Đất nước đang khó khăn, thiếu vốn đầu tư phát triển, ngân sách vay nợ lên đến gần 65% GDP. Thế nhưng có một thời, các doanh nghiệp nhà nước lại đầu tư quá trán, lãng phí nguồn lực quí giá, dẫn đến nhiều dự án xây xong là “trùm mền”. Ngoài 5 dự án lớn đầu tư hơn 32.000 tỷ đã chỉ ra thì còn những dự án lãng phí tiền nghìn tỷ của dân, đâu là nguyên nhân và bài học để chấm dứt hiện tượng này?

Văn phòng Chính phủ đưa tin cho biết ngày 20/12, Ban chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành công thương đã họp để đưa ra phương án xử lý.

Như đã biết, 5 dự án thua lỗ mà Quốc hội đã chỉ ra gồm:

  • Nhà máy Đạm Ninh Bình đầu tư 12.000 tỷ đồng, qua 4 năm hoạt động đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng;
  • Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đầu tư 7.000 tỷ đồng đã dừng hoạt động do thua lỗ.
  • Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất đầu tư 2.200 tỷ đồng đã dừng hoạt động;
  • Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai;
  • Nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.
dam-ninh-binh
Đạm Ninh Bình được đầu tư 12 nghìn tỷ đồng với nhà thầu và công nghệ Trung Quốc. Năm 2012 lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng, năm 2014 lỗ khoảng 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 370 tỷ đồng. Tổng mức lỗ tới nay đã lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. (Ảnh: Đạm Ninh Bình)

Đợt này, Ban chỉ đạo cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 dự án khác gồm:

  • Dự án đạm Hà Bắc,
  • Đạm DAP 1 Lào Cai ,
  • DAP 2 Hải Phòng,
  • Ethanol Bình Phước,
  • Ethanol Phú Thọ,
  • Nhà máy đóng tàu Dung Quất,
  • Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai

Đây là các dự án đang có tình trạng tương tự, cần tập trung xử lý dứt điểm, nhằm kéo giảm nguy cơ mất vốn đầu tư, tiêu hao nguồn lực nhà nước cũng như của xã hội.

Về phương án xử lý,  các dự án không còn khả năng cơ cấu lại sẽ phải xử lý theo các hướng thoái vốn, bán đấu giá, cho giải thể, phá sản,… theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này. Về thời hạn, Ban chỉ đạo quyết tâm sẽ xử lý xong trong cuối năm 2018.

Ban chỉ đạo cũng đề nghị các cơ quan kiểm toán, thanh tra, điều tra vào cuộc, xác định rõ trách nhiệm và đề xuất xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Thủ tướng đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban.

Vì sao thua lỗ?

Thực tế cho thấy hầu hết các dự án thua lỗ đều thuộc về lĩnh vực sản xuất phân bón vô cơ (3 dự án), lĩnh vực chế biến xăng sinh học (2 dự án) và khai khoáng, đóng tàu. Đây là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của cú sốc giảm giá dầu mỏ, từ đó lan theo giảm giá các hàng hóa khác như kim loại, phân bón, hóa chất… đều giảm theo.

Khi giá dầu đang ở đỉnh cao, giá các loại hàng hóa như vàng, kim loại ở đỉnh cao thì các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhà nước nhìn nhận thị trường toàn màu hồng, họ đã vay rất nhiều tiền để đầu tư các dự án, kể cả đầu tư ra ngoài ngành với những lĩnh vực trái nghề. Khi đó lập dự án đều tính toán với mức giá bán sản phẩm ra rất cao, đến khi giá xăng dầu, phân bón thế giới giảm mạnh gần 50% thì hầu hết các dự án này đều thua lỗ.

Mặt khác, hầu hết các dự án thua lỗ này đều sử dụng công nghệ Trung Quốc, nên hiệu quả sản xuất không cao, chi phí dầu vào lớn, dẫn đến giá thành cao, không cạnh tranh được với các sản phẩm quốc tế cùng loại, nên không tiêu thụ được, càng sản xuất càng lỗ, buộc phải “trùm mền” đóng cửa.

Còn phải kể đến những nhân tố khác đã được cơ quan thanh tra chính phủ chỉ ra đó là tham nhũng, lãng phí, mua máy móc cũ giá cao, gửi giá… cũng góp phần làm đội cao giá thành sản phẩm.

Nên theo kinh thế thị trường, không dùng tiền của dân để bù lỗ

Dư luận rất đồng tình khi gần đây chính phủ đã mạnh dạn bán cổ phần tại một số các doanh nghiệp nhà nước, với quan điểm là nhà nước không nên bán bia, bán sữa… nhà nước chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực mà dân doanh không làm, hoặc khó làm.

Điều này chỉ ra rằng chủ trương nhà nước đầu tư công bằng các nguồn ngân sách, nguồn vay ODA, bằng những chính sách ưu đãi thuế, lãi suất tín dụng vào những doanh nghiệp nói trên là không hiệu quả, gây mất vốn, thất thoát lãng phí, tham nhũng, tiêu cực và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội, đến niềm tin của nhân dân.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy để phát triển kinh tế mạnh mẽ thì cần xóa bỏ những ưu đãi bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước. Thời gian qua những ưu đãi hỗ trợ quá mức đối với doanh nghiệp nhà nước đã làm hỏng chính họ.

Trước đây do doanh nghiệp nhà nước được bảo hộ quá lớn, khi lãi thì chia nhau lương thưởng rất cao, đi nước ngoài như đi chợ, dùng xe công đắt tiền, tiệc tùng lãng phí, xài sang vô độ như báo chí đã đưa. Đến khi thua lỗ thì lại xin nhà nước miễn giảm thuế, xin ưu đãi bù giá, thậm chí xin nhà nước lấy tiền ngân sách – là tiền của nhân dân để bù lỗ. Những điều phi lý đó cần phải triệt để chấm dứt trong nền kinh tế thị trường, không thể bỏ thêm tiền cho những dự án thua lỗ kia được.

Tâm Sáng

Xem thêm: