Bằng công cụ tàu phá băng và robot dưới nước, các nhà khoa học đã phát hiện ra sông băng Thwaites ở Nam Cực đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh, thậm chí có thể đến mức sụp đổ không thể cứu vãn, gây ra thảm họa mực nước biển toàn cầu dâng cao.

Song bang Nam Cuc
Sông băng Nam Cực tan chảy. (Ảnh: Shutterstock)

Hãng CNN đưa tin hôm 20/9, một nhóm các nhà khoa học thuộc Hợp tác sông băng Thwaites quốc tế (ITGC) kể từ năm 2018 đã nghiên cứu “sông băng ngày tận thế” này ở cự ly gần, hiểu rõ hơn về tình trạng của sông băng này như thế nào và khi nào sụp đổ. Họ đã đưa ra kết luận thông qua một loạt nghiên cứu và cung cấp hình ảnh rõ ràng nhất về dòng sông băng phức tạp và đang thay đổi nhanh chóng này. Sau 6 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiết lộ kết luận chính trong một báo cáo công bố ngày 18/9 và chỉ ra triển vọng “thảm khốc” của dòng sông băng này.

Họ cũng phát hiện ra các sông băng đang biến mất nhanh hơn trong thế kỷ này. Theo chuyên gia Địa chất biển Rob Larter thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) và là thành viên của Hợp tác Sông băng Thwaites Quốc tế, sông băng Thwaites đã không ngừng thu hẹp trong vài thập niên qua, những phát hiện cho thấy tình hình hiện tăng tốc đáng kể, những chi tiết đã được làm rõ trong quá trình nghiên cứu suốt 6 năm qua.

Ví dụ robot dưới nước hình ngư lôi có tên Icefin đã xâm nhập sâu vào sông băng Thwaites để tìm hiểu, hình ảnh thu được cho thấy tan chảy của sông băng diễn ra đáng báo động, dường như do nước biển ấm xâm nhập vào băng thông qua các vết nứt sâu và các cấu trúc  bậc thang.

Một nghiên cứu khác sử dụng vệ tinh và GPS để quan sát ảnh hưởng của thủy triều, phát hiện ra rằng nước biển có thể đẩy xa hơn khoảng 9,65 km, đồng thời nước biển ấm ép dưới lớp băng khiến sông băng tan chảy nhanh.

Các nhà khoa học dự đoán sông băng Thwaites và dải băng Nam Cực có thể sụp đổ trong vòng 200 năm tới, gây ra những hậu quả tàn khốc. Mặc dù sông băng Thwaites chứa lượng nước đủ để nâng mực nước biển lên hơn 2 feet (gần 61 cm), nhưng do sông bằng này có tác dụng giống như nút chai chặn khối băng Nam Cực rộng lớn, nên nếu nó sụp đổ có thể khiến mực nước biển dâng lên khoảng 10 feet (gần 305 cm), trong trường hợp này sẽ nhấn chìm các cộng đồng ven biển từ Miami và London đến Bangladesh và Quần đảo Thái Bình Dương.

Đài BBC của Anh trước đó đã đưa tin rằng diện tích của “sông băng ngày tận thế” này tương đương với diện tích của Vương quốc Anh hoặc bang Florida Mỹ, nếu tan chảy toàn bộ thì mực nước biển toàn cầu sẽ tăng khoảng 65 cm, cũng sẽ ảnh hưởng đến các sông băng gần đó và đẩy nhanh quá trình tan chảy, khiến không loại trừ khả năng mực nước biển toàn cầu sẽ tăng từ 2 – 3 mét, mức tăng đó sẽ là mối đe dọa đối với cả các quốc đảo và các thành phố ven biển, dù ảnh hưởng rõ không xảy ra trong thời gian ngắn, nhưng sông băng ngày tận thế đang tan chảy rất nhanh.

Tuvalu nằm ở phía nam của Thái Bình Dương có độ cao 4,5 mét, tuy nhiên do địa hình thấp nên một khi mực nước biển dâng cao sẽ chịu tác động nặng nề và bị nước biển nhấn chìm. Đất nước ở châu Đại Dương này có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng hạn chế và đất đai nghèo nàn, từng bị Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách một trong những nước kém phát triển nhất thế giới.

Cộng hòa Quần đảo Marshall cũng là nước có vị trí thấp, tổng dân số khoảng 59.000 người nhưng diện tích đất liền chỉ 180 km2. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, mực nước biển dâng cao có thể khiến Cộng hòa Quần đảo Marshall mất toàn bộ lãnh thổ và do đó được coi là một trong những nước có nguy cơ biến mất cao nhất do mực nước biển dâng cao.