TikTok cũng là một công cụ kiểm duyệt của ĐCSTQ
- Phan Anh
- •
TikTok, mạng xã hội phổ biến thuộc sở hữu của Trung Quốc, đã tiến hành kiểm duyệt các video có đề cập đến sự kiện diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, phong trào độc lập Tây Tạng và những người tu luyện Pháp Luân Công, theo các tài liệu bị rò rỉ nêu chi tiết cách thức kiểm duyệt những nội dung trên.
Tài liệu bị rò rỉ nêu trên cũng cho biết, ByteDance, công ty công nghệ sở hữu và phát triển ứng dụng TikTok, có trụ sở tại Bắc Kinh, đang thúc đẩy việc thực hiện các chính sách đối ngoại của Trung Quốc thông qua ứng dụng này.
TikTok kiểm duyệt trên quy mô rộng
Những tiết lộ trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến nghi ngờ chính quyền Bắc Kinh kiểm duyệt việc thảo luận về các cuộc biểu tình diễn ra ở Hồng Kông trên ứng dụng TikTok. Trước sự việc này, ByteDance đã giải thích rằng TikTok chỉ là nơi giải trí, không liên quan đến chính trị, người dùng chỉ quan tâm đến những nội dung tích cực, vui vẻ nên các chủ đề nhạy cảm như biểu tình ở Hồng Kông sẽ không xuất hiện tại đây.
Các nội dung kiểm duyệt được phân thành hai nhóm: nhóm bị đánh dấu là “vi phạm”, sẽ bị xóa hoàn toàn và có thể dẫn đến việc cấm người dùng sử dụng dịch vụ. Nhóm thứ hai chứa ít nội dung vi phạm hơn và được đánh dấu là “hiển thị cho chính mình”, cụ thể, TikTok sẽ hạn chế khả năng hiển thị của các bài đăng. Công ty sẽ không thẳng thừng xóa các nội dung này, tuy nhiên, họ sẽ chỉnh sửa các thuật toán của mình để không chọn các video có chủ đề nhạy cảm.
Việc kiểm duyệt được thực hiện theo các quy định rất chung chung mơ hồ. Chẳng hạn, cấm chỉ trích hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc được thực hiện theo quy định chung là “cấm phê bình/tấn công các chính sách, quy phạm xã hội của bất kỳ quốc gia nào, như chế độ quân chủ lập hiến, quân chủ, hệ thống nghị viện, phân chia quyền lực, hệ thống xã hội chủ nghĩa, v.v.”.
Những nội dung bị cấm khác là “xuyên tạc lịch sử quốc gia mình hoặc các nước khác, cụ thể là những cuộc bạo loạn của Indonesia vào tháng 5/1998, nạn diệt chủng tại Campuchia, sự cố diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn.”
>> Chuyên gia: Ứng dụng di động TQ có thể chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ
Một quy định chung với phạm vi rộng hơn là: cấm “các chủ đề gây tranh cãi, chẳng hạn như ly khai, xung đột tôn giáo, mâu thuẫn giữa các nhóm sắc tộc, ví dụ như thổi phồng các cuộc xung đột giáo phái Hồi giáo, kích động độc lập của Bắc Ireland, Cộng hòa Chechnya, Tây Tạng, Đài Loan và phóng đại mâu thuẫn sắc tộc giữa người da đen và người da trắng “.
Tất cả các nội dung bị vi phạm nêu trên sẽ dẫn đến việc bài đăng được đánh dấu là “hiển thị cho chính mình”. Tuy nhiên, các bài đăng liên quan đến thông tin về môn tu luyện Pháp Luân Công lại bị đánh dấu là “vi phạm”, do bị liệt vào “nhóm cổ xúy việc tự sát” (dựa theo vụ tự thiêu giả mạo mà ĐCSTQ dựng lên năm 2001 để vu khống người tập môn này có xu hướng tự sát).
Ứng dụng TikTok cũng cấm việc nhắc đến “các nhà lãnh đạo ở nước ngoài hoặc những hình ảnh nhạy cảm” như Kim Jong Il, Kim Il-sung, Mahatma Gandhi, Vladimir Putin, Donald Trump, Barack Obama, Kim Jong-un, Shinzo Abe, Park Geun-Hee, Joko Widodo và Narendra Modi. Đáng chú ý là sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quốc gia tối cao của Trung Quốc, trong danh sách này.
Sự “thay đổi” về chính sách kiểm duyệt
Phía ByteDance cho biết họ đã rút lại các hướng dẫn kiểm duyệt vào tháng 5/2019, trước thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, đồng thời cho hay các hướng dẫn hiện tại không đề cập đến những quốc gia hay vấn đề cụ thể.
“Trong những ngày đầu lập nên TikTok, chúng tôi đã đi theo cách tiếp cận thẳng thắn nhằm giảm thiểu những rắc rối trên nền tảng, và các hướng dẫn kiểm duyệt của chúng tôi cho phép đưa ra hình phạt đối với các nội dung kích động mâu thuẫn giữa các giáo phái tôn giáo hoặc các nhóm dân tộc tại một số khu vực trên thế giới”, ByteDance cho biết.
Khi TikTok bắt đầu mở rộng phạm vi trên toàn cầu vào năm 2018, công ty nhận ra rằng đây không là phương hướng đúng đắn và do vậy đã theo đuổi “cách tiếp cận khu vực hóa” nhằm quản lý nội dung ngay tại chính địa phương.
>> Video: 6 cách chính quyền Trung Quốc giám sát chặt chẽ 1,4 tỉ dân
TikTok ra mắt vào năm 2017, không lâu trước khi sáp nhập với một công ty của Mỹ có tên Musical.ly – được ByteDance mua lại với giá 1 tỷ USD nhằm thúc đẩy sự phát triển của ứng dụng.
Một ứng dụng tương tự mang tên Douyin ra mắt vào năm 2016, đã trở thành nền tảng phổ biến trong năm 2017 khi cứ 10 người Trung Quốc lại có 1 người sử dụng. Tuy nhiên, ứng dụng này chỉ có ở đại lục.
TikTok là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên App Store trong nửa đầu năm 2018 và hiện vẫn là nền tảng cực kỳ phổ biến, đặc biệt đối những người dùng có độ tuổi dưới 25. Tuy nhiên, cái giá của sự “nổi tiếng” là không hề rẻ, cụ thể, ByteDance đã phải chi ra 1 tỷ USD để quảng cáo trên Facebook nhằm thu hút người dùng.
Từ khóa ứng dụng di động Kiểm duyệt thông tin kiểm duyệt tại Trung Quốc TikTok