Công ty “thiên tài” dùng mã Morse bắt quả tang Google trộm lời bài hát
- Phan Anh
- •
Thông thường, khi tìm kiếm một bài hát nào đó trên Google, bạn sẽ nhận được kết quả là những đường link kèm theo một khung thông tin có lời bài hát (lyric). Ai cũng hài lòng ngoại trừ các website chuyên cung cấp lyric, bởi họ bị mất lượt xem vào tay Google. Nhưng làm sao để bắt Google phải nhận lỗi là đã copy nội dung từ website của người khác?
Một công ty truyền thông số có trụ sở tại New York (Mỹ) mang tên Genius Media, chuyên cung cấp lời bài hát, cho rằng Google đã tự ý lấy nội dung của họ để hiển thị trên công cụ Google Search mà không xin phép.
Những thông tin liên quan đến việc ăn cắp lời bài hát xuất hiện trên tạp chí Wall Street Journal vào trung tuần tháng 6/2019, theo đó, Genius khẳng định Google đã ăn cắp lời bát hát trực tiếp từ website của họ suốt nhiều năm qua. Công ty đã thông báo cho Google về việc này từ năm 2017, đồng thời cảnh báo “gã khổng lồ tìm kiếm” rằng việc tái sử dụng bản dịch lời bài hát từ website Genius là hành động vi phạm luật chống độc quyền.
“Trong 2 năm qua, chúng tôi liên tục đưa cho Google những bằng chứng không thể chối cãi rằng họ đang hiển thị lời bài hát lấy từ Genius”, ông Ben Gross, Giám đốc chiến lược của Genius cho biết. Tuy nhiên, Google tỏ ra không mấy quan tâm và hoàn toàn phủ nhận cáo buộc trên.
Vậy nên, Genius đã nghĩ ra một cách để Google không thể phủi tay việc copy lời bài hát của hãng. Cụ thể, công ty này khẳng định có thể xác minh lời bài hát hiển thị trên Google là của mình bằng cách sử dụng thay phiên hệ thống một loạt những dấu nháy thẳng và cong.
Những dấu nháy này khi chuyển sang mã Morse (một công nghệ truyền tin được phát triển vào thế kỷ 19, đặc biệt là những năm 1830) thì sẽ hiển thị ra dòng chữ “red handed” (bắt quả tang), do đó, bất cứ việc sao chép nguyên văn nào đều bị phát hiện thông qua mã này.
Video do Genius đăng tải trên tạp chí Wall Street Journal cho thấy cách hệ thống dấu chìm (watermark) sử dụng mã Morse của họ đã “bắt quả tang” Google:
Trước động thái này, Google cho biết lời bài hát của họ là do một bên đối tác thứ ba có tên LyricFind cung cấp. Công ty này cũng phủ nhận việc lấy trộm lời bài hát từ Genius. Ngoài ra, Google cũng đang tiến hành điều tra về vấn đề này đối với dữ liệu mà các đối tác cung cấp và sẽ ngưng hợp tác nếu họ có hành vi kinh doanh trái luật.
Khi “người gác cổng” thích giữ khách ở lại
Trên thực tế, có một điều còn lớn hơn cả vụ việc ăn trộm lời bài hát này. Mục tiêu mà Google hướng đến là cung cấp trực tiếp thông tin đến người dùng mà không phải thông qua các trang web khác. Tuy nhiên, việc Google hiển thị lời bài hát ngay trên trang tìm kiếm của mình đã khiến cho người dùng không còn nhu cầu bấm vào những trang chuyên hiển thị nội dung như Genius. Kết quả là, lượng truy cập giảm, kéo theo sự sụt giảm về lợi nhuận của các trang web này.
>> Không cần nghe lén, Google và Facebook đã có ‘hình nhân’ giả lập của bạn
Cụ thể, theo số liệu thống kê từ công ty phân tích web Jumpshot (trụ sở tại Mỹ), có tới 62% lượt tìm kiếm Google trên điện thoại di động, qua đó, người dùng không truy cập vào một website khác mà chỉ cần thông tin do Google hiển thị. Từ 2016 đến nay, số lượt tìm kiếm Google trên máy tính để bàn kết thúc bằng việc người dùng chẳng hề bấm vào kết quả tìm kiếm nào đã tăng từ 9% lên 35%. Bên cạnh đó, không chỉ có lời bài hát, các website cung cấp thông tin, dịch vụ du lịch, mua sắm cũng bị ảnh hưởng khi Google thay đổi cách thức hiển thị kết quả tìm kiếm.
Nhìn chung, vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của Genius mà còn nêu lên thực trạng ăn cắp thông tin tràn lan trên các website. Đối với Google, đây cũng là một trong những vấn đề mà rất nhiều người đã từng lên tiếng khi việc quản lý nội dung hiển thị không được kiểm soát một cách chặt chẽ, qua đó gây tổn thất cho các đối thủ cạnh tranh nhờ vào vị thế của cỗ máy tìm kiếm.
Theo Thehustle,
Phan Anh tổng hợp
Từ khóa google đạo đức kinh doanh Vi phạm bản quyền danh sách các bài hát được phổ biến rộng rãi