Google.
Không chỉ vậy, theo theguardian Google còn nắm giữ dữ liệu của chúng ta, hiểu rõ chúng ta hơn bất kỳ một công cụ tìm kiếm nào khác. Nếu bạn dùng webmail của Google, thì các tin nhắn sẽ được lưu vĩnh viễn trên server của Google.
Theo trang NPR phân tích, tất cả điều này có nghĩa là một công ty tư nhân đang nắm trong tay quyền lực quyết định điều gì sẽ nằm trong “lợi ích của công chúng,” một lằn ranh nguy hiểm giữa quyền riêng tư cá nhân và lạm dụng kiểm duyệt thông tin.
Nguyên Khánh tổng hợp
Từ khóa google Châu âu đạo đức kinh doanh bộ máy tìm kiếm