Sau hơn 2 năm, trong 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công thương, 2 dự án bắt đầu có lãi, các dự án khác đang giảm dần lỗ hoặc vận hành trở lại.

12 dai du an thua lo
Tổng số nợ của dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam tại thời điểm rao bán vào khoảng 2.700 tỷ đồng. (Ảnh: enternews.vn)

Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) vừa có thông tin cập nhật 12 đại dự án thua lỗ của Bộ này.

Trong 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến năm 2018, 2 nhà máy bắt đầu có lãi; 1 nhà máy đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp thua lỗ (Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 – Hải Phòng); 4 dự án tiếp tục hoạt động và tiếp tục giảm dần lỗ.

Trong 3 dự án bị dừng sản xuất kinh doanh, 2 dự án đã vận hành trở lại, 1 dự án đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động lại nhà máy.

Cơ quan này cho hay một số vấn đề phức tạp, khó giải quyết về pháp lý ở các dự án đang được tập trung xử lý như ở Dự án Nhà máy thép Việt Trung, Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ… Dự kiến đến năm 2020 sẽ xử lý hết các dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm này theo yêu cầu mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

3 dự án đang bị dừng thi công không được cập nhật. Tổng số lỗ lũy kế và tổng nợ phải trả của các dự án không được công bố.

Đáng chú ý, 2 trong số 3 dự án bị dừng sản xuất kinh doanh đã vận hành trở lại đều nhờ vào việc bơm vốn, tạm ứng kinh phí sửa chữa và cam kết bao tiêu sản phẩm:

Tháng 5/2017, Bộ Công thương công bố 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành, trong đó:

6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ: gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón; DQS; Nhà máy thép Việt Trung;

3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ – PVTex.

3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn: Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.

Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là 43.673,63 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%).

Trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 22,56%, vốn vay chiếm 74,6%, 2,84% từ các nguồn khác.

Trong tổng số vốn vay, vốn vay các ngân hàng trong nước là hơn 41,8 nghìn tỷ đồng, vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ hơn 6,6 nghìn tỷ đồng.

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tính đến hết năm 2016 là hơn 16,1 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: