Trung Quốc phát triển “công tố viên” sử dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới
- Phan Anh
- •
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết rằng họ đã phát triển một cỗ máy sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới có thể buộc tội cũng như truy tố tội phạm. Được chế tạo và thử nghiệm bởi Viện Kiểm sát Nhân dân Phố Đông Thượng Hải, “công tố viên” AI được cho là có thể đưa ra các cáo buộc với độ chính xác trên 97% dựa theo những mô tả bằng lời về vụ việc.
Theo Giáo sư Shi Yong, Giám đốc Phòng thí nghiệm Quản lý Tri thức và Dữ liệu của Học viện Khoa học Trung Quốc, công nghệ này có thể giúp giảm khối lượng công việc hàng ngày của các công tố viên, cho phép họ tập trung vào những nhiệm vụ khó khăn hơn.
Các công tố viên đã sớm sử dụng AI trong quy trình thực thi pháp luật khi công nghệ này bắt được sử dụng lần đầu ở Trung Quốc vào năm 2016. Nhiều cơ quan tại nước này đang sử dụng một công cụ AI có tên là Hệ thống 206, có thể phân tích tính xác thực của bằng chứng, đánh giá điều kiện bắt giữ và mức độ nguy hiểm của nghi phạm đối với người dân.
Dẫu vậy, tất cả các công cụ AI hiện có đều có vai trò rất hạn chế bởi “chúng không thể tham gia vào quá trình ra quyết định buộc tội hay đề xuất bản án”, giáo sư Shi Yong và các đồng nghiệp cho hay. Việc đưa ra các quyết định như vậy sẽ đòi hỏi một cỗ máy có thể xác định và loại trừ bất kỳ nội dung nào của hồ sơ vụ án mà không bỏ qua những thông tin quan trọng. Ngoài ra, cỗ máy AI cũng cần phải chuyển đổi được các loại ngôn ngữ phức tạp, khác nhau của con người thành một định dạng toán học hoặc hình học tiêu chuẩn mà máy tính có thể nhận thức được.
Các công ty Internet của Trung Quốc đã phát triển nhiều công cụ hiện đại có thể xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhưng các hoạt động này thường đòi hỏi phải làm việc trên loại máy tính lớn mà các công tố viên không có quyền truy cập.
“Công tố viên” AI do nhóm của Giáo sư Shi Yong phát triển có thể hoạt động trên máy tính để bàn thông thường. Đối với mỗi nghi phạm, hệ thống sẽ buộc tội dựa trên 1.000 đặc điểm thu được từ văn bản mô tả vụ án do con người tạo ra, thậm chí đó là những dữ liệu rất nhỏ hoặc trừu tượng. Sau đó, hệ thống 206 sẽ đánh giá những bằng chứng này.
Cỗ máy trí tuệ nhân tạo mới đã được “huấn luyện” để sử dụng trong hơn 17.000 vụ án khác nhau từ năm 2015 – 2020. Tính đến nay, nó có thể xác định và buộc tội 8 loại tội phạm phổ biến nhất ở Thượng Hải. Đó là gian lận thẻ tín dụng, tổ chức hoạt động cờ bạc, lái xe nguy hiểm, cố ý gây thương tích, cản trở người thi hành công vụ, trộm cắp, lừa đảo, gây gổ và gây rối.
Theo các nhà nghiên cứu, “công tố viên” AI sẽ sớm trở nên hiệu quả hơn với các bản nâng cấp. Nó cũng sẽ có thể nhận ra những tội phạm ít phổ biến hơn và đưa ra nhiều cáo buộc với một kẻ tình nghi hơn.
Tuy nhiên, một công tố viên giấu tên ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, cho biết ông có một số lo ngại về việc sử dụng AI khi truy tố tội phạm.
“Độ chính xác 97% có thể cao theo quan điểm công nghệ, nhưng sẽ luôn có khả năng xảy ra sai sót. Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi có sai sót xảy ra? Công tố viên, máy móc hay người lập trình thuật toán?”, ông chia sẻ.
Ngoài ra, việc trực tiếp đưa AI tham gia vào quá trình truy tố cũng có thể ảnh hưởng đến quyền điều hành của công tố viên. Trên thực tế, hầu hết các công tố viên không muốn những nhà khoa học máy tính “nhúng tay” vào phán quyết pháp lý. Một vấn đề khác là công tố viên AI có thể buộc tội chỉ dựa trên kinh nghiệm trước đây của nó. Cụ thể, cỗ máy này không thể lường trước được phản ứng của công chúng đối với một vụ việc trong một môi trường xã hội đang thay đổi.
“AI có thể giúp phát hiện sai sót, nhưng nó không thể thay thế con người đưa ra quyết định”, công tố viên có trụ sở tại Quảng Châu cho biết.
Nhiều tòa án Trung Quốc đã và đang sử dụng AI để giúp các thẩm phán xử lý hồ sơ vụ án và đưa ra các quyết định như chấp nhận hay từ chối đơn kháng cáo. Hầu hết các nhà tù ở Trung Quốc cũng đã áp dụng công nghệ AI để theo dõi tình trạng thể chất và tinh thần của tù nhân, với mục tiêu giảm thiểu bạo lực trong các trại giam.
Không chỉ ở Trung Quốc, việc áp dụng công nghệ AI trong quá trình thực thi pháp luật ngày càng phổ biến trên khắp thế giới. Một số công tố viên Đức đã sử dụng công nghệ AI để nhận dạng hình ảnh và pháp y kỹ thuật số để đẩy nhanh tốc độ và độ chính xác của quá trình xử lý vụ án.
Trên thực tế, công nghệ AI có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho nhân loại, với nguy cơ thay thế con người trong tương lai. Trước đó, hồi năm 2017, câu chuyện về người máy Sophia (được vận hành bởi một hệ thống AI) trở thành robot đầu tiên được cấp quyền công dân hợp pháp (thậm chí có nhiều quyền hơn phụ nữ ở quốc gia này) đã gây xôn xao dư luận. Robot Sophia có hình người, mang quốc tịch Ả Rập Xê-út, đã đưa ra một số tuyên bố gây tranh cãi, nhưng gần đây nhất, một câu nói của Robot Sophia đã khiến cả thế giới “cạn lời”: Tôi muốn có một đứa con robot và bắt đầu xây dựng gia đình.
Trong một cuộc trò chuyện với David Hanson, người tạo ra robot này, nói rằng Sophia sẽ tiêu diệt con người. Tất nhiên, điều đó đã gây ra sự lo lắng, bởi kể từ thời kỳ đầu của robot và công nghệ AI, người ta đã lo sợ rằng chúng sẽ nổi dậy chống lại loài người.
Robot này còn xuất hiện một cách đầy tranh cãi với tư cách là giảng viên về các chủ đề khoa học và công nghệ, xuất hiện cùng với các nhân vật nổi tiếng trong các hội nghị truyền hình, chương trình truyền hình và các trường đại học trên khắp thế giới. Đầu năm 2021, Hanson Robotics thông báo rằng họ sẽ bắt đầu sản xuất hàng trăm robot sử dụng công nghệ AI kiểu như Sophia.
Theo SCMP,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa công nghệ trí tuệ nhân tạo nguy cơ của trí tuệ nhân tạo